13/10/2023 06:49 GMT+7 | Thể thao
Thể thao Việt Nam (TTVN) cần có chiến lược cụ thể cho việc chinh phục các mục tiêu ở châu lục và thế giới sau những điều đáng tiếc ở ASIAD 19 và cả sự cố ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia.
THỂ THAO VIỆT NAM HẬU ASIAD 19
Bài học về công tác quản lý
Trong những ngày các tuyển thủ của Đoàn TTVN miệt mài tìm kiếm những tấm huy chương ở ASIAD 19, sự việc VĐV đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia "kêu đói" bị giới truyền thông phát hiện đã gây bức xúc cho dư luận. Bộ VH,TT&DL nhanh chóng vào cuộc và Cục TDTT cũng đã có động thái xử lý bước đầu.
Việc lập tức thay thế BHL, yêu cầu hoàn trả tiền "giữ hộ" và đưa các tuyển thủ trở lại tập huấn tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội để đảm bảo cho công tác huấn luyện, chăm sóc là cần thiết, kịp thời. Cục TDTT đang khẩn trương xác minh, làm rõ bản chất sự việc và trách nhiệm của các bên liên quan như Phòng Thể thao thành tích cao 2 - Cục TDTT, Trung tâm HLTQG Hà Nội và Khu LHTTQG.
Sự việc ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia đang được xử lý và bộc lộ ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý, giám sát việc đào tạo, huấn luyện và thực hiện chế độ bồi dưỡng cho VĐV. Thậm chí, thông tin HLV Tô Minh đã thôi công tác ở đội tuyển bóng bàn trẻ từ 01/01/2022 đang tiếp tục được xác minh, làm rõ và nếu đúng thì rất nghiêm trọng. Câu hỏi được đặt ra lúc này, nếu như HLV Tô Minh đã nghỉ việc vì sao vẫn có tên trong danh sách BHL đội tuyển bóng bàn trẻ của năm 2023?
"Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định vụ việc này là một bài học rất lớn đối với ngành Thể dục thể thao, nhất là trong công tác phối hợp. Đặc biệt, đây là lời cảnh tỉnh cho những người tham gia công tác huấn luyện, đào tạo vận động viên trẻ nhưng chưa thực sự quan tâm đến việc đào tạo, huấn luyện và chế độ bồi dưỡng, đời sống của vận động viên trên hết và có biểu hiện vì lợi ích cá nhân", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh trong cuộc họp báo thường kỳ quý III năm 2023 của Bộ VH, TT&DL vào chiều ngày 9/10 tại Hà Nội.
Cũng theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ VH, TT&DL, Cục TDTT sẽ phải tổng kiểm tra, rà soát lại công tác huấn luyện ở các đội tuyển để đáp ứng được yêu cầu, quan tâm chăm lo đời sống của HLV, VĐV và phải báo cáo Bộ VH, TT&DL trước ngày 20/10. Bộ cũng đã chỉ đạo quyết liệt, giao các cơ quan, đơn vị liên quan nhanh chóng xác minh. Khi có thông tin sai phạm từ cá nhân, đơn vị thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Cần sử dụng hiệu quả nguồn lực
Nguồn lực của TTVN còn hạn chế, ngay tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội nơi vẫn được gọi là "đại bản doanh" của TTVN cũng có những khó khăn về cơ sở vật chất khi không đủ diện tích để đáp ứng yêu cầu tập luyện của hơn 1.000 VĐV của hơn 40 ĐTQG nên phải đưa một số đội tuyển tập huấn ở các cơ sở khác tại nhiều địa phương: Khu LHTTQG, tại các Trung tâm huấn luyện & thi đấu TDTT các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình… Ngoại trừ một số yếu tố đặc thù về điều kiện tập luyện, ví dụ như đội tuyển đua thuyền cần tập luyện ở nơi có sông hồ, đội tuyển xe đạp địa hình tập luyện ở nơi có đồi núi, việc tập huấn bên ngoài cũng là giải pháp giảm tải cho Trung tâm HLTTQG Hà Nội.
Theo số liệu công bố công khai số liệu dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kinh phí chi cho sự nghiệp TDTT là 893,345 tỉ đồng, trong đó hơn nửa số tiền này được chi cho các Trung tâm HLTTQG Hà Nội (252,979 tỉ đồng), Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng (101,522 tỉ đồng), Trung tâm HLTTQG TPHCM (147,757 tỉ đồng) và Trung tâm HLTTQG Cần Thơ (67,612 tỉ đồng) để tổ chức thực hiện kế hoạch tập huấn các đội tuyển, đội tuyển trẻ thể thao quốc gia và đào tạo tài năng thể thao.
Như vậy có thể thấy, phần lớn kinh phí đều được dành cho công tác đào tạo, huấn luyện VĐV và việc sử dụng hiệu quả nguồn lực này đóng vai trò quan trọng tới sự phát triển của TTVN. Đặc biệt, quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với HLV, VĐV thể thao thành tích cao với mức 320 nghìn đồng/người/ngày và việc chi trả chế độ cho các HLV, VĐV cần phải được thực hiện nghiêm chỉnh, đúng quy định và minh bạch là đặc biệt cần thiết vì nó tác động trực tiếp tới VĐV, HLV hàng ngày.
Sự việc ở đội tuyển trẻ bóng bàn gióng lên hồi chuông báo động không chỉ về công tác quản lý, giám sát quá trình đào tạo, huấn luyện chuyên môn, mà đồng thời cảnh báo về việc sử dụng nguồn lực. Nếu có tình trạng "bớt xén" từ bữa ăn của VĐV, điều này thực sự đáng lo ngại và cần sớm được loại bỏ. Giới chuyên môn và người hâm mộ không ai mong muốn có thêm bất cứ sự việc tương tự nào như ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia bị phanh phui sau đợt rà soát của Cục TDTT. Hi vọng, đây chỉ là hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh" và sau đợt chấn chỉnh của ngành thể thao cả ngàn VĐV hiện đang tập huấn ở 4 Trung tâm HLTTQG trên toàn quốc sẽ yên tâm tập luyện, cống hiến cho thể thao nước nhà.
Cần chiến lược để vươn tầm châu lục và thế giới
Từ vị thế của một nền thể thao có vị trí ổn định trong tốp 3 khu vực Đông Nam Á trong 2 thập kỷ, TTVN có thể vươn lên, tìm kiếm một vị trí nhất định trên bản đồ thể thao châu lục và thế giới được không? Có lẽ không cần bàn cãi nhiều khi TTVN đã xác định những mục tiêu cụ thể ở đấu trường ASIAD và Olympic trong từng giai đoạn khác nhau và tất nhiên, thành tích ở 2 đấu trường này phải ngày càng được nâng cao. Ví dụ, trong giai đoạn từ 2020 đến 2030, là phấn đấu xếp hạng trong nhóm 10 nước dẫn đầu tại ASIAD và có từ 30 đến 50 VĐV tham dự, giành trên 2 huy chương và phấn đấu giành HCV Olympic.
Trong những ngày vừa qua từ các nhà quản lý, chuyên môn, chuyên gia và giới truyền thông đã đề cập nhiều tới vấn đề, làm thế nào để TTVN bứt phá? Nhưng cần nhất vẫn là một chiến lược cụ thể mà ngành thể thao phải xây dựng, đề xuất dựa trên những khó khăn, thuận lợi và điều kiện vốn có. Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ TTTTC - Ủy ban TDTT từng đề cập tới tâm lý "dễ làm khó bỏ" khi đặt nặng vấn đề thành tích ở SEA Games mà không thực sự chú trọng giành huy chương ASIAD hay Olympic. Đây có phải một thực tế hay không cùng rất cần được mổ xẻ, làm rõ để từng bước khắc phục.
Có thể, những nỗi buồn ở ASIAD 19 sẽ sớm nguôi ngoai nhưng liệu TTVN có phải đối diện trở lại sau 4 năm nữa? Có một điều chắc chắn, nếu TTVN không chuẩn bị một chiến lược cụ thể và vẫn còn tư duy "có đến đâu làm đến đấy" thì việc vươn lên giành thành tích cao ở đấu trường châu lục vẫn đầy trở ngại.
Nguồn lực cho TTVN từ nhà nước gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí… chỉ có một giới hạn nhất định. Trong bối cảnh công tác xã hội hóa thể thao, kinh tế thể thao tại Việt Nam vẫn là bài toán chưa có lời giải, chắc chắn, việc tìm kiếm các giải pháp, biện pháp sử dụng một cách có hiệu quả cao nhất từ nguồn lực hiện có trong thời gian trước mắt là cực kỳ cần thiết. Việc lựa chọn những môn thể thao để phát triển thành tích cao trên đấu trường quốc tế cần có sự hài hòa về phát triển thể thao học đường, thể thao phong trào nhằm tạo chân đế vững chắc và phù hợp với quy luật. Thực tế hiện nay, sự đóng góp cho thể thao thành tích cao từ 2 lĩnh vực này chưa có dấu ấn nổi bật. Nhiều môn thể thao phát triển trong nhà trường, trong xã hội như bóng bàn, bóng rổ, cầu lông, cờ vua, bơi, điền kinh… nhưng thành tích của TTVN trên đấu trường quốc tế còn hạn chế.
THỂ THAO VIỆT NAM HẬU ASIAD 19
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất