20/10/2019 09:19 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) – Ý tưởng thành lập một tổ chức riêng rẽ để tôn vinh sự đa dạng trong nhạc Latin đã được thảo luận trong nhiều năm trước khi thành hiện thực, và cuối cùng được thúc đẩy bởi một nghệ sĩ trẻ đa dòng đình đám khi đó.
Trong lễ trao giải Grammy lần thứ 41, nghệ sĩ trẻ Ricky Martin đã được lên kế hoạch biểu diễn La Copa de La Vida (The Cup of Life), ca khúc World Cup 1998.
Thành công của ca khúc đã đưa tên tuổi Martin lên bàn thảo luận và với sự giúp đỡ của nhà điều hành sản xuất hãng Miami Sound Machine Emilio Estefan, Học viện Thu âm đã đặt Martin biểu diễn ca khúc ở Grammy năm 1999.
Chất giọng, những bước di chuyển và sự quyến rũ của Martin đã thu hút được đông đảo khán giả tới mức tạo nên hiện tượng mà báo chí gọi là “cơn bùng nổ nhạc Latin Pop”.
“Đó là khoảnh khắc “trước và sau” trong sự nghiệp của tôi, khi tôi có cơ hội biểu diễn tại Grammy”, Martin chia sẻ. “Mọi thứ sẽ không bao giờ như cũ nữa”.
Martin không giành được giải Grammy nào nhưng doanh số bán đĩa của anh đã tăng vọt sau màn biểu diễn đêm đó. Album tiếp theo của anh, phát hành ba tháng sau, trở thành một trong những bản ghi bán chạy nhất mọi thời đại.
“Nhờ thành công của đêm đó, đèn xanh đã bật lên cho lễ trao giải Grammy Latin”, Martin nói thêm.
Đột phá của Martin năm đó giúp thay đổi cục diện dòng nhạc đã được tạo nên bởi những nghệ sĩ Latin huyền thoại, từ Tito Puente, Celia Cruz và Willie Colon đến Ruben Blades, Gloria Estefan và nhiều người nữa. Năm 2000, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật ghi âm Latin đã được thành lập như một thực thể độc lập. Mike Greene, Rob Senn và Michael Melvoin được bổ nhiệm làm giám đốc sáng lập và lễ trao giải Grammy Latin được tổ chức ngay năm đó tại Trung tâm Staples ở Los Angeles.
“Tôi vẫn còn nhớ lần đầu khi bước lên sân khấu Grammy Latin”, Martin, người biểu diễn bên Cruz và Estefan khi đó, nhớ lại. “Được đi bên hai huyền thoại – những người tôi rất ngưỡng mộ và kính trọng, được đưa ngôn ngữ của chúng tôi tới toàn thể thế giới trước cả khi cụm từ “vượt lằn ranh” trong âm nhạc được phát minh ra”.
Emilio Estefan xem sự ra đời của giải Grammy Latin là cách để công chúng nhận ra sự đa dạng trong âm nhạc và văn hóa Latin.
Dưới sự lãnh đạo của Gabriel Abaroa Jr., người được bổ nhiệm làm chủ tịch năm 2003 và sau đó là CEO năm 2010, Viện đã có những bước tiến đáng kể về văn hóa cũng như từ thiện. Viện hiện có 3.500 thành viên nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở hơn 34 quốc gia. Họ bao gồm các nghệ sĩ thu âm, nhạc sĩ, nhà sản xuất và chuyên gia kỹ thuật thu âm – những người xem xét và quyết định xem nghệ sĩ nào nhận được đề cử và đoạt giải Grammy Latin.
Bên cạnh tổ chức giải Grammy Latin, viện cũng phát triển một loạt chương trình giáo dục và hơn thế thông qua Quỹ Văn hóa. Rất nhiều sự kiện giao lưu cũng được tổ chức, nơi nghệ sĩ nói chuyện với các sinh viên về tầm quan trọng của đọc, học, tính kỷ luật và theo đuổi âm nhạc như một sự nghiệp.
Năm nay, lễ trao giải Grammy Latin lần thứ 20 sẽ diễn ra vào ngày 15/11.
"La Copa de La Vida", ca khúc làm thay đổi nền âm nhạc của Ricky Martin
Giả Bình (Theo Variety)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất