VPF sẽ mạnh tay để đưa cầu thủ vào khuôn khổ

10/02/2012 13:00 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Ngay những ngày đầu năm, sân cỏ nội sôi động với nhiều trận cầu hấp dẫn và không kém quyết liệt. Giải chuyên nghiệp đang bước vào thời điểm nhạy cảm khi VPF bị “tuýt còi” nhiều vấn đề. Dưới đây là bài phỏng vấn của TT&VH với ông Phạm Ngọc Viễn. 

CẦN NHIỀU THẺ PHẠT ĐỂ TRẤN ÁP BẠO LỰC

* Sau công văn VPF gửi các CLB khuyến cáo về việc giảm cách hành vi bạo lực trên sân cỏ, dường như vòng 4 Super League đã diễn ra hấp dẫn và không nóng bỏng như Cúp QG?

- Trong cuộc trả lời một đơn vị truyền hình gần đây, tôi rất buồn khi câu trả lời của mình bị cắt gọt không thương tiếc. Tôi chỉ nói rằng việc cầu thủ va chạm quyết liệt vốn rất bình thường trong môn thể thao nặng tính đối kháng như bóng đá. Tuy nhiên từ mức độ va chạm từ quyết liệt rồi trở thành ẩu đả là điều không thể chấp nhận. Chính vì thế, VPF đã có công văn gửi tất cả các CLB để chấn chỉnh tư tưởng ngay lập tức. Ngay việc đảm bảo an ninh, chất lượng trọng tài rồi các trận đấu diễn ra quyết liệt nhưng trong tầm cho phép là điều BTC giải đã cố gắng thực hiện trong vòng 4 Super League vừa qua.



Theo ông Viễn, yêu cầu lớn nhất mà  BTC giải đặt ra là xiết chặt và nâng cao công tác an toàn giải đấu, tránh những sự cố đáng tiếc trên sân Thống Nhất ở trận Sài Gòn FC-Thanh Hóa như vừa qua. Ảnh: VSI

*  Ông có mặt dự khán trên sân Chi Lăng trong trận đấu giữa SHB.ĐN-SLNA vừa qua. Đánh giá của ông ra sao về trận đấu từng nổi tiếng va chạm nảy lửa trong quá khứ này?

- Trước trận đấu này, SLNA từng bị xem là có lối đá quá rắn. Tôi đến sân Chi Lăng không chỉ đánh giá cao công tác an ninh, kiểm tra an toàn từ phía BTC sân Chi Lăng, mà còn hài lòng về cách 2 đội bóng thi đấu. Đó là trận đấu hấp dẫn, quyết liệt nhưng an toàn và hài lòng tất cả. Sự có mặt của 15.000 khán giả đã chứng minh nếu các đội bóng chỉ tập trung vào chuyên môn và có thương hiệu, khán giả sẽ không tiếc tiền, thời gian để lên sân cỏ vũ. Điều đáng mừng là trọng tài đã thổi khá tốt, trong khi SLNA chơi mềm mại, ít đá rắn hơn. Đó là một trận đấu tôi rất vui về mặt chuyên môn lẫn về mặt khán giả.

* Dù Super League đã bớt tín hiệu bạo lực, nhưng một số thông tin cho rằng giải hạng Nhất đang gia tăng yếu tố trên, với 6 thẻ đỏ rút ra trong 7 trận đấu?

- Kể từ khi VPF ra đời, nỗ lực chung của VFF lẫn các đội bóng chính là việc giảm bớt những sai sót từng tồn tại trong quá khứ. Đặc biệt vấn đề va chạm quyết liệt dẫn đến ẩu đả từng là vấn đề nổi cộm. Muốn giải đấu tốt hơn, khán giả tin tưởng hơn, việc quyết liệt chống lại nạn bạo lực rất quan trọng. Ngay cách điều khiển của trọng tài có khéo léo hay không cũng quyết định sự thành công hay không thành công của cả giải đấu.

Trước vòng 4, BTC giải đã xác định với ban Trọng tài là các trọng tài ra sân phải nghiêm khắc với các hành vi bạo lực. Nếu lực lượng cầm còi dung dưỡng, sợ đối đầu bạo lực, thì khó hy vọng các trận đấu trở nên lành mạnh hơn. Tôi nghĩ dư luận đã quá khắt khe với những con số báo cáo vừa qua. Việc gia tăng thẻ vàng, thẻ đỏ trong trận đấu vừa qua cũng chỉ để đưa CLB, cầu thủ vào khuôn khổ. Tôi không nghĩ giải hạng Nhất đã gia tăng số trận cầu có tín hiệu bạo lực, khi 2 thẻ đỏ trong đó do cầu thủ nhận 2 thẻ vàng vì lỗi hành vi. Qua đó, tôi mong mỏi dư luận, báo chí có cái nhìn nhân văn, ủng hộ hơn, thay vì dựa vào một số con số như trên, để chê trách chúng tôi không muốn xây dựng giải đấu tốt hơn.

VPF TÔN TRỌNG CHỈ ĐẠO CỦA TỔNG CỤC TDTT VÀ VFF, NHƯNG…

* Còn bản công văn 107 của Tổng cục TDTT rồi VFF buộc VPF phải đổi tên giải trở lại V-League thì sao?

- Việc chọn một cái tên Việt cho giải đấu là việc hoàn toàn đúng đắn và chúng tôi tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Tổng cục lẫn VFF. Nhưng việc trở lại cái tên cũ V-League không thực đúng đắn với ý định chuyên nghiệp hóa giải đấu của chúng tôi. V-League là cụm từ chỉ giải chuyên nghiệp, nhưng các đội bóng giải hạng Nhất cũng trở thành mô hình CLB chuyên nghiệp, nên việc chọn cái tên khác là giải Ngoại hạng, phân cách với giải hạng Nhất là điều bình thường.

Do đó việc chuyển tên từ Super League thành V-Super League sẽ đúng đắn hơn.  Mặt khác, cũng cần  lấy ý kiến của các CLB vì họ đã nhất trí tên gọi Super League.

* Trong công văn 58 của VFF, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ yêu cầu VPF tiếp tục sử dụng Điều lệ và các văn bản pháp quy năm 2011 được Bộ VH-TT& DL phê duyệt thì sao thưa ông?

- Sau khi VPF ra đời, có một số quy định mới được xuất hiện để bổ sung nhằm xác định lại quan hệ giữa VPF và VFF, cũng như quan hệ với các CLB chuyên nghiệp trong mùa giải mới. Ngoài ra, VPF cũng có rất nhiều quy định mới làm quy chuẩn cho mùa giải 2013, ví dụ như quy định tài chính, hoạt động các CLB, quy định một ông chủ quản lý một CLB, các quy định chế tài mới xiết chặt lại giải đấu quốc nội… Tuy nhiên, quy định này chỉ là bổ sung để hoàn thiện giải đấu. Còn lúc này, BTC giải vẫn đang áp dụng Điều lệ, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2011 trong mùa giải này, nên yêu cầu trong công văn này không phải vấn đề của VPF, bởi những bổ sung vừa qua chỉ áp dụng bắt đầu vào năm 2013, còn hiện tại các văn bản pháp quy vẫn  như cũ đã được  Bộ VH- TT&DL đã thông qua.

* Ông hiện tại là PCT chuyên môn VFF, nay quán xuyến công việc ở VPF trong vai trò TGĐ. Trong hoàn cảnh đứng giữa “2 làn đạn”  như thế, ông có cảm thấy khó khăn không trong việc giải quyết cuộc tranh chấp vừa qua giữa VPF, VFF?

- Hiện tại tôi vẫn là quan chức VFF phụ trách chuyên môn của VFF. Kể từ khi VPF ra đời, tôi được mời đóng vai trò TGĐ. HĐQT khẳng định họ muốn tận dụng chất xám của tôi để phát triển giải đấu hấp dẫn, chất lượng hơn về mọi mặt. Tôi tâm niệm làm công việc phải hoàn thiện tốt, riêng chuyện tranh chấp diễn ra đó là việc về quản lý, sắp xếp giữa đôi bên. Tất nhiên sẽ có những tranh cãi, khó khăn xảy ra, nhưng tôi không bị áp lực gì cả. Tôi là cán bộ VFF sang đây giúp VPF công tác, điều hành giải đấu tốt hơn. Còn những tranh cãi trên là của HĐQT VPF và VFF giải quyết  với nhau, tôi không thấy khó khăn gì cho mình cả. Tôi hành động theo lẽ phải.

* Trước những thách thức về công tác an ninh, an toàn và những vấn đề về trọng tài, bạo lực sân cỏ… VPF sẽ có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho những vòng đấu tới?

- Chiều 8/2 vừa qua, BTC giải Super League lẫn giải hạng Nhất đã có cuộc họp nhìn lại những vòng đấu đã qua. Yêu cầu lớn nhất là việc xiết chặt và nâng cao công tác an toàn giải đấu, tránh những sự cố đáng tiếc trên sân Thống Nhất ở trận Sài Gòn FC-Thanh Hóa như vừa qua. Nhờ sự chỉnh sửa, thay đổi kịp thời, tôi thấy công tác an toàn sân Hải Phòng, Thống Nhất, đã tốt hơn ở vòng đấu vừa qua. Ngay BTC sân Vinh cũng đã đảm bảo an toàn cho các trọng tài, cầu thủ HN.T&T sau trận đấu ở vòng 3. Đó là những tín hiệu khởi sắc, bên cạnh những lo lắng vào thời điểm này. BTC giải đã có cuộc họp nội bộ để rút kinh nghiệm và chấn chỉnh tốt hơn về công tác chuẩn bị trước và sau trận đấu.

* Còn riêng công tác trọng tài, ông và BTC giải đã có những chuẩn bị ra sao cho tốt hơn sau những sự cố vừa qua?

- Ngoài việc thử nghiệm bộ đàm thời gian qua, VPF lẫn ban Trọng tài đang chuẩn bị sử dụng thiết bị ghi âm để kiểm tra cách hành xử giữa trọng tài và cầu thủ trên sân. Ngay như việc trọng tài có “ngôn ngữ chợ búa” với trọng tài không, hay chính trọng tài bị cầu thủ đe dọa sẽ được ghi lại rõ ràng. “Hộp đen” ghi nhớ mọi dữ liệu sẽ là chứng cứ để chúng tôi xác định ai đúng, ai sai khi tranh cãi diễn ra. Hy vọng thử nghiệm tốt, trước khi VPF sẽ đưa ra quyết định ký kết hợp đồng chính thức hay không.

Riêng mùa giải này mới coi là tiền đề và còn nhiều sai sót khó tránh khỏi. Nỗ lực của mỗi thành viên BTC giải là kiện toàn giải đấu ngày một khoa học, hoàn hảo hơn. Ngay những vụ va chạm sân cỏ, tín hiệu bạo lực không còn nhiều như trước. Bản thân tiếng nói đóng góp có trách nhiệm, vì cái chung của dư luận, báo chí, chúng tôi rất hoan nghênh. Nó sẽ giúp giải đấu thành công hơn và trong sạch hơn, nếu tất cả đều hướng cái chung, thay vì phê phán, chỉ trích quá nhiều trong thời điểm nhạy cảm, khi một giải đấu mới ra đời như thế này.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi và chúc ông và các thành viên BTC giải tiếp tục phát huy những điểm sáng trở thành hình ảnh quen thuộc V-Super League trong tương lai!

MỘC MIÊN (thực hiện)




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm