10 điểm nhấn văn hóa năm 2015 do báo Thể thao & Văn hóa chọn

22/12/2015 12:26 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Dưới đây là 10 điểm nhấn văn hóa năm 2015 do báo Thể thao & Văn hóa chọn:

1. Việt Nam nhận thêm hai danh hiệu Di sản Thế giới. Cụ thể, đầu tháng 7, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai với hai tiêu chí nổi bật toàn cầu, bao gồm: “Là ví dụ nổi bật đại diện cho các tiến trình sinh thái trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn" và "Sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học". 12 năm trước, di sản này cũng đã được vinh danh lần thứ nhất theo tiêu chí: "Giá trị ngoại hạng về địa chất và địa mạo".

Tiếp đó, cuối 2015, Trò chơi và nghi lễ kéo co truyền thống của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Danh sách văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện nhân loại, nâng danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể mà Việt Nam sở hữu lên con số 10.


Phong Nha – Kẻ Bàng được vinh danh Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai

2. Nhiều hoạt động Văn hóa nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2015 đã được tổ chức thành công, điển hình là dịp kỷ niệm 40 năm Thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015); 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2015); 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du, Danh nhân Văn hóa Thế giới (1765 – 2015).

3. Điện ảnh Việt Nam năm 2015 tương đối thành công qua trường hợp của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Lửa Thiện Nhân…, hay Liên hoan phim lần thứ XIX. Đặc biệt, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh gây hiệu ứng xã hội, là bộ phim đầu tiên do nhà nước đặt hàng tư nhân sản xuất, đạt doanh thu cao trong lịch sử phim Việt, đồng thời phim giành 4 giải thưởng (gồm cả giải quan trọng nhất là Bông Sen Vàng cho Phim xuất sắc nhất) tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XIX.


Cảnh trong phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"

4. Một năm đáng nhớ của nhan sắc Việt. Với việc giành Á hậu 3, Cuộc thi Hoa hậu Quốc tế vào tháng 11, Á khôi Thuý Vân trở thành người đẹp Việt có thành tích cao nhất trên trường quốc tế. Hoa khôi Lan Khuê lọt Top 11 cuộc thi Hoa hậu Thế giới – thứ hạng cao nhất từ trước tới nay của người đẹp Việt ở đấu trường này. Hoa hậu Phạm Hương gây sự chú ý của công luận trong và ngoài nước khi dự thi Hoa hậu Hoàn vũ.

Tuy nhiên, bên cạnh tin vui này, dư luận cũng quan tâm tới nhiều lùm xùm trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, khi nhiều thí sinh bị cáo buộc “thi chui” (tức không xin phép) và bị phản ứng: Nguyễn Văn Sơn; Lâm Thùy Anh; Hồ Thị Oanh Yến... Các trường hợp này cũng đặt ra câu hỏi về nhu cầu thay đổi quy định về thi hoa hậu, người đẹp nhằm tạo điều kiện hơn cho thí sinh và nhà tổ chức.


Từ trái sang: Hoa khôi Lan Khuê, Hoa hậu Phạm Hương và Thúy Vân với danh hiệu mới - Á hậu Hoa hậu Quốc tế

5. “Lùm xùm” bản quyền thơ thu hút sự quan tâm của dư luận, với trường hợp bài thơ Bạch lộ của Phan Huyền Thư (đã bị Hội Nhà văn Hà Nội rút giải thưởng) và ở mức độ thấp hơn, đó là cuộc tranh cãi chưa có hồi kết về bản quyền bài thơ Tổ quốc gọi tên mình giữa Nguyễn Phan Quế Mai và Ngô Xuân Phúc.

6. Tranh cãi quanh các lễ hội liên quan tới tục hiến sinh. Một loạt tranh cãi gay gắt đặt ra quanh các lễ hội liên quan tới nghi thức chém lợn tại Bắc Ninh, đâm trâu tại Tây Nguyên hay “cầu trâu” tại Phú Thọ. Dù được coi là “dã man”, “đầy bạo lực” trong mắt một số người, vấn đề này không dễ giải quyết khi liên quan tới bài toán về sự cân bằng giữa bảo tồn và hội nhập văn hóa, giữa giữ gìn nguyên trạng và cải tiến lễ hội.

Ở mức độ thấp hơn, thú vui “ẩm thực thịt chó” cũng là khởi nguồn dẫn tới những tranh cãi quanh chiến dịch “Về đi, Vàng ơi!” của Liên minh Bảo vệ chó châu Á.


Lễ hội chém lợn Ném Thượng gây tranh cãi

7. Nhiều “tác phẩm” tự chế trên Youtube bị phản ứng. Đó là trường hợp của Talkshow Những kẻ lắm lời, cũng như bộ phim tự chế về vụ thảm sát Bình Phước. Không chỉ bị yêu cầu gỡ bỏ (thậm chí bị phạt), các “tác phẩm” tự sản xuất, tự phát hành này cũng bắt đầu đặt ra vấn đề về quản lý, định hướng những chương trình giải trí trên mạng xã hội.


“Những kẻ lắm lời” đã bị Bộ TT&TT yêu cầu gỡ bỏ

8. Báo động về dòng sách ngôn tình, đam mỹ. Dòng sách này được dịch và xuất bản tràn lan trên thị trường, trong đó có nhiều cuốn bị dư luận “chỉ mặt” là không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam như Đồng lang cộng hôn, Nở rộ, Anh là định mệnh trong đời… Vào tháng 5, Cục Xuất bản đã có quyết định yêu cầu tạm dừng xuất bản dòng sách này.

9. Vẻ đẹp của hang Sơn Đoòng gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng thế giới khi được truyền hình trực tiếp trên Chương trình Good Morning của Đài ABC (Mỹ) vào tối 13/5. Sự kiện này lập tức gây “bão mạng” trong cộng đồng khán giả Việt Nam, cũng như tiếp tục khiến cái tên Sơn Đoòng được khách du lịch thế giới biết đến như một điểm du lịch độc đáo. Chỉ một tuần sau đó, hang động đặc biệt này bất ngờ xuất hiện trong clip quảng cáo phim bom tấn "Peter Pan" của hãng Wanner Bross và thu hút hơn chục triệu lượt truy cập.


Sơn Đoòng được khách du lịch thế giới xem là điểm đến độc đáo

10. Việc chế lời quốc ca gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Câu chuyện còn được bàn tới trên nghị trường với quan điểm: phải xử lý thật nghiêm đơn vị/cá nhân làm việc này.

Báo Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm