15/02/2015 07:03 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Từng tích tắc đồng hồ trôi qua, cái Tết càng cận kề. Đối với tất cả chúng ta, Tết là thời gian nghỉ ngơi, để quay về, để sum họp bên gia đình. Nhưng đối với nhiều ngư dân miền Trung, họ để lại đất liền sự rộn ràng ấy, ấm cúng ấy để bắt đầu chuyến đi biển xuyên Tết. Hàng chục năm qua, họ đã ăn Tết trên biển như thế.
Cho một tương lai đủ đầy hơn
Đà Nẵng những ngày cuối năm khá lạnh. Nhưng những con tàu neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) cũng không vì thế mà bớt náo nhiệt. Nhiều ngư dân miền Trung đang tất bật chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi biển xuyên Tết.
Năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng 18-20 âm lịch, hàng chục tàu thuyền của ngư dân Bình Định, Quảng Ngãi lại ra khơi đánh bắt, đến tận mùng 5-6 tết mới trở về. Lý giải chuyện này, ông Lê Tấn Ngọc (45 tuổi, Quảng Nam) nói: “Năm nào tôi cũng theo các tàu Quảng Ngãi hoặc Bình Định đi biển vào dịp Tết. Sở dĩ mình đi vào ngày tết vì khi về, hải sản có giá gấp đôi, gấp ba ngày thường. Nếu những tháng bình thường, tàu của chúng tôi chỉ thu hơn 100 triệu/10 người cho 20 ngày thì sau tết, có thể lên đến hơn 300 triệu. Đi một chuyến thôi cũng bằng cả mấy chuyến rồi. Mình chịu cực một chút, chấp nhận xa vợ con, không được đón tết ở nhà nhưng có tiền hơn cho bà vợ đong thêm gạo, tụi nhỏ đi vào thành phố học hành”.
Nhiều ngư dân, từ khi biết đi biển đến giờ, còn chưa từng được ăn tết trên đất liền. Ông Huỳnh Minh Ơn (55 tuổi, Đức Phổ, Quảng Ngãi) đi biển khi tuổi đời mới 18. Đến nay đã đón gần 40 giao thừa trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ông bảo: “Khi mới lấy vợ, năm đầu tiên để bả (vợ ông Ơn- PV) ở nhà, bả khóc quá trời luôn. Nhưng đi riết thành quen. Giờ cả 2 cha con đều đi biển, có 3 mẹ con đều là phụ nữ mà phải lo gói bánh tét, quét vôi,…Thương lắm nhưng mỗi người ráng chút thì sẽ đủ đầy hơn. Chừng nào kinh tế thong thả thì mới ăn tết với mẹ con nó được”.
Bữa cơm cuối năm trên tàu QNg 98159 TS để chuẩn bị cho chuyển đi biển xuyên Tết.
Tự hào đón Tết trên biển
Một chút bồi hồi, nhớ nhung vào thời khắc giao thừa. Có những cậu trai mặt non choẹt, lần đầu đón tết trên biển đã bật khóc nức nở nhớ nhà. Có những ngư phủ lão luyện với biển cả, cũng vời vợi nhìn về đất liền thương vợ con. Nhưng những mẻ cá tôm đầy ắp, niềm tự hào đang lao động trên vùng biển vùng trời của tổ quốc đã làm vơi bớt sự khắc khoải sum họp của những ngư dân. Khi được hỏi có buồn không, tủi thân không, ngư dân nào cũng trả lời chắc nịch “tàu là nhà, biển cả là quê hương đây rồi thì có gì mà phải tủi”.
Không có tiếng cười của đàn cháu con ngây thơ. Không có sự tất bật nấu nướng của phụ nữ. Nhưng họ vẫn đón giao thừa ấm cúng trên biển. Ông Trần Chiến (62 tuổi, Quảng Ngãi), tàu QNg 94978 TS cho biết: “Vào giờ giao thừa, chúng tôi cũng chuẩn bị bánh trái, hoa quả,…để cúng. Trên đất liền có gì thì dưới tàu có cái đó. Anh em ngồi lại với nhau, cà kê vài ly bia, rượu. Có những thằng, ngày thường ăn to nói lớn mà đến lúc ấy cũng ủy mị hay ra trò, kể chuyện gia đình. Mình đang lao động, ăn tết trên chính vùng biển của đất nước mình mà. Tết, tàu thuyền nào cũng về đất liền thì ai trông giữ vùng biển cho mình”.
Trên tàu QNg 98159 TS, tết này có 10 người đi biển, trẻ nhất 30 tuổi, lớn nhất 55 tuổi. Họ đã chuẩn bị cho chuyến đi này nhiều hơn ngày thường: vài cọc bánh tét, mấy chai rượu đế, hai ba thùng bia, chả giò, trái cây,…
Thuyền thưởng tàu QNg 94424 TS, anh Nguyễn Đức Toản (45 tuổi, Quảng Ngãi) đang chuyển mấy cọc bánh lên tàu, vui vẻ nói: “Tôi ăn tết trên biển 4 lần rồi. Giao thừa nào cũng ấn tượng nhưng vui nhất có lần vừa cúng giao thừa xong thì thằng em hô to “trúng rồi, trúng rồi”. Khi ấy, cơ man nào là cá tôm. Vui lắm. Hôm nay, anh em làm tất niên để mai đi đấy, khi nào hết đá thì về. Vợ con thì ngóng mình mà mình thì ngóng biển. Háo hức lắm”.
Dự bữa cơm cuối năm với ngư dân trên con tàu này, mới thấy tự hào hơn, yêu hơn con người đất nước mình. Khi tôi viết bài này, thì những ngư phủ này đã đang lênh đênh trên biển. Mong cho chuyến đi biển xuyên Tết này của họ bội thu.
Hồng Thúy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất