Truyền hình thực tế: Ồn ào có đáng tự hào?

09/01/2013 14:04 GMT+7 | Văn hoá

Sự áp đảo về số lượng, sự ồn ào của các chương trình truyền hình thực tế nhập khẩu gần đây có là một niềm tự hào cho truyền hình thuần Việt?

Năm con Rồng đánh dấu sự bùng nổ của truyền hình thực tế (THTT), có điều sự bùng nổ đó không phải đến từ những chương trình thuần Việt mà đến từ các chương trình nhập khẩu. Hầu như các game show nước ngoài hút khách nhất đều đã cập bến Việt Nam. Đó là những “Vietnam Idol”, “Vietnams Got talent”, “Vietnams next top model”, “Thử thách cùng bước nhảy - So you think you can dance”, “Bước nhảy hoàn vũ”...

Và đặc biệt nhất trong năm qua có lẽ là sự xuất hiện của “Giọng hát Việt - The Voice”. Mới xuất hiện ở Việt Nam, “Giọng hát Việt” gần như giữ nguyên kịch bản dưới sự giám sát của các chuyên gia Hà Lan và chương trình này đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông và khán giả. Tuy nhiên, suy cho cùng thì “Giọng hát Việt” cũng chỉ là món dưa góp vào thực đơn chương trình nhập khẩu vốn đang chật ních trên sóng truyền hình hiện nay. Và người ta đặt ra câu hỏi rằng, liệu sự áp đảo về số lượng có mang lại sự đột phá về chất lượng? Đặc biệt sự ồn ào của các chương trình nhập khẩu có là niềm tự hào hay không?


Bài hát Việt” bị “thất sủng” trên VTV3

Trước tiên, cần trả lời câu hỏi sự ồn ào ấy đến từ đâu? Không thể phủ nhận rằng, trong mỗi chương trình đều có những gương mặt triển vọng; song tài năng của họ không đủ “đứng” một chương trình hút khách bởi tài năng như thế cũng có thể dễ dàng bắt gặp trong các chương trình khác. Hoặc giả tài năng ấy chỉ nổi trong phạm vi hạn hẹp của một cuộc thi. Cái chính làm cho các chương trình THTT trở nên ồn ào gần đây lại là những scandal. Tính thực tế của nhiều chương trình đang mất dần khi nhà sản xuất dùng scandal để PR tên tuổi. Những phát ngôn gây sốc, những lùm xùm hậu trường, dàn xếp kết quả lại được biết đến nhiều hơn phần biểu diễn trên sân khấu. Nhà sản xuất hài lòng với lượng khán giả, đài truyền hình vui mừng bán được quảng cáo, chỉ có thí sinh là sau khi kết thúc cuộc thi thì ít ai nhớ đến!

Nhắc đến các chương trình tung hoành trên sóng giờ vàng năm vừa qua, người ta nhớ ngay đến các scandal đình đám tạo nên sự “thành công”. Đó là clip dàn xếp kết quả, thể hiện sự bất công trong chương trình “The Voice”. Scandal này đã khiến bong bóng chương trình bùng nổ, thu hút sự quan tâm của báo chí hơn bất kỳ chương trình nào và tên chương trình trở thành từ khóa tìm kiếm nhiều nhất trên Google, hơn cả hiện tượng Gangnam Style. Sau scandal, sự tẩy chay của khán giả đâu chẳng thấy, sự điều tra, xử lý của nhà quản lý cũng vắng bóng chỉ thấy nhà đài hân hoan tăng giá quảng cáo, nhà sản xuất vui mừng vì chương trình thành công ngoài mong đợi, lượng khán giả cao ngất ngưởng!


“The Voice” ồn ào chuyện dàn xếp kết quả

Hay sự trở lại của chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc ăn khách nhất những năm trước - “Vietnam Idol” cũng ồn ào vì những chuyện chẳng ra đâu. Có lẽ đây là mùa giải thê thảm nhất đối với chương trình từng làm mưa làm gió trên thị trường âm nhạc Việt. Chất lượng thí sinh năm nay quá thấp, cộng với sự cạnh tranh gay gắt từ “The Voice”, “Vietnam Idol 2012” đã phải rơi vào thế kẹt là thu hút dư luận bằng chuyện chuyển giới của một thí sinh. “Bước nhảy hoàn vũ”, “Vietnams next top model”... cũng thu hút dư luận bằng chiêu tương tự, đó là chuyện hậu trường, dàn xếp kết quả... Thử hỏi công chúng Việt thích thú thế nào được với những kiểu ồn ào như thế của các chương trình THTT nhập khẩu trong thời gian qua!?

Mặt khác, series chương trình THTT nước ngoài được Việt hóa đang tạo ra một trào lưu ăn sẵn của các nhà sản xuất chương trình truyền hình xứ ta. Đó là một hiện tượng đáng xấu hổ chứ không vẻ vang gì! Trào lưu ăn sẵn này sẽ giết chết những động lực sáng tạo của các nhà làm chương trình THTT thuần Việt. Công bằng mà nói, những chương trình nhập khẩu như “Giọng hát Việt”, “Thần tượng âm nhạc”, “Tìm kiếm tài năng Việt Nam”... đã phát sóng thời gian qua là hấp dẫn, lôi cuốn hơn nhiều so với các chương trình thuần Việt hiện nay.


“Vietnam Idol” thu hút từ chuyện chuyển giới của Hương Giang

Nhiều chương trình thuần Việt bỗng dưng lép vế trước làn sóng các game show ngoại nhập, đó là sự thật, điển hình nhất là cuộc thi “Sao mai điểm hẹn”. Cuộc thi được xem là “bệ phóng tài năng” nhưng lại đang hoài phí những giọng ca. “Sao mai điểm hẹn” từng là nơi thành danh của hàng loạt các ngôi sao như Tùng Dương, Kasim Hoàng Vũ, Hà Anh Tuấn, Phương Linh… đang “chết” bởi sự cũ kỹ về format, sự nửa vời trong việc thay đổi và định hướng. Nhiều tài năng bị bỏ quên sau chiến thắng cuộc thi hoặc loay hoay không tìm được đường phát triển.

Trào lưu Việt hóa các chương trình nước ngoài đang triệt tiêu sự sáng tạo của chính các nhà sản xuất chương trình truyền hình Việt. Bởi với cách làm dễ dãi này họ không cần đầu tư quá nhiều tâm huyết, tư duy mà vẫn có một chương trình nắm chắc ăn khách và kiếm được nhiều tiền từ quảng cáo vì yếu tố format ngoại. Thậm chí, nếu bỏ công tạo ra những chương trình của riêng mình thì họ cũng khó có thể cạnh tranh trên sóng khi mà nhà đài luôn dành đất cho một chương trình nóng hơn, câu “view” mạnh hơn, bán được nhiều quảng cáo hơn. Các chương trình thuần Việt như “Bài hát Việt”, “Sao mai điểm hẹn”… đã phải ngậm ngùi giã từ mảnh đất lành VTV3 chuyển sang kênh VTV6 nhường cho các chương trình nhập khẩu như “Giọng hát Việt”, “Vietnam Idol” là vậy!

Dù “Vietnam Idol” hay “Giọng hát Việt” rất “hot” nhưng các thần tượng của các cuộc thi này vẫn không thể nào qua mặt được những người chiến thắng từ “Sao mai điểm hẹn”. Nhiều chương trình truyền hình âm nhạc thuần Việt vẫn còn được công chúng quan tâm dù đang chết mòn vì không chịu đổi mới giữa các chương trình mới sinh động, hấp dẫn, thủ thuật vô biên. Và việc bị nhà đài hắt hủi khỏi kênh ăn khách nhất đã như thêm một ngón tay nhấn chìm các chương trình này! Thiết nghĩ, đây cũng là điều mà các nhà đài cần suy nghĩ nghiêm túc, bởi mục tiêu hàng đầu của những kênh này không chỉ là lợi nhuận đơn thuần mà còn thực hiện trách nhiệm với cộng đồng, là cầu nối tuyên truyền của Đảng, Nhà nước với nhân dân, là phương tiện để giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho cộng đồng. Vì thế, không lý gì họ lại “ghẻ lạnh” với con trong nhà, trong khi đó lại thiết tha với “người hàng xóm”!

Nhìn những chương trình nhập khẩu đang tung hoành trên sóng giờ vàng, tôi chợt nghĩ tới chuyện của con ốc bươu vàng, con rùa tai đỏ. Những động vật ngoại lai đó đã nhanh chóng phổ biến trong môi trường tự nhiên và trở thành thảm họa của môi trường Việt Nam! Các chương trình THTT nhập khẩu cũng đang được nuôi dưỡng và phát triển mạnh trong nền giải trí “ăn xổi” và kết quả là nó đang triệt tiêu sức sống của chương trình bản địa.

Ai sẽ quan tâm đến sự thật này?!

Theo Trúc Vân
Petrotimes

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm