Ca sĩ Tùng Dương: Lo bị soán ngôi ư, nhiều người còn sợ hơn tôi đấy

10/11/2015 06:46 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Năm ngoái, Tùng Dương tổ chức đêm nhạc Áo mùa Đông, sân Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội đậu kín xe hơi, toàn xe sang… Điều đó khác xa với thời Tùng Dương thi Sao Mai - Điểm hẹnhồi năm 2004.

Tùng Dương sẽ có cuộc trình diễn toàn những bản hit trong Thập kỷ hoan ca (diễn ra tối 12 - 13/12 tới tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội), với một chân dung Tùng Dương thật nhất, “chất” nhất...

“Đó sẽ là những bản hit, rõ chân dung Tùng Dương nhất, một Tùng Dương hơn 30 tuổi, vững chắc, sung sức, nhiều năng lượng. Năm 2015, tôi không nhiều hoạt động, nhưng các fan lúc nào cũng mong chờ” - Tùng Dương chia sẻ

* Tôi có cảm giác, nếu không làm gì, nghĩa là không có live show, không có album, thì Tùng Dương “ăn không ngon, ngủ không yên”?

- (Cười) Đúng là “đứng ngồi không yên”. Tháng 10/2015 vừa qua, tôi đắt show kinh khủng. Trong khi khán giả Hà Nội luôn có nhu cầu nghe, muốn trò chuyện với nghệ sĩ bằng âm nhạc. Khán giả thủ đô có gout lắm, có thể nhịn ăn để mua một tấm vé. Họ “chịu chơi” về nghệ thuật.

Và họ có đủ sự nồng nhiệt đón chờ vì họ không thừa thãi những đêm nhạc phòng trà, event như ở phía Nam. Nhưng họ cũng đòi hỏi khắt khe lắm, một đêm nhạc phải chất lượng, chiều sâu và tinh tế kiểu Bắc...


Tùng Dương luôn muốn chơi một cuộc chơi nghệ thuật hết mình

* Nhưng tôi lại nghe nói Tùng Dương cũng là cái tên “kén sô” ở miền Nam?

- Không hẳn vậy. Khi diễn ở Sài Gòn, tôi nhận tràng vỗ tay không dứt của khán giả. Mình như món ăn lạ với họ. Nhạc sĩ Dương Thụ từng nói với tôi rằng: Dương vào Sài Gòn có khi mất chất. Mất chất không phải mất đi chất, mà phải theo hương vị trong đó và có thể không giữ được “vị Bắc” nữa. Chú Thụ nói cũng đúng, ông khuyến khích tôi ở Hà Nội.

* Anh nhận mình là “chàng trai ngoài 30 vững chắc, sung sức”. Nhưng dù khán giả không hẳn khó tính, kén chọn thì họ vẫn nhận thấy trên thị trường liên tục xuất hiện những ngôi sao mới. Trào lưu truyền hình thực tế tạo nên tên tuổi mang tính giải trí hơn. Có khi nào anh lo ngại rằng mình bị lép vế?

- (Cười) Đó là sự phát triển của âm nhạc Việt, ắt hẳn nó phải thế. Đến giai đoạn mở của thị trường âm nhạc, game show nở rộ, bạn trẻ có nhiều cơ hội. Nhưng quán chiếu ngược lại, nếu nhiều thì chất lượng có đảm bảo không? Mỗi năm đều đặn chúng ta có một số quán quân nhưng thử hỏi bao nhiêu trong số họ “trụ” lại được với showbiz khắc nghiệt.

Tình trạng chung như vậy là áp lực cho nhiều nghệ sĩ chứ không riêng Tùng Dương, nhất là những nghệ sĩ vị nghệ thuật. Nhưng chúng tôi sống bằng niềm tin, sự cống hiến cho khán giả. Tôi gây dựng niềm tin cho đối tượng khán giả, thì đổi lại, họ yêu mình. Nhưng được khán giả khó tính yêu cũng áp lực lắm.

Vượt qua áp lực đó khó hơn việc lo sợ một ngày nào đó bị soán ngôi. Nếu tôi lo sợ, thì nhiều người theo dòng giải trí còn lo sợ hơn tôi. Vì người theo đuổi nghệ thuật thực thụ như tôi giờ là của hiếm…

* Anh nghĩ sao về việc “chiều theo thị hiếu” của giới showbiz?

- Tôi là thiểu số có con đường độc bước sáng tạo, phá cách chứ không muốn ở yên. Trong khi nhiều nghệ sĩ đứng lại. Do họ chọn lựa, không sáng tạo hay muốn chiều lòng công chúng, có thể là nhạc xưa, nhạc vàng hoặc theo trào lưu.

Tôi muốn dung hòa hai yếu tố đó. Mình sống ở một đất nước mà khán giả luôn có nhu cầu thay đổi, hôm nay ăn món này, mai món kia. Nhưng người có lý trí là phải giữ lại điều mình đeo đuổi, chứng minh cho họ tôi là tôi, chứ không phải người khác.

Tùng Dương: 10 năm độc hành để đến đỉnh cao…

Tùng Dương: 10 năm độc hành để đến đỉnh cao…

Cách đây khoảng 10 năm, ngày 20/1/2005, giải thưởng Âm nhạc Tiền Cống Hiến trong lần vinh danh đầu tiên đã trao giải cho một ca sĩ cũng lần đầu tiên bước ra từ một cuộc thi âm nhạc truyền hình đang gây bão (Sao Mai - Điểm Hẹn) - Tùng Dương


* Anh có bị áp lực trước nhu cầu cuộc sống khi xây nhà mới, đi xe tiền tỷ?

- Khát vọng về sự ổn định, đầy đủ tài chính là rất bình thường. Độc đoán căn cơ với chính mình, nhà cửa không có để ở hoặc phải vay mượn tiền để làm nhạc là thiếu thực tế. Nhiều nghệ sĩ gạo cội đã lâm vào hoàn cảnh đó nên mình không đi vào vết xe đổ của họ. Nhưng mặt khác, người đau đáu với nghệ thuật luôn muốn làm nghệ thuật thực sự, khi nằm xuống họ muốn có đóng góp cho xã hội. Nếu chỉ kiếm tiền, tiền là trên hết thì sẽ trở thành dạng ca sĩ thương mại.

* Điều đó có nghĩa, anh là một ca sĩ nghệ thuật giàu có?

- Đối với nghệ sĩ, giàu có rộng lắm, không chỉ tài chính. Nhiều nghệ sĩ trở thành tỷ phú, rồi không hoạch định tài chính nên phá sản. Kiếm tiền đã khó, hoạch định nó khoa học hiệu quả, nhân lên, tạo cơ hội để mình phát triển còn khó hơn. Ai cũng muốn ra nước ngoài, làm việc với ê - kíp nước ngoài, nhưng phải có tiền chứ. Thế nên, giàu có với tôi là được chơi một cuộc chơi nghệ thuật hết mình.

* Được biết anh luôn có hậu thuẫn của những người thân trong các hoạt động nghệ thuật?

- May mắn tôi có nhiều người yêu mến và giúp đỡ.

* Trong đó có “một nửa kia”?

- Chúng tôi chẳng lên báo nói chuyện này, nhưng tin tưởng, hỗ trợ, chia sẻ về tinh thần. Đấy là nền tảng giúp chúng tôi mạnh dạn nghĩ tới điều to lớn cho nghệ thuật.

Tuy nhiên, chúng tôi thống nhất với nhau, chuyện tình cảm giữ ở riêng tư. Chúng tôi thấy bất an khi bị soi xét, cuộc sống riêng tư nên ẩn dật thì hay hơn. Đôi lần tôi đã chia sẻ với báo chí, cô ấy không thích thì tôi cũng thấy cần tôn trọng người bạn đời của mình.

* Lần này anh có thể phá lệ nói về cô ấy?

- Chúng tôi gắn bó từ lúc nào không biết, quan trọng là hỗ trợ cuộc sống, nghề nghiệp, cùng làm cùng chia sẻ. Hai người chéo ngoe ra, về đến nhà không chia sẻ điều gì ngoài chuyện con cái học hành thì thật mệt mỏi. Giúp nhau, thúc đẩy công việc của nhau mới tạo sự gắn kết lâu dài. Với tôi, đó là hạnh phúc, thật giản dị!

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Hà Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm