30/05/2011 11:50 GMT+7 | Champions League
(TT&VH)- Trước trận Chung kết, Xavi nói rằng anh muốn Barca chiến thắng ở Wembley để chính thức xác lập sự tồn tại của một triều đại bóng đá mang tên đội bóng của anh. Triều đại ấy sẽ sánh ngang với không nhiều những triều đại lẫy lừng khác trong lịch sử. Đó là Real Madrid của 5 chức vô địch C1 liên tiếp từ 1956 tới 1960. Là Ajax Amsterdam của 3 chức vô địch từ 1971 đến 1973. Bayern Munich của 3 chức vô địch khác từ những năm 1974 đến 1976. Liverpool với 4 chức vô địch trong giai đoạn từ 1977 đến 1984. Và AC Milan với 3 chức vô địch cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ trước.
Giờ thì Barca đã chiến thắng. Xavi và các đồng đội đã có chức vô địch Champions League lần thứ 2 trong vòng 3 năm, lần thứ 3 trong vòng 6 năm. Vậy, liệu bây giờ đã là lúc thích hợp để dùng tới khái niệm "Triều đại Barca" hay chưa?
Không có một định nghĩa cụ thể cho khái niệm "triều đại" trong bóng đá. Nhưng có thể hiểu một cách nôm na rằng một đội bóng muốn xác lập cho riêng mình một triều đại thì phải thỏa mãn được 3 yêu cầu lớn. Thứ nhất, đội bóng ấy phải là đội được đánh giá mạnh nhất trong số các đội bóng cùng thời kỳ. Khái niệm mạnh ở đây có thể được nhìn nhận từ góc nhìn chuyên môn, cũng có thể được cụ thể hóa qua số danh hiệu mà đội bóng đó đạt được. Thứ hai, đội bóng ấy phải duy trì được sức mạnh ấy một cách liên tục trong một giai đoạn đủ dài, có thể bằng cùng một đội hình, cũng có thể bằng những con người khác nhau. Và thứ ba, đó phải là tập hợp của nhiều cầu thủ giỏi nhất, và chắc chắn phải có trong đội hình ngôi sao sáng nhất.
Real Madrid, Ajax, Bayern Munich, Liverpool hay AC Milan mà chúng ta nhắc đến ở trên đều thỏa mãn được hết các tiêu chí này. Những năm 1950, Real Madrid đơn giản là "độc cô cầu bại", khi chính sách "siêu sao hóa" biến họ thành tập thể của những cầu thủ giỏi nhất, trong đó đáng kể là bộ ba Di Stefano, Gento, Kopa. Ajax khi thống trị châu Âu bằng "bóng đá tổng lực" cũng có trong đội hình một loạt siêu sao đang ở độ chín, đặc biệt là Johan Cruyff. Ngay sau đó là Bayern Munich với Sepp Maier, Uli Hoeness và Beckenbauer. Rồi đến Liverpool của Dalglish, Hansen, Souness, tiếp nối bởi Keegan, Smith, Callaghan. Giống như Liverpool, Milan cũng thống trị thế giới với 2 thế hệ ngôi sao. Thế hệ đầu tiên được dẫn dắt bởi bộ ba Hà Lan bay Gullit, Rijkaard, Van Basten, còn thế hệ tiếp theo có Desailly, Boban và Savicevic.
Còn Barca? Hai thập kỷ trước, "Dream Team" của Johan Cruyff dù khuynh đảo cả TBN lẫn châu Âu vẫn không được điền tên vào ngôi nhà của những huyền thoại, mà lý do đơn giản là họ chỉ có mỗi 1 chức vô địch Cúp C1. Bây giờ, "sai lầm" ấy đã được thế hệ hậu bối sửa chữa. Barca vừa đoạt chức vô địch Champions League thứ 2 trong 3 năm, thứ 3 trong 6 năm. Trong cả 3 lần, họ đều lên ngôi với một đội hình cực mạnh. Năm 2006, Rijkaard có Eto'o, Deco, và đặc biệt là Ronaldinho. Năm 2009, Pep có Xavi, Iniesta, Messi và cả Eto'o. Năm nay, Eto'o không còn, nhưng Pep đã có Villa, Pedro. Năm 2009, Messi đoạt Quả bóng Vàng. 2010, Messi lại đoạt Quả bóng Vàng, sau khi chiến thắng 2 người đồng đội Xavi, Iniesta. Năm nay, Quả bóng Vàng cũng khó thoát khỏi tay người Barca, cụ thể hơn là Messi.
Barca không chỉ "mạnh" qua những danh hiệu, hay những cái tên. Trên sân, họ thực sự là một tập thể đáng sợ. Nhìn họ chơi bóng, kiểm soát thế trận và bóp nghẹt đối thủ, chúng ta không thể không nghĩ tới khái niệm "vô đối". Đá với Barca, ngay cả khi bạn hay nhất, may mắn nhất, bạn cũng chưa chắc đã nắm được phần thắng. Một đội bóng như thế hoàn toàn xứng đáng được xem là huyền thoại. Và thời đại này, không có gì nghi ngờ, đáng được gọi là "triều đại Barca". Điều băn khoăn duy nhất, thực ra, là không biết Barca này có phải là đội bóng mạnh nhất trong lịch sử hay không. Alex Ferguson, người đã có gần 40 năm lăn lộn trong nghề, từng trải qua hàng nghìn trận đánh lớn nhỏ, chỉ bảo: "Chưa bao giờ tôi phải đối mặt với một đội bóng nào mạnh như thế"…
Việt Cường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất