Lo sợ khi động đất liên tục tại thủy điện Sông Tranh

14/07/2014 16:00 GMT+7 | Thế giới


(Thethaovanhoa.vn) - Hiện tượng động đất liên tục xảy ra ở huyện Bắc Trà My, một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam - nơi xây dựng Nhà máy thủy điện Sông Tranh và con đập bằng công nghệ bê tông đầm lăn gây nhiều tranh luận trong thời gian qua. Trận động đất xảy ra vào rạng sáng 14/7 với cường độ hơn 2,6 độ Richter khiến người dân nơi đây càng lo ngại.

Bà Đinh Thị Hoa, thôn 4, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My cho biết: Khi cả gia đình bà đang ngủ thì nghe một tiếng nổ khá to, nền nhà rung rinh, cả nhà vội chạy ra ngoài vì sợ nhà sập. Tình trạng này diễn ra thường xuyên trong thời gian gần đây khiến cả làng đều lo ngại.

Chia sẻ sự lo ngại của bà con về tình trạng động đất liên tiếp xảy ra thời gian ngắn gần đây, ông Hồ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Trà Đốc cho biết: Tình hình động đất trên địa bàn khu vực thủy điện Sông Tranh đã diễn ra từ 4 năm nay, nhưng xuất hiện nhiều nhất là trong vòng hơn một tháng qua. Do thường xuyên xảy ra các trận động đất, nên công tác tuyên truyền cho bà con về hiện tượng này luôn được chính quyền địa phương quan tâm. 

Trước và sau mỗi trận động đất, chính quyền và các ngành, đoàn thể đều có mặt kịp thời ở các khu vực dân cư để kiểm tra tình hình, đồng thời tuyên truyền, giải thích cho bà con bớt hoảng sợ và yên tâm sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt là không nghe lời kích động xúi giục của kẻ xấu lợi dụng hiện tượng động đất để gây rối trật tự trên địa bàn. 

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, động đất liên tiếp xảy ra nên bà con rất hoang mang. Chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền cần sớm cử chuyên gia vào tận nơi đây để nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và có kết luận rõ ràng, công khai, minh bạch rằng động đất thường xuyên xảy ra trên địa bàn là do hiện tượng tự nhiên gây ra, hay là do công trình thủy điện và lòng hồ thủy điện gây ra. Trên cơ sở đó, đề nghị với các cơ quan chuyên môn, chính quyền Nhà nước xem xét quyết định các vấn đề có liên quan đến động đất và thủy điện đều dựa trên cơ sở lợi ích của người dân, lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phải được đặt lên hàng đầu.


Người dân tranh thủ dựng nhà gỗ ở để giảm bớt nguy hiểm. Ảnh: Hồng Thúy

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban tìm kiếm cứu nạn cứu hộ huyện Bắc Trà My cho biết: Do động đất thường xuyên xảy ra trong nhiều năm qua nên công tác chuẩn bị để đối phó với tình trạng này luôn được địa phương đặc biệt quan tâm. Địa phương thường xuyên duy trì đầy đủ các phương tiện cứu nạn, cứu hộ để tiếp cận với hiện trường nơi xảy ra động đất một cách nhanh nhất, an toàn nhất. Đối với đồng bào sống trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng động đất, ngoài việc tuyên truyền kết hợp với tập huấn phòng ngừa thảm họa thiên tai, chúng tôi hướng dẫn bà con chuẩn bị lương thực, thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu để sẵn sàng di chuyển đến chỗ ở an toàn.

Về lâu dài, huyện Bắc Trà My đã kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiến nghị với Trung ương và các bộ, ngành chức năng tiếp tục kiểm tra, khảo sát về tình hình động đất diễn ra liên tiếp trong thời gian qua và thông báo kết luận về tình trạng này để chúng tôi có cơ sở tuyên truyền cho đồng bào. Những năm trước đây, động đất thường xảy ra lúc lòng hồ thủy điện Sông Tranh tích nước, nhưng hiện nay đang là mùa khô hạn, nhưng tình trạng động đất vẫn liên tục diễn ra. Vì vậy chúng tôi kiến nghị các cơ quan chuyên môn có đánh giá một cách đầy đủ hơn, chính xác hơn về hiện tượng động đất trong khu vực thủy điện Sông Tranh, ông Huỳnh Ngọc Thiệu nhấn mạnh.

Trái với sự lo ngại của người dân và của chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Lân - Phó Giám đốc Công ty thủy điện Sông Tranh vẫn tự tin vì “toàn bộ các dư chấn về động đất trên khu vực thủy điện Sông Tranh đều nằm trong giới hạn thiết kế kỹ thuật cho phép”. Ông Lân cho biết thêm: Đối với tình trạng động đất xảy ra trên địa bàn huyện Bắc Trà My trong thời gian qua, Công ty thủy điện Sông Tranh thường xuyên liên lạc với Viện vật lý địa cầu và cơ quan này cũng đang tiếp tục nghiên cứu về tình hình động đất xảy ra trên địa bàn huyện Bắc Trà My. 

Về phía Công ty thủy điện Sông Tranh, trước, trong và sau mỗi trận động đất, chúng tôi thường xuyên quan trắc, kiểm tra vận hành hồ đập 24/24 giờ. Duy trì đầy đủ đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật trực kiểm soát an toàn hồ đập cũng như lượng nước thấm qua đập. Sau khi động đất xảy ra, chúng tôi khẩn trương lấy số liệu từ các máy đo tại đập gửi về Viện Vật lý địa cầu để nghiên cứu và có phúc đáp với các cơ quan chức năng về mức độ và ảnh hưởng của động đất. Mặt khác sau khi động đất, chúng tôi kiểm tra ngay điều kiện làm việc từ đập ngăn nước cho đến thiết bị cũng như lưu lượng nước thấm qua thân đập để báo các với các cơ quan có chức năng.

Theo ông Lân, cho đến thời điểm hiện tại, các trận dư chấn trên lưu vực hồ thủy điện Sông Tranh đều nằm trong giới hạn đã được thiết kế kỹ thuật tính toán trước đây cũng như tính toán của cơ quan chức năng. Ngoài kiểm tra thiết bị, an toàn hồ đập, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương đến các thôn bản để kiểm tra về mức độ thiệt hại do động đất gây ra đối với đồng bào trong khu vực để có sự hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đến thời điểm này, các dư chấn vừa qua đều là những dư chấn nhỏ, nằm trong giới hạn cho phép và cũng chưa có ảnh hưởng gì lớn đến nhà cửa, cũng như đời sống và sản xuất của đồng bào.

Nguyên nhân của các trận động đất cũng như mức độ ảnh hưởng của nó đối với công trình thủy điện Sông Tranh đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Điều này cũng có nghĩa là người dân nơi đây vẫn phải tiếp tục “sống chung với động đất”.

Đoàn Hữu Trung - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm