Cuộc chiến bản quyền truyền hình BĐVN: Để cháy nhà sẽ ra mặt chuột

02/01/2012 15:27 GMT+7 | Bóng đá Việt

Bầu Kiên rất muốn vụ mua bán bản quyền truyền hình được đưa ra tòa vì chắc chắn lúc đấy sẽ thòi ra rất nhiều điều mờ ám được lột ra từ bản quyền đã bán trọn 20 năm…

Bầu Kiên được sự ủy quyền của HĐQT VPF đang làm cái việc “đòi lại sự công bằng” cho các CLB và việc đi đòi đấy đã dấy lên nhiều hướng để tranh luận trong tuần qua. Để làm rõ vấn đề này, cần phải trở lại từ buổi ban đầu trước khi LĐBĐ VN bút sa để bán cái sản phẩm bóng đá ở những giải đấu.

Bệnh biểu quyết theo số đông

Cuộc họp giữa LĐBĐ VN và đại diện các CLB tại Nha Trang vào cuối mùa bóng 2009 có bàn đến vấn đề bán bản quyền truyền hình cho AVG 20 năm. Tại cuộc họp này, đại diện LĐBĐ VN đưa ra những lý do để thuyết phục rằng bán một cục như thế sẽ có lợi (!?) và trước mắt thì các CLB sẽ có phần tiền lớn hơn so với tiền bản quyền truyền hình mà mùa bóng 2009 và 2010 LĐBĐ VN bán từng gói lẻ cho VTV, VTC và các đài địa phương. Sau phần phân tích là biểu quyết đồng ý bán hay không. Lúc này một rồi hai và sau đó là hầu hết các cánh tay đều đưa lên. Chỉ có ba đại diện không vội đưa tay nhưng sau khi tham khảo bằng điện thoại thì ba đại diện trên cũng đồng ý.


Các đài dù không muốn AVG độc quyền nhưng vẫn không đài nào dám sử dụng công văn “cho phép” của VPF mà đều qua thương thảo với AVG. Ảnh: QUANG THẮNG - XUÂN HUY

Sau phần biểu quyết trên thì LĐBĐ VN tiếp tục tiến hành việc ký kết và trước khi ký đã trình lên Tổng cục TDTT và các bộ có liên quan hệt như các liên đoàn khác đã làm và đang làm.

Mùa đầu tiên LĐBĐ VN nhận tiền bản quyền từ AVG và chia cho các CLB theo tỉ lệ đã định từ 6 tỉ đồng bản quyền là mùa 2011.

Ở đây phải thừa nhận việc mua bán chỉ qua biểu quyết mà LĐBĐ VN chủ trì đã diễn ra quá đơn giản với thủ tục cứ như… đi bầu. Mà với bóng đá Việt Nam thì ai cũng biết là hay bị bệnh số đông tức đại diện đội này giơ tay thì mình cũng giơ tay. Nói về chuyện này, bầu Đức từng kể rằng sau cuộc họp đấy ông đã mắng giám đốc điều hành của HA Gia Lai như tát nước vì dám giơ tay đồng ý. Tuy nhiên, sau chuyện mắng cấp dưới đấy ông cũng không phản ứng bằng văn bản và cũng tỉnh bơ (hoặc không quan tâm) như các lãnh đạo đội bóng khác về khoản tiền bản quyền mùa 2010 mà CLB nhận được.

Chưa thấy CLB nào nói không nhận tiền bán bản quyền truyền hình. Cũng chưa thấy CLB nào có văn bản xin trả lại tiền để đòi lại công bằng như cái cách nhiều người đã đặt vấn đề. Đấy cũng là bệnh số đông lẫn bệnh qua loa của một nền bóng đá mà chính các CLB cũng là nạn nhân.

Chơi cũng phải đúng luật

Hai năm sau khi bản quyền mà LĐBĐ VN đã ký với AVG thì “quả bom” bản quyền nổ ra mà VPF là tổ chức đầu tiên nổ phát pháo này sau khi bị phía AVG từ chối vị trí pháp lý.

VPF lấy quyền “chủ giải” (do LĐBĐ VN ủy quyền) phủ quyết giá trị của hợp đồng đã ký giữa LĐBĐ VN và AVG với cái cách lý giải của riêng mình. Ở đây, một lần nữa tại VPF cũng là số đông biểu quyết việc “nổ” hay không nổ. Đấy là lý do vì sao Phó Chủ tịch LĐBĐ VN đồng thời cũng là Phó Chủ tịch HĐQT VPF Lê Hùng Dũng nói rằng ông không biết việc làm đấy của bầu Kiên.

Việc bản quyền truyền hình là của ai thì đến thời điểm này chính các đài truyền hình đã trả lời một cách rõ ràng nhất. VTV dù nhận được công văn “cho phép” của bầu Kiên nhưng khi trực tiếp các trận đấu tại vòng 1 Super League và giải hạng nhất 2012 vẫn phải thương thảo với AVG và được sự đồng ý thì mới làm. Các đài khác như VTC và những đài địa phương cũng thế. Điều này có thể nói chính các nhà đài dù không đồng tình với việc độc quyền của AVG và không đồng tình với bản hợp đồng ký đến 20 năm nhưng vẫn tôn trọng luật chơi.

Ngay cả Tổng cục TDTT là đơn vị quản lý về mặt nhà nước cũng thế. Vài giờ trước khai mạc Super League, Tổng cục đã gửi công lệnh đến các địa phương và các giám sát đề nghị phải tôn trọng và bảo vệ hợp đồng đã ký theo đúng tinh thần của luật pháp.

Chưa nói đến chuyện thắng thua nhưng rõ ràng vòng đầu Super League chưa “đổ máu” vì các nhà đài biết luật và chơi đúng luật.

Qua vụ bản quyền truyền hình bóng đá, có thể xem đây sẽ là “án” điểm vì không chỉ bóng đá Việt Nam bán bản quyền 20 năm mà rất nhiều bộ môn lẫn liên đoàn thể thao các môn khác cũng đã ký hợp đồng bán bản quyền 20 năm với AVG.

Phần bầu Kiên khi đại diện VPF vẫn nói rằng ông sẽ làm tới vì quyền lợi của các CLB và lý lẽ ông đưa ra là hợp đồng 20 năm với AVG không có giá trị.

Đấy lại là tập hai của cuộc chiến bản quyền mà bầu Kiên đang rất muốn làm mạnh, làm tới và thậm chí là ra tòa hoặc cho cháy nhà để lòi mặt chuột.

Mà việc này nếu có thì chắc chắn không chỉ LĐBĐ VN chịu đòn một mình nữa rồi.

Theo Pháp luật TPHCM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm