Mỹ kêu gọi hợp tác để giải quyết vấn đề Biển Đông

04/09/2012 06:42 GMT+7 | Trong nước


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 3/9 đã kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á tránh "ép buộc" và cùng hợp tác về một bộ quy tắc để giải quyết tranh chấp trên biển Biển Đông.

Trong cuộc gặp người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa tại Giacácta, bà Hillary đã lặp lại quan điểm rằng Mỹ có "lợi ích quốc gia" trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định tại vùng biển Hoa Nam. Bà nêu rõ: "Chúng tôi tin rằng các quốc gia trong khu vực nên cùng nhau cộng tác để giải quyết các tranh chấp mà không ép buộc, đe dọa và chắc chắn là không sử dụng vũ lực."

Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên và Trung Quốc tạo ra "tiến triển có ý nghĩa" trong bộ quy tắc ứng xử và bày tỏ hy vọng hai bên sẽ đạt được tiến triển trước Hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11 tới.

Chuyến thăm Indonesia là một phần trong chuyến công du kéo dài 11 ngày của Ngoại trưởng Mỹ tới một loạt quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có quần đảo Cook, Trung Quốc, Bruney, Timor Leste và Nga.

Chuyến công du của bà Clinton diễn ra trong bối cảnh Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama trong thời gian gần đây liên tiếp có những động thái được giới phân tích nhìn nhận là nhằm tăng cường sự hiện diện tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Mới đây, Mỹ đã điều 200 binh sỹ thuộc lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 3 tới căn cứ quân sự ở Darwin của Australia, tuyên bố cử các tàu chiến tới Singapore tiến hành tập trận chung nhằm thúc đẩy quan hệ quân sự song phương, cử các binh sỹ Mỹ đến Philippines tiến hành tập trận chung thường niên và cam kết hỗ trợ nước này tăng cường khả năng quốc phòng.

Trong diễn biến liên quan cùng ngày, Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ không nên đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ, trong bối cảnh Ngoại trưởng Hillary chuẩn bị có chuyến thăm Bắc Kinh.

Phát biểu trong cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho hay: "Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ ủng hộ lợi ích rộng lớn hơn, đó là hòa bình và ổn định, đồng thời tôn trọng các cam kết của họ trong việc không đứng về bên nào... Các nước ngoài khu vực nên tôn trọng sự lựa chọn của các quốc gia liên quan trực tiếp đến vấn đề".

Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm