18/01/2018 08:04 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Chúng tôi lên Tà Xùa, vùng núi cao khá hiểm trở của huyện Bắc Yên - Sơn La, xứ sở của những rừng chè Shan tuyết nổi tiếng hàng trăm năm tuổi trên những triền núi cao. Tà Xùa cũng là nơi được mang biệt danh thơ mộng- Thiên Đường Mây. Không ai biết chính xác biệt danh ấy ra đời khi nào, nhưng trong giới săn ảnh và dân phượt, nhắc đến Tà Xùa là nói đến những cuộc săn mây trên những cung đường hiểm trở.
Những ngọn núi chìm trong mây giăng mắc tạo nên một vẻ đẹp kỳ ảo, có sức cuốn hút khi nhìn từ Sống Khủng Long, một trong ba ngọn núi làm nên rặng Tà Xùa. Sống Khủng Long ở độ cao gần 1.600 mét, chênh vênh giữa trời, có đoạn chỉ còn một con đường rất nhỏ, hai bên là vực sâu hun hút, khi bước qua những cơn gió mạnh có thể làm người đi chòng chành, chao đảo! Bây giờ, không xa dãy núi ấy, tấm biển "Thiên Đường Mây Tà Xùa" đã được dựng lên như một thừa nhận chính thức cho tên gọi này.
Người ta đã nói nhiều về vẻ đẹp của mây Tà Xùa. Một ngày may mắn,du khách có thể thấy cả đại dương mây trắng kỳ ảo quanh mình với nhiều sắc màu, hình dáng giữa trập trùng núi non như ở chốn bồng lai tiên cảnh. Nhưng có lên đây mới biết việc tìm gặp và chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy không dễ dàng.
Chúng tôi lên Tà Xùa vào một ngày mưa. Đường lên quanh co, nhiều đoạn dốc đứng, lầy lội, mây mù ẩm ướt. Anh Phạm Vũ Khánh người đã nhiều năm gắn bó với Tà Xùa, thân tình tiếp chúng tôi và chia sẻ rằng, nhiều người lên Tà Xùa nhưng ít người gặp mây. Anh hy vọng là chúng tôi sẽ gặp may!
Tối hôm ấy, chúng tôi được Phạm Vũ Khánh mời thưởng thức chè Shan tuyết, uống rượu Hang Chú với thịt lợn đen - những đặc sản của Tà Xùa nhưng trong lòng vẫn canh cánh. Những trận mưa như trút nước suốt đêm đã làm cả đoàn lo ngại. Liệu ngày mai có mây? Sáng sớm hôm sau, trời chưa sáng rõ, chúng tôi đã được đánh thức. Phạm Vũ Khánh giục chúng tôi lên xe đến Sống Khủng Long ngay. Do sống lâu ở đây, Phạm Vũ Khánh cảm nhận được nơi nào, khi nào sẽ có mây, căn cứ vào thời tiết từng mùa, từng lúc. Trời vẫn còn mưa nhưng đã có lúc ngớt.
Quả thật mây trắng đang trườn lên từ các thung lũng mỗi lúc một nhiều. Chúng tôi cần có mặt ở Sống Khủng Long sớm nếu muốn có hình ảnh đẹp. Còn cách điểm đi bộ vào núi khoảng 3 km thì đường bị sạt lở. Ô tô không đi tiếp được. Chúng tôi đành vượt qua bãi lầy đi tiếp bằng xe ôm. Anh bạn trẻ người Mông tên là Thào A Sùng, một trong hai người chở chúng tôi, khá nhanh nhẹn. Hỏi ra mới biết Sùng mới 16 tuổi, đang đi học nghề, thấy trời mưa đem xe máy lên chỗ đất sụt đón khách, thêm tiền đóng tiền học! Một sự tính toán thông minh và đơn giản. Nếu không có Sùng, chúng tôi phải cuốc bộ và chắc chắn là lỡ cơ hội gặp mây.
Đoạn đi bộ ra Sống Khủng Long chỉ khoảng 2 km nhưng thật gian nan. Nhìn từ xa, con đường lượn trong sương mù giữa những triển núi có vẻ đẹp rất lãng mạn. Nhưng ngay những bước đầu tiên chúng tôi đã nếm những cú trượt ngã khó đỡ. Dốc đứng, đường trơn và lầy lội trong khi trời vẫn còn mưa. Chúng tôi phải bấm từng bước chân theo sườn núi để đi mà không có một chỗ bấu víu nào. Rất may mấy anh em cũng an toàn khi đến Sống Khủng Long cùng nhiều thanh niên trẻ đi săn mây đúng lúc trời bắt đầu có nắng.
Từ mỏm đầu cùng của Sống Khủng Long mây giăng thành gần xa tạo nên vẻ đẹp huyền ảo. Cảm giác ở trên mây, ở trong mây giữa trời đất chơi vơi thật đặc biệt. Chúng tôi gặp may vì có được những hình ảnh đẹp và những khoảnh khắc không quên vì sau đó ,trời lại mưa. Cảnh vật chìm trong màn sương xám khổng lồ. Lại trở ra qua rẻo đất nhỏ hai bên là vực sâu, đường trơn, gió thổi mạnh như muốn bốc cả người đi. Đấy cũng là một trải nghiệm thật đặc biệt!
Tà Xùa không chỉ là Thiên Đường Mây. Tà Xùa nằm giữa huyện Bắc Yên, một vùng cao có các thế mạnh về kinh tế và văn hoá, nơi chung sống của cộng đồng 7 dân tộc. Tiểu thuyết Miền Tây đặc sắc của nhà văn Tô Hoài phản ánh cuộc sống và con người nơi đây. Xã Hồng Ngài, liền bên Tà Xùa, được coi là quê hương của vợ chồng A Phủ. Mới vài tuần trước khi chúng tôi lên, tại Tà Xùa đã tổ chức lễ hội văn hoá du lịch với sự tham gia của nhiều đội văn nghệ các xã, tổ chức thi các trò chơi dân gian, chiếu phim, nấu các món ăn dân tộc. với sự tham gia của người dân địa phương và khách du lịch.
Tại lễ hội này lần đầu tiên huyện Bắc Yên đã tổ chức công bố quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu Chè Tà Xùa- một sản vật nổi tiếng ở đây. Những rừng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi là nét đặc sắc của Tà Xùa. Những cây chè cao lớn, tán rộng, sống trên núi cao quanh năm mây phủ, thấm đẫm hương vị tinh chất của khí trời, nắng gió trên từng búp lá làm nên một loại trà Tà Xùa rất đặc biệt. Chén trà pha từ nguồn nước suối trong trẻo, tinh khiết có màu vàng như mật ong, khi uống đượm vị đậm chát và thơm bùi nơi đầu lưỡi,dù uống một lần không dễ quên. Đối với người Mông ở Tà Xùa, trà Shan tuyết còn như loại thuốc quý, giúp họ xua đi mệt mỏi sau những ngày lao động vất vả.
Chúng tôi được biết, ở Tà Xùa có trên 450 hộ gia đình, chủ yếu là người Mông, có nguồn thu nhập từ việc chăm sóc các rừng chè cổ qua nhiều đời. Theo anh Phạm Vũ Khánh, một người rất am tường về chè Tà Xùa thì Uỷ ban nhân dân huyện Bắc Yên với sự hợp tác của Công ty Trà và đặc sản Tây Bắc - đã triển khai chương trình "Phục tráng vùng chè Shan tuyết Tà Xùa" với mục tiêu duy trì gần 90 héc ta chè cổ thụ, đồng thời cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trồng trên 100 héc ta giống trà gốc của Tà Xùa trên diện tích mới. Hiện nay chương trình đang được triển khai khá tích cực.
Chúng tôi đã thăm nhà máy biến chè công suất 15 tấn chè tươi/ ngày của công ty Trà và đặc sản Tây Bắc, nghe anh giới thiệu về sự hợp tác giữa công ty với chính quyền và người dân Tà Xùa; hiểu thêm những bước đi căn cơ của những người muốn phục hồi và tạo ra một thương hiệu mạnh cho trà Shan tuyết nơi đây. Chúng tôi cũng đã gặp ở đây các cán bộ người Mông còn trẻ - anh Mùa A Vừ, các chị Mùa A Tòng, Mùa A Ca. Họ đều có học, gắn bó với nhà máy và với quê hương Tà Xùa, cùng mong muốn đem lại những đổi thay tốt dẹp cho vùng đất còn nhiều khó khăn này.
Phạm Vũ Khánh đưa chúng tôi về thăm rừng chè cổ ở bản Bẹ, nơi những cây chè gần 200 tuổi mọc trên triền núi. Nhờ sản phẩm từ chè,đời sống nhiều gia đình người dân khá ổn định. Làng bản trải dài theo thung lũng như một bức tranh. Sát ngay vườn chè cổ chúng tôi gặp các thiếu nữ Mông ăn mặc đẹp đang chơi ném còn trên con đường bê tông ngang qua núi. Một đám trẻ em đang chơi dưới chân rừng chè. Các cháu theo chúng tôi lên thăm những cây chè cổ thụ một cách rất tự nhiên thân thiện.
Chúng tôi đã ghi vào khuôn hình các cậu bé người Mông rất vui vẻ, chủ nhân tương lai của mảnh đất này ngay bên những gốc chè cổ thụ, di sản quý từ đời cha ông truyền lại. Đấy là một hình ảnh đẹp vì ngay trên đầu chúng tôi, rừng Shan tuyết cổ của Tà Xùa chìm ẩn trong làn mây trắng. Và bên kia núi, ngang tầm mắt mọi người, Sống Khủng Long đang trong khoảnh khắc nắng đẹp khi nhiều dải mây nối nhau cuộn bay về.
Một số hình ảnh về Thiên Đường Mây Tà Xùa:
Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất