'Sát thủ 100 tấn' trong hầm ngầm của Nga có thể xóa sổ Texas

10/05/2016 09:20 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất hiện nay sẽ chỉ vô tác dụng khi chạm trán “sát thủ” Sarmat, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới nhất của Nga.

Theo mạng tin Zvezda của Nga, “sát thủ” kinh hoàng này - có thể xóa sạch sự sống trong một diện tích bằng bang Texas của Mỹ hay như cả nước Pháp - đã sẵn sàng để thử nghiệm chiến đấu trong mùa hè này.

RS-28 Sarmat có tầm bắn 10.000km, tổng khối lượng nặng ít nhất 100 tấn, bao gồm đầu nổ khoảng 4 – 10 tấn. Phát triển từ năm 2009, loại vũ khí siêu trọng này được thiết kế nhằm thay thế các tên lửa R-36M Voevoda cũ của thời Soviet.

“RS-28 Sarmat sẽ không chỉ kế nhiệm R-36M Voevoda, ở một số mức độ, nó sẽ còn quyết định phương hướng nào để chiến lược răn đe hạt nhân trên thế giới phát triển theo”, Zvezda bình luận.


Sarmat là loại tên lửa phóng đi từ hầm ngầm.

Với tốc độ bắn được cải tiến nhanh hơn, ICBM mới nhất của Nga có khả năng qua mặt mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay, khiến chúng trở nên lỗi thời.

Mặc dù mới chỉ có rất ít thông tin cũng như chi tiết công nghệ về Sarmat được tiết lộ nhưng loại tên lửa này được cho rằng có gắn tổ hợp tấn công đa mục tiêu MIRV gồm hàng chục đầu đạn hạng nặng. Những đầu đạn này sẽ có nhiều “biện pháp đối phó” để xuyên thủng mọi lá chắn chống tên lửa đạn đạo (ABM) của Mỹ.

Các chuyên gia quân sự bình luận, Sarmat là hệ thống vũ khí “độc nhất vô nhị”, chưa tìm được đối thủ “xứng tầm”, kể cả của Mỹ. Nó có khả năng bay qua Bắc Cực và Nam Cực, sử dụng nhiên liệu đẩy rắn, phóng đi từ các hầm ngầm.

Dự án Sarmat được phát triển bởi một nhóm các tổ hợp công nghiệp Quốc phòng Nga, đứng đầu là Trung tâm tên lửa Quốc gia Makeyev – đặt theo tên Viện sĩ V.P. Makeyev.

Bộ Quốc phòng Nga dự kiến sẽ đưa Sarmat vào sử dụng trong khoảng cuối năm 2018, đồng thời hoàn toàn thay thế tên lửa cũ R-36M Voevoda từ năm 2020.

Theo Tin tức/Sputnik

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm