Cuộc chiến bản quyền truyền hình: Đã đến lúc ngừng lại

03/01/2012 16:33 GMT+7 | Bóng đá Việt

Cái gọi là “cuộc chiến bản quyền truyền hình” thực tế cũng chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly trong sự bức bối mà VFF nhiệm kỳ 6 đã tạo ra. VFF nay gần như chẳng còn giữ nổi chút quyền lực cuối cùng, kể cả với “người trong nhà” (VPF) hay là đối tác của mình (AVG). Một tổ chức đang ở trong tình trạng như vậy thì làm được thêm gì nữa?

Không thể còn cách nào khác: VFF hãy dũng cảm tiến hành ngay đại hội bất thường để cải tổ bộ máy của mình. Thoạt nghe, cứ tưởng điều này có hại cho tổ chức quản lý bóng đá này nhưng kỳ thực, đó là lối thoát duy nhất.


Suy cho cùng, câu chuyện bản quyền truyền hình chỉ là cái cớ để VPF vô hiệu hóa VFF. Ảnh: Hoàng Hùng

Làm sao VFF có đủ uy tín để ngồi vào bàn đàm phán điều gì với bất kỳ ai khi ngay chính “người trong nhà” là VPF không tin vào chính họ mà phải đợi đến tòa án phân xử. Giữ một VFF trong tình trạng vừa không có nhân sự điều hành, vừa sa sút uy tín nghiêm trọng như vậy chỉ khiến các tổ chức như FIFA, AFC đánh giá thấp thêm mà thôi. Đại hội bất thường, xây dựng chiến lược làm việc mới vừa là yêu cầu cấp thiết mà cũng có thể giúp VFF thay đổi diện mạo của chính mình.

Thật ra, VFF cũng nghĩ đến điều này nhưng chẳng qua, họ làm thế chỉ để tìm ra tân TTK hơn là “làm mới” bộ máy. Nhưng thời thế đã thay đổi, “cuộc chiến bản quyền truyền hình” là cú knock-out khiến VFF không còn khả năng gượng dậy sau một serie đòn từ lúc bầu Kiên “quăng bom” đến nay.

o0o

Sự thật là qua sự xuất hiện của VPF đã cho thấy VFF hiện quá lỗi thời về mặt tổ chức. Không ai nói con người của VFF là kém, nhưng trong một cơ chế cũ kỹ, họ chẳng thể nào làm tốt hơn. Làm sao có thể làm việc tốt khi bộ phận điều hành lại dưới quyền của một BCH có quá ít chuyên môn bóng đá. Làm sao có thể xây dựng lộ trình phát triển làng cầu nội địa khi thiếu những đóng góp tốt nhất từ xã hội mà cụ thể là từ các CLB. Bộ máy của VFF nặng tính hành chính hơn là đúng chất xã hội nghề nghiệp. Có người nói, VFF giống “CLB hưu trí”, cũng chưa hẳn đã sai.

Ngay như việc VFF quyết định chọn HLV nội để dẫn dắt các đội tuyển cũng là kiểu ép buộc của tình thế, chỉ xảy đến khi HLV F.Goetz bị sa thải dưới sức ép của dư luận. Chọn HLV nội kiểu đó, cũng chẳng khác gì chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”. Chẳng có HLV nội nào đủ khả năng thành công nếu như chính VFF không xây dựng một lộ trình rõ ràng cho bóng đá nội địa đủ để tạo đà cho các HLV trong nước.

o0o

Có người sẽ trách bầu Kiên và VPF quá “lạm quyền” khi chẳng xem hợp đồng VFF - AVG ra gì. Điều đó không sai nhưng hình như, ẩn sau đó là một thông điệp khác: Đã đến lúc, không thể chiều theo những quyết định của VFF nếu như tổ chức này không chịu cải tổ. Bầu Kiên và các nhà kinh doanh khác của VPF dư sức có thể mời Chủ tịch AVG đi ngồi đâu đó để bàn chuyện, nhưng họ lại chọn giải pháp căng thẳng nhất. Chúng tôi cho rằng, cái mục tiêu của bầu Kiên và VPF không phải là AVG mà chính là VFF. Họ buộc phải vô hiệu hóa VFF để đẩy tổ chức này đến lúc phải dừng lại và thay đổi chính mình.

Trả về CLB

Qua khảo sát ý kiến của một số Chủ tịch CLB thì điều họ muốn là được truyền hình rộng rãi các trận đấu của mình chứ không phải là thu được bao nhiêu tiền. Một ông bầu cho biết: “Đầu tiên, chúng tôi phục vụ được người hâm mộ, kế đến là chuyện thương hiệu doanh nghiệp. Nếu cứ căng vào chuyện tiền nong thì nhiều khi mất cả chì, lẫn chài”.

Cũng ông bầu này đề nghị, cách giải quyết tốt nhất “cuộc chiến bản quyền truyền hình” đó là hãy trả vấn đề này về các CLB và lắng nghe nhu cầu của họ.

Vì khi bán độc quyền cho AVG, công ty này có thể chỉ sản xuất được một vài trận để bán sóng thay vì sản xuất đủ các trận đấu cùng những chương trình đi kèm. Như vậy thì các CLB bị thiệt thòi. Thay vì đang là người tạo nên sản phẩm truyền hình, các CLB lại bị lệ thuộc vào năng lực sản xuất cũng như chiến lược kinh doanh của AVG.

Tốt nhất, VFF hay VPF cùng làm việc với các CLB để bàn thảo cách tổ chức sản xuất bản quyền truyền hình rồi sau đó mới ghĩ đến chuyện bán cho ai, bán thế nào và bán theo nhu cầu của mỗi CLB ra sao. Xin nhớ, dù VFF hay VPF có giữ quyền truyền hình đi nữa thì luôn phải chia sẻ lợi nhuận lẫn trách nhiệm với các CLB. Việt Long


Theo SGGP

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm