13/06/2015 05:37 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - 1. “Tôi không muốn làm kẻ tư duy lá chuối. Cây nào đến mùa cũng thay lá non, duy nhất chỉ có cây chuối là tàu lá nó chết còn bám trên cây, người ta phải cắt đi”.
Câu nói của ông Nguyễn Sự là một phát hiện rất khoa học của người làm nghề tổ chức nhân sự. Ông đã nhìn ra một qui luật biện chứng, đó là sự phủ định của thế hệ trẻ rất cần thiết cho sự phát triển đất nước. Ông đã xin về hưu dành chỗ cho người đi sau. Trong khi đó bao nhiêu vị tuổi tác hơn ông còn cố tìm cách lùi lại giữ quyền kiếm lợi.
2. Đã có ai nghiên cứu kĩ về cây chuối chưa? Thực ra chuối không thể gọi là cây, gọi cây là nhầm. Chuối là dạng củ có lá. Chỉ có điều kết cấu khác với những loại củ khác. Từ thân củ, các bẹ chuối ôm chặt lấy nhau dựng thẳng lên thành thân dài, nên người ta tưởng là cây, và phần bẹ trở thành tàu chuối tách ra thì được coi như cành lá.
Củ chuối có rất nhiều mắt mầm. Mỗi mắt mầm đều có thể trở thành một cây. Chỉ một mảnh củ có mắt đem đi trồng là thành ngay cây chuối mới. Rất nhiều giống chuối khác nhau như chuối tiêu, chuối mật, chuối lá, chuối ngự, chuối hột, chuối mắn và các giống chuối rừng nữa. Nhưng đã là họ nhà chuối thì sinh trưởng đều bằng mắt mầm từ một củ gốc. Do đó có thể nói chuối trên thế giới này đều từ một củ một gốc mà ra dù ở châu Á, Phi hay Mỹ.
Có ai để ý thấy bẹ chuối chết ôm chặt thân chuối, bên trong là bẹ chuối còn đang tươi sống không? Chuối đấy, chết không rời nhau.
Lá chuối dù phong ba bão tối cũng chỉ xẻ ngang nát tươm nhưng không bao giờ rụng khỏi tàu...
3. Vì những đặc điểm trên của chuối mà người ta nhận ra chuối rất gần con người, trong sinh sản, trong quan hệ ruột thịt đùm bọc.
Trong tang lễ, dây chuối quấn lõi rơm đội đầu, dây chuối làm thắt lưng, thân chuối chặt ra làm trụ cắm hương trên nắp áo quan, hai cây chuối non đánh cả củ đặt hai bên linh sàng, chính là để nhắc lại lịch sử một con người trong gia đình gắn bó quấn quýt với nhau như thế nào. Ý nghĩa khi sử dụng cây chuối vào tang ma lễ trọng mang tính biểu tượng rất sâu sắc .
Cho nên ở góc độ mở ra xã hội thì tư duy lá chuối làm hạn chế tầm phát triển của con người. Cho thấy cái nhìn biện chứng của Nguyễn Sự rất chuẩn xác. Nhưng về mặt gia đình thì triết lý cây chuối thật tuyệt vời. Nó là một sự khăng khít chở che, đùm bọc, lá chuối bẹ chuối chết khô vẫn bám ngoài thân chuối, bao giữ phần bẹ còn sống như sự phù trợ của người cõi âm cho thế hệ đang tồn tại.
Khi công việc tổ chức mà mang tinh thần củ chuối, tư duy lá chuối thì sẽ lặp lại chuyện “con vua lại sẽ làm vua/ con sãi ở chùa lại quét lá đa” thì sẽ là sự hạn chế lớn. Lúc ấy quốc gia sẽ thu lại như gia đình mà thôi...
Bài và ảnh: Đỗ Đức (Họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất