Từ sự cố của Vietjet ngày đón U23 Việt Nam: Tổ mối và con đê

29/01/2018 10:58 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tháng 4/2017, một ông lớn của hàng không thế giới- United Airlines (Mỹ) vướng vào một thảm họa truyền thông lớn sau vụ việc bác sĩ David Dao bị đuổi xuống khỏi máy bay. Ba nhân viên an ninh được video ghi lại, đã sử dụng vũ lực để ép buộc thô bạo bác sĩ gốc Việt 69 tuổi, khỏi chiếc ghế ông đã mua trên chuyến bay số hiệu 3411 của United Airlines, với lý do nhường ghế cho nhân viên hãng.

Chỉ “tích tắc” khi video được phát tán, không chỉ cộng đồng người Việt, làn sóng phản đối United Airlines lan ra khắp thế giới. 

Lời xin lỗi không thỏa đáng, thiếu chân thành của CEO Oscar Munoz như vì phải “bố trí lại chỗ cho các hành khách”, chỉ khiến vụ khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn. Danh tiếng lâu đời của United Airlines bị bôi đen đã đành, cổ phiếu hãng này rớt gần 5% và mất hơn 1 tỷ USD chỉ trong vài tiếng đồng hồ.

Nên nhớ, nếu không có hành khách nào quay phim về vụ việc và sau đó đăng nó lên các phương tiện truyền thông, vụ bê bối đó sẽ chẳng được ai biết đến.

Tương tự như Vietjet Air, những hình ảnh người mẫu ăn mặc "mát mẻ" trên chuyến bay chở đội tuyển U23 Việt Nam sẽ không xuất hiện, nếu như trên chuyến bay đó không có một số phóng viên và cả cầu thủ, ghi lại. Nhất là trong không khí phấn khởi cả nước ăn mừng U23 Việt Nam “vinh quy, bái tổ”, những sai sót dễ được khỏa lấp.

Chú thích ảnh
Đông đảo người hâm mộ đón U23 Việt Nam từ sân bay Nội Bài về đến Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Tôi tin rằng trong chuyến bay đó, rất nhiều cầu thủ, và phóng viên có mặt, bất bình với “màn biểu diễn” phản cảm ngoài phạm vi cho phép của Vietjet.

Giải thích hình ảnh người mẫu ăn mặc "mát mẻ" trên chuyến bay chở đội tuyển U23 Việt Nam không nằm trong chương trình, mà bột phát từ ban tổ chức hậu cần chuyến bay, khó ai chấp nhận.

Nên nhớ, sau khi sự cố xảy ra, nếu United Airlines không ngăn chặn được hình ảnh và phản ứng tràn lan, thì phải xin lỗi khách hàng, khắc phục hậu quả, bồi thường thỏa đáng, thay vì đổ lỗi cho khách hàng, bao biện.

***

Ngay cả United Airlines, và rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới còn lâm vào khủng hoảng truyền thông, thì việc Vietjet  mắc phải là chuyện có thể chấp nhận. Tiếc rằng, sử dụng hình ảnh mát mẻ của chị em để làm truyền thông, không lạ với nhiều doanh nghiệp ở ta, bị cơ quan chức năng xử phạt trong thời gian qua. Trong đó, Vietjet đã từng xảy ra. Mới đây nhất là bộ ảnh lịch bikini 2018  của hãng này đã gặp rất nhiều đàm tếu.

Nhiều khi, cả con đê có thể bị vỡ vì một tổ mối. Một doanh nghiệp có thể điêu đứng vì một bê bối. Công bằng mà nói, Vietjet đã có thể nghĩ tới thành công về mặt PR, khi chuyến chuyên cơ đón U23 Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng đẹp, trong đó có dòng chữ “Tôi yêu Tổ quốc tôi” sơn trên thân máy bay, thực sự lay động.

Giờ đây, những hình ảnh phản cảm và bất cứ động thái nào của Vietjet đều được soi xét rất khắt khe từ phía dư luận, trong bối cảnh "cơn sốt" U23 vẫn chưa bão hòa.

Nếu không cẩn thận, Vietjet sẽ đánh mất nhiều giá trị mà họ đã nỗ lực trong những năm qua.

Sự thật không ngờ đằng sau trang phục bikini phản cảm trên chuyến bay chở U23 Việt Nam

Sự thật không ngờ đằng sau trang phục bikini phản cảm trên chuyến bay chở U23 Việt Nam

NTK Nguyễn Tiến Truyển chính thức lên tiếng sau sự cố Lại Thanh Hương diện bộ bikini gây phản cảm, thiếu tôn trọng đối với đội tuyển U23 và người dân trên cả nước.

Hữu Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm