Thể thao VN và bóng đá VN nhìn từ Olympic London 2012

02/08/2012 12:25 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH)- Thất bại của cây vợt Nguyễn Tiến Minh trước Kashyap Parupalli, đối thủ người Ấn Độ có thứ hạng thấp hơn, tại Olympic London 2012 được dư luận đón nhận với thái độ khá bình thản.

Lý do thứ nhất là bởi Tiến Minh đã có dấu hiệu sa sút về chuyên môn trong 2 năm gần đây do gánh nặng tuổi tác. Lý do thứ hai là tâm lý thi đấu của Tiến Minh không ổn định, và ngay cả một sân chơi bị xem là “ao làng” như SEA Games mà Tiến Minh còn bị loại sớm ở cả 2 kỳ giải gần đây nhất thì làm sao có thể hy vọng Tiến Minh sẽ làm nên chuyện lớn ở Olympic.

Thắng bại trong thể thao là chuyện thường tình, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là sau Tiến Minh, thể thao VN vẫn chưa sản sinh ra một cây vợt nào khác đủ khả năng làm được như Tiến Minh, tức là lọt vào top 10 thế giới, chứ chưa nói tới việc sẽ làm được những việc mà Tiến Minh chưa từng hoàn thành như giành HCV SEA Games hay đoạt huy chương ở Asian Games và Olympic. Và không chỉ có Tiến Minh, rất nhiều ngôi sao khác của thể thao VN hiện vẫn chưa có sự thay thế xứng đáng, dù họ đã bắt đầu bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp.



Nhiều năm nay sân cỏ Việt Nam mới cho thấy một cầu thủ đáng xem như Văn Quyết (phải). Ảnh: Dương Thu

Bóng đá có lẽ thấm thía điều này hơn ai hết, khi ĐTVN nhìn đâu bây giờ cũng thấy thiếu cầu thủ giỏi, từ vị trí thủ môn cho tới vị trí tiền đạo. Không thể tưởng tượng một quốc gia có tới hơn 80 triệu dân như VN lại không sản sinh ra một cầu thủ đủ giỏi để đá tiền đạo cho ĐT U23 VN, khiến 2 kỳ SEA Games gần đây nhất chúng ta đều trắng tay vì hàng công quá kém.

Cũng có người bảo rằng cách làm bóng đá theo kiểu “ăn xổi”, chỉ chú trọng gặt hái thành tích trước mắt như nhiều ông bầu hiện tại đã làm hại bóng đá VN, khiến công tác đào tạo trẻ bị suy thoái nghiêm trọng, vì chẳng ai dại gì bỏ công bỏ của làm công tác “trồng người” để rồi khi sản phẩm do chính tay mình đào tạo ra chưa cống hiến được bao nhiêu cho CLB thì đã bị đội khác dùng tiền lôi kéo mất.

Nói thế là đúng nhưng vẫn chưa đủ, vì đào tạo lực lượng kế cận đang là vấn đề của cả nền thể thao VN chứ không riêng gì lĩnh vực bóng đá. Rất nhiều ngôi sao thể thao VN hiện nay đột nhiên xuất hiện và toả sáng như thể món quà từ trên trời rơi xuống, chứ chẳng phải là một sản phẩm được đào tạo và chăm bón kỹ càng rồi mới cho “xuất xưởng”.

Thế nên năm này qua năm khác, khi các ngôi sao luống tuổi và sa sút phong độ thì nhìn quanh vẫn chẳng có ai đủ khả năng thay thế. Việc ĐT U23 VN có thành tích thi đấu tụt dần đều trong 5 kỳ SEA Games gần đây rõ ràng là một dấu hiệu rất đáng báo động với nền bóng đá nước nhà, nhưng có vẻ như lại không được chú ý một cách nghiêm túc, và hậu quả nhãn tiền là thất bại thảm hại của ĐT U22 VN ở vòng loại U22 châu Á 2013 ở Myanmar vừa qua.

Có phải là một sự ngẫu nhiên hay không, khi ở mấy kỳ giải thể thao lớn gần đây, thể thao VN nói chung và bóng đá VN nói riêng đều không đạt được thành tích như mong đợi. Sau chiến tích lọt vào vòng loại thứ 3 Olympic Bắc Kinh 2008 (với ĐT Olympic VN) và lọt vào tứ kết Asian Cup 2007 (với ĐTVN), bóng đá VN đều thất bại ở các vòng loại Olympic London 2012, World Cup 2014, và với đà này, chúng ta cũng không có bao nhiêu hy vọng ở vòng loại Asian Cup 2015.

Đấy là với bóng đá VN, còn thể thao VN cũng không khác hơn bao nhiêu. Ở Asian Games 2010 với số nội dung thi đấu nhiều tới mức kỷ lục so với các kỳ Asian Games trước đó mà thể thao VN chỉ có vỏn vẹn một chiếc HCV của tuyển thủ karate Lê Bích Phương ở những ngày thi đấu cuối cùng của Đại hội, trong khi ở 2 kỳ Asian Games gần nhất là 2006 và 2002, thể thao VN đều có trên 2 HCV.

Và nếu ở Olympic Bắc Kinh 2008 thể thao VN còn có chiếc HCB của Hoàng Anh Tuấn thì tới kỳ Olympic ở London năm nay, sau thất bại của VĐV cử tạ Trần Lê Quốc Toàn, nguy cơ về một kỳ Thế vận hội trắng tay đang hiển hiện với thể thao VN, bởi 2 niềm hy vọng huy chương cuối cùng là Lê Huỳnh Châu và Chu Hoàng Diệu Linh (taekwondo) đều có rất ít cơ may thành công.

Rõ ràng sự đi xuống của thể thao VN nói chung và bóng đá VN đã thực sự trở thành một quá trình chứ không còn là sự kiện đơn lẻ, và điểm nổi bật trong đó là khoảng trống hun hút sau lưng các ngôi sao thể thao VN, khi măng đã già mà tre chưa thấy mọc. Thật đáng lo lắm thay!

Mai An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm