Tranh Việt lại gây ấn tượng trên sàn đấu quốc tế

26/05/2021 09:33 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trưa 25/5, tại phiên đấu 20th And 21st Century Art Morning Session của nhà Christie’s Hong Kong (Trung Quốc), 27 tranh Việt lên sàn đều được đấu giá thành công.

Những cột mốc 'triệu đô' mới của tranh Việt

Những cột mốc 'triệu đô' mới của tranh Việt

Với thị trường nghệ thuật Việt Nam, ngày 26/5/2019 sẽ là một cột mốc mới, đáng ghi nhớ, vì có thêm 2 tranh Việt vượt ngưỡng 1 triệu USD. Phiên đấu Thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại tại nhà đấu giá Christie’s ở Hong Kong (Trung Quốc) có 138/232 lô hàng của nghệ thuật Việt, kết quả 138 lô hàng Việt đều được bán.

Phiên này đưa ra 90 lô hàng, riêng Việt Nam đã có 27 lô, xem như chiếm ưu thế tuyệt đối về số lượng. Ngoài những tên tuổi quá cố như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Tiến Chung, Hoàng Tích Chù, Bùi Xuân Phái… còn có 2 tên tuổi thời danh là Nguyễn Trung (sinh 1940), Đặng Xuân Hòa (sinh 1959).

Chú thích ảnh
Bức “Life” (Cuộc đời) của Đặng Xuân Hòa

Kết quả bức Life (Cuộc đời, sơn dầu trên toan, 149,5cm x 299,5cm, 2005) của Đặng Xuân Hòa được bán 375.000 HKD, tương đương hơn 48.300 USD. Bức Untitled (Vô đề, sơn dầu trên toan, 95cm x 95cm, 1992) của Nguyễn Trung bán 150.000 HKD, tương đương hơn 19.300 USD. Nếu so với trong nước, giá bán của 2 bức này thấp hơn chừng 15 đến 20%.

Chú thích ảnh
Bức “L’Aube Nouvelle” (Sáng sớm) của Mai Trung Thứ

Quán quân về giá của tranh Việt tại phiên này là bức L’Aube Nouvelle (Sáng sớm, mực và gouache trên lụa, 94cm x 36cm, 1974) của Mai Trung Thứ, bán 4.000.000 HKD, tương đương hơn 515.200 USD. Theo tin từ một nhà sưu tập Việt Nam, người đấu bất thành bức này, thì chủ sở hữu mới là một người từ Đài Loan (Trung Quốc). Tham gia đấu đến cùng có 2 người vùng lãnh thổ Đài Loan, 1 người Singapore và 2 người Việt Nam.

Một đặc điểm chung của phiên này là tranh lụa đã thuộc nhóm dẫn đầu về giá bán, điều rất hiếm thấy trước đây. Tại phiên đấu tối 24/5, cũng của nhà Christie’s Hong Kong, 4 tranh lụa Việt đã được đấu khá thành công, thu về tổng cộng gần 2,8 triệu USD. Giải thích về điều này thì có nhiều lý do, nhưng giới nhà nghề tạm công nhận với nhau rằng động lực chính vẫn là sự “chạy đua” giữa các nhà sưu tập quốc nội và quốc tế.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm