07/06/2018 07:37 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Sau loạt bài về khuyến nghị cấm xiếc thú của AFA (Liên minh châu Á vì động vật) đăng tải từ 28/5 – 1/6, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trở lại đề tài này từ một góc độ khác: chuyện mưu sinh vất vả của nghệ sĩ xiếc thú. Và, người được nhắc tới chính là Tạ Duy Nhẫn, hậu duệ của nhà dạy thú Tạ Duy Hiển, gương mặt được coi là sáng lập ngành xiếc Việt Nam hiện đại.
NSƯT Tạ Duy Nhẫn (nguyên Trưởng đoàn Xiếc thú, Liên đoàn Xiếc Việt Nam) vốn là một "ông vua xiếc khỉ" nổi tiếng Việt Nam. Tổng kết lại cuộc đời làm nghệ thuật của mình, ông chua chát: "Bố đặt tên cho tôi là Nhẫn. Thế mà có người gọi tôi là Tạ Tàn Nhẫn. Tàn Nhẫn ở đây không phải là vì cách ứng xử với các con thú hay những người bên cạnh mình. Mà bởi, gần 50 năm cống hiến, tôi đã Nhẫn với tất cả, để rồi nhìn lại, hóa ra nghề nghiệp thật... tàn nhẫn với mình".
"Nghèo 3 họ..."
Gia đình NSƯT Tạ Duy Nhẫn đã có 3 đời gắn bó với sân khấu tròn. Con gái lớn của ông là nghệ sĩ Tạ Thúy Phương đã phải giải nghệ vì bị tai nạn trong lúc biểu diễn trên không, hiện vẫn đang sống và điều trị tại Tây Ban Nha. Theo NSƯT Tạ Duy Nhẫn cho biết, nhiều người cứ nghĩ Tạ Thúy Phương ở nước ngoài là sướng, có của ăn của để chu cấp về cho bố mẹ. Nhưng thật ra, Thúy Phương vẫn phải làm thêm để đảm bảo cuộc sống nơi đất khách quê người.
Trong nhà, giờ chỉ còn người con trai vẫn còn nối nghiệp ông, đảm đương tiết mục xiếc khỉ tại Rạp Xiếc Trung ương. Dẫu vậy, anh phải mở thêm cửa hàng bán điện thoại để có thu nhập. Nhiều lúc con trai ông Nhẫn tỏ ra chán nản khi theo "nghiệp tổ", định bỏ, nhưng sau khi được vợ chồng ông động viên thì "đâu lại vào đấy".
Còn với vợ chồng "ông vua xiếc khỉ" thì sao?
Từ ngày nghỉ hưu đến nay, dù hoàn cảnh chưa đến mức bi đát, nhưng người dân trong khu tập thể Bách Khoa hàng ngày vẫn quen với hình ảnh, buổi sáng NSƯT Tạ Duy Nhẫn chạy qua rạp xiếc thăm bầy thú, hỏi thăm và truyền lại kinh nghiệm cho anh em nghệ sĩ khoảng 30 phút, rồi lại đáo về đi chợ, nấu cơm, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa...
Ông phải làm tất cả những việc ấy bởi một lý do vô cùng xót xa. Vợ ông - bà Ngọc Lan - nghệ sĩ kèn saxophone của Liên đoàn Xiếc, sau khi nghỉ hưu, bị tiền đình và sau một cú ngã từ tầng 2 đã bị gãy xương hông, gần như nằm một chỗ. Mọi việc trong nhà, không ai khác "vua khỉ" phải gánh tất.
Ngoài làm "ô sin" cho vợ, ông còn tranh thủ mượn xe ô tô của con trai "chạy uber", để nói như ông "kiếm đồng chè thuốc, cà phê". Thế nên mới có chuyện, hễ ai gọi đến mà số máy không quen, ông lập tức: "Alo... Có đây, có đây! Anh/chị muốn đi đâu?"
"Người ta cứ nghĩ mình nghỉ hưu là đồng nghĩa với việc được nghỉ ngơi, hưởng thụ. Nhưng thực ra tôi thấy cô đơn lắm. Tôi nhớ những con thú. Tôi nhớ... mùi xiếc và vẫn còn nguyên "máu nghề" – ông nói – "Thế nên hàng ngày, tôi đều phải ghé qua rạp xiếc, thăm các con thú, anh em nghệ sĩ cho đỡ buồn, xong làm gì mới làm.
Vẫn muốn tận hiến cho xiếc
Ông Nhẫn tiết lộ, từ ngày ông nghỉ hưu (2014) đến nay, có rất nhiều đơn vị, đặc biệt là các đoàn xiếc tư nhân mời ông "tái xuất", nhưng tính ông vốn cẩn thận nên sau khi tìm hiểu, biết những đơn vị "ngỏ lời" với mình chưa đủ điều kiện về thể chất lẫn tinh thần cho con thú nên đành... kiếu. Thay vào đó, ông đưa ra những tư vấn, kinh nghiệm chăm nuôi những - để khi ông tận thấy các con thú "hội đủ tiêu chuẩn", tự khắc ông sẽ khăn gói đến huấn luyện.
Ông Nhẫn cũng lạc quan về đời sống nghệ thuật xiếc nước nhà bởi xiếc bây giờ đã có thể "remix" với các loại hình nghệ thuật khác trên cùng một sân khấu, khán giả vì thế cũng liên tục được "đổi món", không gây nhàm chán. Dẫu vậy, theo ông các nghệ sĩ cần phải chú ý nâng cao hơn nữa về ngôn ngữ xiếc, để phấn đấu làm sao đó đạt đến cái cuối cùng, gói gọn trong 2 chữ: Dấu ấn.
Ông lấy trường hợp hai "soái ca diễn xiếc" Quốc Cơ – Quốc Nghiệp để giải thích cho quan điểm của mình: "Tiết mục Sức mạnh đôi tay của anh em Quốc Cơ – Quốc Nghiệp trong lịch sử ngành xiếc Việt Nam đã có nhiều nghệ sĩ bạn bè của tôi còn làm tốt hơn rất nhiều. Nhưng tiết mục của anh em Quốc Cơ – Quốc Nghiệp ấn tượng và tạo được dấu ấn tại Britain’s Got Talent là vì phong cách của họ không bị lặp lại, kỹ xảo của xiếc trong tiết mục này đã được kết hợp rất tốt và hiệu quả với nhiều loại hình nghệ thuật khác như trang phục, ánh sáng, âm nhạc... Chúng ta đã có những tiết mục kết hợp như thế, nhưng dấu ấn tạo ra chưa nhiều, chưa đậm thì cần phải thay đổi, học hỏi tiếp!"
Nhiều năm qua, với những đau đáu quanh nghệ thuật xiếc, có những đóng góp đã được ông thực hiện và có những mục tiêu vẫn còn dang dở. "Nhưng bất kể lúc nào ngành xiếc cần, những người già cả như chúng tôi vẫn sẵn sàng chung tay góp sức nếu đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, chăm nuôi các con thú" – ông nói – "Chúng tôi còn sống, còn cống hiến. Không phải vì tiền, mà vì tình yêu với xiếc..."
Không cần nghệ sĩ xiếc phải có bằng đại học "Nghề xiếc là một nghề rất đặc thù. Những học viên học trung cấp ngành này ra, chưa làm nghề được bao lâu, muốn nâng bậc lương lại phải đi học đại học. Đi học rồi thì không còn thời gian nhiều để "văn ôn võ luyện", rất dễ bị ảnh hưởng, mai một. Theo tôi, một nghề đặc thù thì cũng nên có cơ chế đặc thù. Ví dụ, dựa vào tài năng, mức độ cống hiến của các nghệ sĩ để đãi ngộ cho hợp lý (NSƯT Tạ Duy Nhẫn). |
Phạm Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất