Từ đề nghị của Tổng Bí thư với Hà Nội: Xa hơn chuyện bữa trưa miễn phí!

19/04/2025 19:36 GMT+7 | Văn hoá

Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa miễn phí tại trường cho hơn 1 triệu học sinh - đó là gợi ý được Tổng bí thư Tô Lâm đưa ra trong cuộc tiếp xúc với cử tri ngày 17/4 vừa qua.

Gợi ý của người đứng đầu Đảng ta xuất hiện trong bối cảnh ngành giáo dục đang nghiên cứu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học và THCS.

Đáng nói, gợi ý này được kèm theo những thông số phân tích cụ thể: Hà Nội hiện có khoảng 1,2 - 1,3 triệu học sinh cấp tiểu học và THCS, mỗi bữa ăn miễn phí cần khoảng 30 ngàn đồng. Trong khi đó, thu ngân sách quý I của thành phố là 250 ngàn tỷ đồng, theo tính toán là "dư sức". Từ đó, ông đề nghị thành phố nghiên cứu để có thể áp dụng ngay từ tháng 9 tới - thời điểm năm học mới bắt đầu.

***

Gợi ý của Tổng bí thư lập tức nhận được tiếng vỗ tay từ các cử tri có mặt. Và trong những ngày qua, gợi ý này cũng liên tục được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, đặc biệt là tại các hội nhóm của những phụ huynh đang có con học tiểu học hoặc THCS.

Không khó hiểu về sự đồng thuận và hào hứng này, khi nhiều gia đình tại Hà Nội sẽ lập tức được thụ hưởng trực tiếp lợi ích mà nó mang lại. Bởi thực tế, nếu việc giảng dạy 2 buổi/ngày được áp dụng, rất nhiều phụ huynh đã từng lo lắng về gánh nặng phải vội vã đón con từ trường về nhà, lo bữa ăn rồi đưa các em trở lại trường học.

Bên cạnh đó, rõ ràng các học sinh cũng sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi tại trường vào buổi trưa, cũng như có thêm sự gắn kết cùng nhau - và cùng môi trường giáo dục - trong những bữa trưa tập thể.

Còn ở góc độ kinh tế, khoản tiền "dôi dư" từ mỗi bữa trưa miễn phí hoàn toàn có thể - và nên khuyến khích - giúp mỗi gia đình đầu tư thêm để các em có cơ hội được bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, các kĩ năng sống, tham gia sinh hoạt ngoại khóa, hoặc đầu tư cho sách vở...

***

Gợi ý của Tổng Bí thư có thể còn cao hơn câu chuyện của một bữa ăn!

Đó là sự gợi mở về một cách tiếp cận mới và toàn diện về giáo dục, khi nhà trường không chỉ là nơi trao truyền kiến thức mà còn dần hướng tới việc phát triển thành một hệ sinh thái, hỗ trợ các em đầy đủ về chế độ dinh dưỡng hay thời gian biểu để nghỉ ngơi, sinh hoạt.

Một bữa trưa miễn phí! - Ảnh 2.

Tạo quỹ thời gian sinh hoạt hợp lý cho học sinh cũng là một giá trị mà việc cung cấp bữa trưa mang lại. Ảnh minh hoạ

Bởi, khi nhu cầu thiết yếu nhất - bữa ăn đủ đầy và dinh dưỡng - được đáp ứng một cách đồng đều, đó cũng là lúc chúng ta đang đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển con người cả về thể lực, tinh thần lẫn trí tuệ.

Khi mà lịch sinh hoạt của các em được đảm bảo không đứt đoạn để có thể kịp nghỉ trưa, học tập, thậm chí có thêm quỹ thời gian sinh hoat ngoại khóa, đó là lúc chúng ta đang hướng tới tầm nhìn dài hạn để hình thành mối gắn kết bền chặt giữa học sinh và nhà trường, giữa tri thức và đời sống, từ đó tạo nên nền móng vững chắc cho một xã hội học tập thực sự, nơi việc học không chỉ là nhiệm vụ, mà trở thành một phần tự nhiên trong hành trình trưởng thành của mỗi người.

Và cuối cùng, gợi ý của Tổng Bí thư Tô Lâm cần được đặt trong một chuỗi chính sách lớn đang từng bước định hình lại diện mạo của nền giáo dục quốc gia. Bởi năm học 2025 - 2026 tới đây cũng là thời điểm toàn bộ học sinh công lập từ bậc mầm non đến trung học phổ thông sẽ được miễn học phí, theo quyết định của Bộ Chính trị thông trong phiên họp ngày 28/2 vừa qua.

Khi học phí được miễn và bữa trưa tại trường được đảm bảo, đó là câu chuyện gắn với hành trình xây dựng một hệ thống giáo dục công bằng, nhân văn và bền vững. Trong hệ thống đó, tri thức không còn là thứ phải đánh đổi bằng điều kiện kinh tế, mà là quyền cơ bản mà mọi trẻ em đều có thể tiếp cận bình đẳng, dù sinh ra ở đâu, trong gia đình có điều kiện thế nào.

Rất nhiều mong mỏi đang được hi vọng trở thành hiện thực, từ những khởi đầu thiết thực như một bữa trưa miễn phí!

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm