20/03/2019 06:36 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều năm nay, cứ sắp đến kỳ tuyển sinh đại học và cao đẳng trên toàn quốc, chúng ta lại bắt gặp những ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp cho các em học sinh chuẩn bị làm hồ sơ thi tuyển.
Công việc này thường hay được Bộ Giáo dục & Đào tạo phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm cùng tổ chức với mục đích chính là định hướng nghề nghiệp tương lai, cung cấp thông tin các chỉ tiêu ngành nghề của các trường cho các em tham khảo chọn lựa.
Việc làm này thực sự có ích cho các em học sinh. Tuy nhiên, điều quan trọng là các em có nhận thức được giá trị của thông tin để đánh giá chính bản thân mình thông qua những gì được tư vấn, được hỏi đáp trong ngày Hội tuyển sinh hướng nghiệp?
Với việc chọn nghề, chọn trường để thi, đa số các em thường chỉ tập trung vào hai vấn đề chính: Đó là thu nhập ra sao? Ra trường có thất nghiệp không? Nhiều trường đại học cũng đến với ngày hội tuyển sinh kèm theo thông điệp rằng sinh viên học trường này ra trường hầu như đều có việc làm hay tỉ lệ có việc làm rất cao…
Nếu như chúng ta đưa một cậu bé 10 tuổi thích đá bóng đến sân vận động để cổ vũ đội bóng mình yêu thích, sau đó hỏi rằng em có thích đá bóng không tôi tin rằng hầu hết đều trả lời: Thích. Thế nhưng thay vì đưa em đó đến sân mà lại đi vào khu vực tập luyện thể lực của cầu thủ để quan sát sau đó hỏi thì tôi tin câu trả lời sẽ khác. Hiểu đơn giản vấn đề này là: Khi được tư vấn, chúng ta thường đưa ra những câu hỏi mình thích, mình quan tâm, ít để ý đến mặt trái của vấn đề được tư vấn. Thực tế ai cũng hiểu cái gì trong cuộc sống chả có ít nhất là hai mặt.
Nhớ những lần đi tuyển việc làm cũng như xin đi học suốt từ hồi xuất ngũ trở về, tôi nhận thấy rằng chiếm đa số chúng ta khi đi xin việc thường chỉ mong muốn được nhận vào làm để có thu nhập đã. Còn việc mình có đủ sức khỏe để theo nghề hay không, có đủ tình yêu đối với nghề hay không… thì lại là vấn đề hoàn toàn khác. Cho nên mới có những thời điểm có những ngành nghề thiếu hụt nhân lực trầm trọng do bỏ việc, nhảy việc, do thu nhập không đủ trang trải cuộc sống.
Đa số người mới đi làm hay gặp phải câu phàn nàn “cửa miệng” của nhà tuyển dụng, đó là: Thiếu kinh nghiệm hoặc thiếu kỹ năng sống. Kinh nghiệm thì từ những thất bại mà có. Còn kỹ năng sống thì phải học và chịu khó trải nghiệm. Vậy kỹ năng sống thì học ở đâu? Và học cái gì?
Không cần bàn đến nội dung đào tạo của các trung tâm giáo dục kỹ năng sống, các mô hình quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chúng ta chỉ cần quan sát trong cuộc sống hàng ngày, ở xung quanh chỗ mọi người sinh hoạt, học tập thì cũng đã học được rất nhiều kỹ năng sống rồi. Ví dụ đơn giản nhất là việc quét dọn nhà, nếu để ý thì quét nhà thôi cũng phải tuân thủ mấy nguyên tắc như là quét từ cao xuống thấp, từ trong ra ngoài. Làm ngược lại tức là kỹ năng của anh kém.
Xét một cách công bằng, việc tư vấn chọn nghề thời điểm này cho các em học sinh có thể không tuyệt đối chuẩn, thế nhưng chính các em cần phải xác định được rằng: Để làm bất cứ công việc gì trong cuộc sống này thì việc đầu tiên là phải chịu khó, chịu khổ, tiếp đến là ý thức “nâng cấp” chính bản thân mình lên bằng cách học hỏi, quan sát và phấn đấu, rèn luyện .
Điều quan trọng là tuyệt đối không được tỏ thái độ coi trọng nghề này, khinh miệt nghề khác. Tất cả những người lao động chân chính dù là lao động chân tay hay trí óc thì cũng đều được tôn trọng.
Còn nếu như mình có khả năng, có tố chất xuất sắc về lĩnh vực nào đó thì cơ hội luôn rộng mở. Vấn đề là cần sự minh bạch, nghiêm túc và thực sự cạnh tranh lành mạnh.
Được như thế thì bất cứ nghề nào đã được lựa chọn, các em đều có thể tự tin theo đuổi, đam mê, cống hiến.
Xuân An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất