11/02/2019 08:08 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - HAGL thông báo, Xuân Trường đã đạt được thoả thuận với nhà đương kim vô địch Thai Premier League, Buriram United, đồng thời Công Phượng sẽ cập bến Incheon United, nếu vượt qua được đợt kiểm tra y tế sắp tới đây. Trước đó, Đặng Văn Lâm đã đặt chân tới Muangthong United. Đây thật sự là một tín hiệu đáng mừng, khi bóng đá Việt Nam, sau những thành công bước đầu, đã có thể xuất khẩu cầu thủ.
Trong một diễn biến có liên quan khác, nhà vô địch V-League 2018, CLB Hà Nội, sẽ trở lại đấu trường AFC Champions League trong tuần này. Đại diện Thủ đô là đội bóng cung ứng nhiều tuyển thủ quốc gia nhất, và đang sở hữu những cầu thủ chất lượng bậc nhất Việt Nam. Nhưng tại sao và như thế nào, họ nhất định không chịu xuất khẩu, dù những Quang Hải, Văn Hậu... nhận được rất nhiều lời mời?
Mỗi một CLB hay Học viện bóng đá Việt Nam theo đuổi một mục tiêu khác nhau. 12 năm trước, khi mở Học viện bóng đá HAGL - Arsenal JMG, bầu Đức muốn hướng tới việc xuất khẩu cầu thủ, sau khi đã “mua vào” quá nhiều. Tỷ lệ ăn chia giữa các bên liên quan vào thời điểm đó là rất rõ ràng.
Thực tế, với lứa đầu ra ràng, bầu Đức hoặc ký gởi hoặc cho mượn, đã phần nào cho thấy khao khát của ông. Tiếc rằng, từ Công Phượng đến Tuấn Anh, Xuân Trường, những cầu thủ tốt nhất của Học viện Hàm Rồng, đều không thành công ở Hàn Quốc và Nhật Bản.
Với cơ sở tạo dựng về mặt thương hiệu và đẳng cấp chơi bóng của cầu thủ được định hình trong vài năm qua, giờ bầu Đức muốn làm lại cho mục tiêu xuất khẩu. Đáng hoan nghênh với tư duy tự cường của ông bầu đội bóng phố Núi.
Thực ra, thị trường Đông Bắc Á và châu Âu là hơi quá sức so với năng lực chinh phục của cầu thủ Việt Nam. Nhưng Thai Premier League của Thái Lan, với suất ngoại binh thứ 5 cho một cầu thủ nguồn gốc Đông Nam Á là vừa vặn. Đó là lý do Văn Lâm, rồi Xuân Trường đã cập bến những đội bóng hàng đầu ở giải đấu này.
Lương bổng không phải là vấn đề, khi một CLB ở Thai Premier League có thể trả đến gần cả tỷ đồng/tháng cho một ngoại binh chất lượng. Quan trọng là môi trường phấn đấu. Và ngoài ra, người Thái “bắt” Việt Nam phải xem giải đấu của họ, như hơn 10 năm trước, khi hàng loạt các ngôi sao Thái Lan qua V-League và giải hạng Nhất Việt Nam kiếm việc.
Riêng CLB Hà Nội, họ chưa có chủ trương xuất khẩu cầu thủ (Việt) vào thời điểm này. Lý do là bởi, sau khi thống trị giải quốc nội, khẳng định tình yêu với khán giả Thủ đô và cả nước, họ muốn tiến ra đấu trường châu lục dành cho CLB. Đây là tham vọng hợp lý. Vả lại, nói như Chủ tịch đội bóng này, ông Nguyễn Quốc Hội, là ông không muốn phí phạm những tài năng do đội bóng tạo ra để phục vụ CLB và các ĐTQG, cho mục đích thương mại, làm quảng cáo. Quả thật, nếu Quang Hải phải mài đũng quần trên băng ghế dự bị ở một CLB nước ngoài nào đó trong một hai mùa giải thì có thể chúng ta sẽ mất anh luôn.
Quang Hải đã tiến bộ vượt bậc trong khoảng 3-4 năm qua, nhờ tài năng và một môi trường phấn đấu tuyệt vời. Nhưng có gì là đảm bảo, nếu anh rơi vào tình huống của Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường 2 năm trước? Đấy là những cầu thủ có đẳng cấp chơi bóng tương đương nhau.
Một thời gian dài, V-League và cả giải hạng Nhất quốc gia gần như chỉ “nhập siêu”. Các ngoại binh chất lượng giúp chúng ta nâng tầm và quảng bá giải đấu. Cho đến khi nhà tổ chức bóp lại các suất đăng ký cầu thủ ngoại. Đấy thật sự là một phương án sai lầm. Giờ thì làm lại từ đầu.
Bóng đá Việt Nam mới chỉ bắt đầu chu kỳ thành công, ở ít nhất các cấp độ đội tuyển quốc gia, chứ hệ thống thi đấu quốc gia và đào tạo trẻ - bóng đá học đường thì chưa đồng bộ. Nó chưa phải sự bền vững. Nhưng cần phải có những đột phá, thay vì tự ti và dẫm lại lối mòn. Hãy cầu mong điều tốt đẹp cho tất cả khi vươn ra những đấu trường đỉnh cao, bởi đơn giản, họ xứng đáng và hoàn toàn đang rất sẵn sàng.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất