25/07/2021 13:08 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Liệu có phải cứ tận dụng cảnh quan và ồ ạt dựng nên nhiều địa điểm check-in "siêu ảo" - điểm ngắm cảnh thu hút khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh - là thành công?
Một “cú huých” từ du lịch đang là điều các địa phương và doanh nghiệp mong đợi để thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện "mục tiêu kép" trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Nhưng liệu có phải cứ tận dụng cảnh quan và ồ ạt dựng nên nhiều địa điểm check-in "siêu ảo" (điểm ngắm cảnh thu hút khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh) là thành công? Lào Cai xác định phát triển du lịch bền vững cần nhiều thứ hơn, bắt đầu với tầm nhìn và sự chuẩn bị đồng bộ cho một quy hoạch du lịch đúng hướng.
* Điểm check-in tự phát mọc như nấm
Gần đây du lịch Sa Pa được nhắc đến nhiều trên phương tiện thông tin đại chúng và trang mạng xã hội bởi những ý kiến khác nhau liên quan đến các điểm check-in được xây mới như bức tượng "Nữ thần Tự do", tượng "Elsa"... Theo quan điểm của nhiều người, đó là "những phiên bản lỗi", "thiếu tính thẩm mỹ", "không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên tại Sa Pa"... Ngoài ra, các điểm check-in được xây dựng ở những vị trí không phù hợp còn tạo ra nguy cơ mất an toàn giao thông.
Hai bức tượng trên không phải là những sản phẩm check-in đầu tiên được xây dựng tại Sa Pa. Những năm qua, Sa Pa đã trở thành một trong những điểm du lịch “hot” bậc nhất trong nước khi sở hữu rất nhiều điểm check-in hấp dẫn như Moana, Secret Garden, Swing Sapa, Sapa Story, An Sapa, Check-in Thung lũng xanh, 1579 Sapa, Xavia Sapa… Trên thực tế, những điểm du lịch này có doanh thu khá lớn từ nguồn bán vé và đang là xu hướng đầu tư của nhiều người muốn làm du lịch tại Sa Pa. Anh Hoàng Dũng, một hướng dẫn viên du lịch lâu năm tại Sa Pa chia sẻ, giờ các bạn trẻ đi du lịch theo xu thế chỉ cần có hình check-in đẹp và ảo. Vì vậy, dịch vụ du lịch check-in, chụp hình sống ảo càng nở rộ, nhất là khi đầu tư dịch vụ kiểu như vậy không tốn nhiều kinh phí, nhanh lấy lại vốn, rủi ro ít.
Nói thêm về thực tế này, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lào Cai Hà Văn Thắng cho biết, trước khi dịch COVID-19 xảy ra, năm 2019 Lào Cai đã đón 5,1 triệu lượt khách. Trong những dòng khách lớn như vậy có nhiều người yêu thích loại hình trải nghiệm check-in điểm đến. Do đó, một số người dân, tổ chức, doanh nghiệp đã đón bắt nhu cầu và tự xây dựng lên các điểm check-in. Mặc dù không nằm trong những điểm được cấp phép du lịch tại tỉnh Lào Cai, nhưng bước đầu những điểm check-in này đã góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương, mang đến sản phẩm du lịch phong phú cho Lào Cai, đáp ứng những loại hình du lịch đa dạng cho du khách.
Có "cầu" ắt có "cung", dù trào lưu xây dựng các điểm check-in cho du khách chỉ mới xuất hiện tại Lào Cai từ năm 2019 nhưng nhiều điểm trong số đó lại là những cái tên được tìm kiếm hàng đầu của du khách khi đến Sa Pa và Lào Cai. Hầu hết các điểm đến này thực chất không mang giá trị nhiều về văn hóa, nghệ thuật hay lịch sử gì của Sa Pa, nhưng lại có thể đánh bật nhiều địa danh từng là danh thắng, địa điểm du lịch lừng lẫy suốt một thời gian dài của Sa Pa như: Thác Tình yêu, bản Cát Cát, bản Tả Phìn, đèo Ô Quý Hồ, núi Hàm Rồng, đỉnh Fanispan, cầu Mây Tả Van, thung lũng Mường Hoa…
Đến thời điểm hiện tại, theo báo cáo của UBND thị xã Sa Pa, địa phương có khoảng 20 điểm check-in tự phát như vậy. Tuy nhiên, phải đến khi xuất hiện quá nhiều tranh cãi quanh bức tượng "Nữ thần Tự do" và mới đây nhất là tượng "Elsa" do Công ty TNHH ANSAPA xây dựng, vấn đề các điểm check-in có hay không có giấy phép xây dựng, có đảm bảo an ninh, an toàn, mỹ quan... bắt đầu được dư luận và chính quyền địa phương quan tâm quyết liệt.
* Phát triển du lịch phù hợp với cảnh quan, văn hóa
Ngày 22/7, chỉ 3 ngày sau khi bị dư luận trên một số trang mạng xã hội lên tiếng chê bai, bức tượng "Elsa" do Công ty TNHH ANSAPA làm chủ đầu tư đã bị tiến hành dỡ bỏ theo yêu cầu của chính quyền thị xã Sa Pa, với lý do mô hình nằm trong khuôn viên chưa được công nhận là điểm du lịch và chưa có giấy phép xây dựng. Trước đó, mô hình bức tượng bán thân "Nữ thần Tự do" cũng do Công ty này xây dựng đã được chính quyền yêu cầu tạm dừng xây dựng các hạng mục của điểm check-in và không được đón khách tham quan chụp ảnh cho đến khi có quyết định chính thức của UBND thị xã.
Cùng với đó, tại Báo cáo số 654 ngày 20/7/2021 của UBND thị xã Sa Pa về việc kiểm tra, xử lý vi phạm điểm check-in ANSAPA tại tổ 4, phường Phan Si Păng, thị xã Sa Pa đã đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lào Cai chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá và xử lý về tác động cảnh quan du lịch của các mô hình mỹ thuật tại các điểm du lịch, đồng thời hướng dẫn UBND thị xã quản lý việc đầu tư xây dựng các mô hình phục vụ du lịch.
Vụ việc trên không chỉ đặt ra câu hỏi về vấn đề phát triển hài hòa giữa lợi ích người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm du lịch với quy hoạch du lịch Sa Pa nói riêng, Lào Cai nói chung, mà còn cho thấy vẫn còn những lúng túng trong việc quản lý nhằm bảo đảm phát triển du lịch bền vững tại địa phương này. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai, đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quan điểm phát triển du lịch tại Sa Pa được nêu rõ: Chú trọng khai thác thế mạnh đặc trưng về cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa đặc sắc, đa dạng của đồng bào các dân tộc thiểu số để phát triển khu du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao chất lượng dịch vụ, khẳng định thương hiệu du lịch cho Sa Pa.
Để làm được điều đó, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai, ông Hà Văn Thắng cho biết, từ nay đến năm 2030, Lào Cai hướng tới xây dựng 140 sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng về văn hóa và vẻ đẹp thiên nhiên của địa phương. Những điểm và loại hình du lịch được xây ở đâu, hoạt động thế nào đã có định hướng rất rõ ràng. Tuy nhiên, để đáp ứng những yêu cầu phát triển theo quy hoạch thì cần đầu tư rất lớn từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội.
Do đó, để bảo đảm sự hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và nhà quy hoạch phát triển du lịch lâu dài, trước mắt người dân, doanh nghiệp Lào Cai cần được tư vấn bởi các chuyên gia để tạo dựng nên những sản phẩm du lịch đáp ứng các tiêu chí. Chính quyền địa phương có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn giúp cho các tổ chức, cá nhân nắm vững hơn về các quy định hiện hành.
Ngoài ra, theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai, để bảo đảm phát triển du lịch bền vững, trước hết các ngành chức năng cũng cần rà soát lại các quy định chuyên ngành, nếu còn bất cập thì cần phải đề xuất để điều chỉnh các quy định cho phù hợp với thực tiễn. Đối với những quy định đang có hiệu lực thì cần tăng cường tuyên truyền để các tổ chức, người dân hiểu và chấp hành; đồng thời kiểm tra, đánh giá một cách tổng thể giữa các ngành, tránh việc tự các ngành kiểm tra đơn lẻ, thiếu hướng dẫn đồng bộ.
"Ngành Văn hóa cũng sẽ tham mưu cho tỉnh sau khi lấy ý kiến của các chuyên gia về giao thông, xây dựng, tài nguyên môi trường, kiến trúc, mỹ thuật... có hướng dẫn hoặc khuyến cáo cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình chung tay xây dựng môi trường du lịch, sản phẩm du lịch, đáp ứng các tiêu chí phát triển du lịch bền vững của Lào Cai", ông Hà Văn Thắng cho biết.
Hương Thu - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất