Cha tôi yêu TT&VH như định mệnh

14/08/2012 15:29 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Khi đọc tin báo TT&VH kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, trong đầu tôi đã nghĩ ngay đến những điều sẽ bày tỏ cùng tờ báo trong thời gian qua. Trong đời người, kể ra có được những ấn tượng tốt đẹp và lâu bền thật không dễ dàng, nhất là trong thế giới sôi động nhộn nhịp và thử thách các giá trị một cách khốc liệt như cuộc sống hôm nay.

TT&VH đem lại cho tôi những suy nghĩ như thế, nhưng động lực thôi thúc viết những dòng này lại từ những kỷ niệm với cha tôi, một nhà báo nghèo và chẳng mấy nổi danh. Nhưng những gì ông để lại về nhân cách, cốt cách cũng như tình yêu đặc biệt của ông với TT&VH khiến tôi hiện tại dù đang khá bận rộn cho cuộc mưu sinh và nói thật là cũng đã chán chường với viết lách vẫn thấy cần có vài dòng, như một nén hương khấn hương hồn ông, mỗi khi tôi gặp sự đồng điệu trong cuộc sống.

Suốt cuộc đời làm báo của mình cũng như lúc đã về hưu, ông cặm cụi viết, yêu nghề và làm biên tập “không công” cho TT&VH. Nói là không công cho vui vì ông mua báo về đọc, và cẩn thận biên tập sửa chữa nhận xét rất kỹ từng số báo, sau đó mới chia cho các con đọc, và tùy theo ý thích, mối quan tâm của từng đứa, ông viết vài chữ nhắn. Ví dụ: Số này cho Kiều, có bài của Hoàng Hưng, Phan Cẩm Thượng, Lê Thiết Cương rất tuyệt, hay: Số này cho Danh có trận thư hùng của Bóng đá Anh, cho Diễm vì có bài về Mỹ Linh... Hiện nay, trên giá sách báo của gia đình họ Dương chúng tôi vẫn giữ được nhiều tờ TT&VH mang bút tích của ông như thế. Nhất là từ hồi báo in đẹp ra số thứ Ba và thứ Sáu thì nhiều vô kể.



TT&VH giai phẩm Xuân Nhâm Thìn 2012.

Trước đó, ông đã là độc giả trung thành và cần mẫn của nhiều tờ báo trong đó có TT&VH. Hàng ngày, ông có thú vui là đi bộ ra bưu điện thành phố để mua báo ở đó. Cũng như chỗ ông mua thuốc lá, cắt tóc, may quần áo và ăn sáng chỉ ở một địa chỉ, dù lý do gì cũng không thay đổi, trong mấy chục năm sống ở Sài Gòn.

Hồi đó TT&VH chưa ra hàng ngày như bây giờ, nên ông luôn ngóng ngày thứ Ba và thứ Sáu để mua, sau đó đọc và biên tập, chỉ ra những lỗi sai như một người biên tập hay sửa morasse chuyên nghiệp. Có những nhận xét hóm hỉnh đôi khi cũng cực đoan. Ví dụ, ở trang bóng đá, có khi ông “chua” ở bên cạnh: Thôi đi ông, cứ làm như đội Pháp là nhất, đọc rất buồn cười, và không phải không có lý, hoặc phê ở bên cạnh bài của Phạm Thị Thu Thủy: Xác đáng, của Vàng Anh: Chị Thỏ Bông đanh đá quá… Có những lúc sau một số bài, ông lại viết: Sao lại nói thế? hoặc: Ông có điên không? Vào những lúc có tranh luận về sự kiện văn hóa - nghệ thuật hoặc đời sống xã hội kiểu như: Có nên bỏ đường hoa Nguyễn Huệ khá ầm ĩ, ông thường hỏi: Thế TT&VH bảo sao? Như thế, có nghĩa là ông chờ đợi sự thẩm định của TT&VH.

Không biết những người làm TT&VH bây giờ có coi điều này là quý không? Nhưng tôi, với một quãng đời làm báo không dám gọi là nhiều thì có thể nói, có được độc giả như ông đối với TT&VH quả là không nhiều.

Cha tôi yêu TT&VH như định mệnh. Nói thế thật không quá lời, vì đi đâu, làm gì xa thành phố vào ngày TT&VH phát hành mà không kịp mua thì ông bồn chồn không yên tìm bằng mọi cách để có. Và khi mua về ông chưa đọc thì không một ai dám động tới, ông nổi cáu ngay mặc dù hàng ngày ông rất hiền và lành tính. Nhất là các số cuối năm, đã nhiều lần ông tần ngần hỏi: Sao TT&VH lại chỉ có số Tất niên, không có số Tết? Có những ảnh bìa chụp thiếu nữ bên ánh đèn, ông đề bên cạnh: Ảnh đẹp thật, nhìn mãi không chán…

Người duy mỹ như cha tôi khó tránh khỏi sự cực đoan trong tình yêu của mình. Ví dụ có lần TT&VH đưa ảnh Maradona khi đã có án dopping, ông đề bên cạnh: Hãy quên ông béo ị này đi… Và ông buồn thật sự như chính ông bị tổn thương.

TT&VH đã tạo ra cho ông và gia đình yêu văn chương báo chí của chúng tôi những mỹ cảm như thế đó! Và ông đã truyền tình yêu ấy cho 6 chị em chúng tôi, bây giờ mỗi khi Tết đến có báo Xuân TT&VH, chúng tôi đều mua đặt lên bàn thờ cúng ông cùng với những món ăn giản dị ông thích lúc sinh thời…

Và tôi, khi đi đâu vào cuối tuần thì cũng không yên vì khó lòng mua TT&VH ở tỉnh khác, nhất là các tỉnh miền Tây Nam bộ hay miền Trung. Còn nhớ cách đây không lâu, có anh bạn ở Bình Thuận ghé nhà chơi, anh say sưa đọc một số báo TT&VH Cuối tuần có bài nói về văn nghệ quần chúng. Thời buổi này mà anh lại lấy giấy bút ra chép tay, tôi thương tình bảo: Nếu anh thích quá thì em kính biếu, hoặc vào mạng lấy xuống thì anh ấy bảo: Không, mỗi khi có điều gì gan ruột tôi lại thích chép tay cơ… Năm trước ra Hà Nội mấy ngày thì tất nhiên vẫn mua được nhưng rõ ràng là báo Ngày in giấy đen hơn và in “xấu ỉn” nói như cách của các em bé lớp mầm chồi hay chê bạn xấu, nhưng vẫn dễ thương…

Còn chuyện này nữa, khi tôi chuyển nhà từ quận 10 sang quận 2 thì ngoài những thuận lợi, tôi có một việc bất ưng đó là khó mà mua được TT&VH, nhất là số báo cuối  tuần. Đôi khi hỏi các sạp báo thì họ nhìn như người hành tinh khác, nghĩ cũng tức thật…

Chuyện vui, buồn và kỷ niệm đẹp với TT&VH của gia đình tôi là thế…

Dương Kiều Linh (Khoa Sử Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm