TS Đặng Hoàng Giang: Không thể ngồi một chỗ đợi người kiệt xuất

14/02/2016 08:24 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - TS Đặng Hoàng Giang là trí thức Việt có tầm ảnh hưởng trong năm qua. Sau 20 năm ở châu Âu, anh về Việt Nam sống, thú nhận khi đó còn “hiểu rất ít về xã hội Việt Nam”. Nhiều năm sau, anh nổi lên như một cây bút bình luận xã hội sắc sảo, góc cạnh, xoáy sâu vào bản chất xã hội Việt Nam - cái anh muốn góp phần làm tốt đẹp hơn.

Đặng Hoàng Giang rời Việt Nam sang châu Âu sau khi tốt nghiệp phổ thông. Điểm đến đầu tiên là Đông Đức. Vào năm 1989, trước khi bức tường Berlin đổ, anh bước vào “cuộc phiêu lưu” khi vượt biên tị nạn sang Áo rồi định cư 14 năm. Năm qua, Đặng Hoàng Giang ra mắt cuốn Bức xúc không làm ta vô can.

* Cuối năm 2015, người ta rộ lên tranh cãi chuyện “Người Việt ra nước ngoài, nên về hay nên ở?”. Điều này có từng là nỗi băn khoăn của anh?

- Nó đã từng là nỗi băn khoăn lớn của tôi. Khi mới sang Áo sống, tôi vô cùng say mê và hứng khởi. Thời gian đầu, tôi hấp thụ mọi thứ của phương Tây như một miếng bọt biển hút nước. Tôi học được rất nhiều, đi lại nhiều, hiểu biết thêm rất nhiều. Đó là một khoảng thời gian vô cùng quan trọng với tôi.

Nhưng sau đó, sức hấp dẫn dần giảm đi. Những cái mới và lạ không còn mới và lạ nữa. Tôi thấy bồn chồn và bắt đầu hướng sự quan tâm của mình về châu Á. Tôi mong muốn quay về xứ sở nhiệt đới ấm áp, với những cơn mưa mùa hè, thiên nhiên trù phú. Tôi không coi cuộc sống bình ổn ở nước Áo là mục tiêu lớn nhất của mình.

Trong quá trình tìm kiếm một tương lai mới, một văn hóa mới, Việt Nam trở thành một điểm đến, bởi thực ra lúc đi du học tôi chưa biết nhiều về Việt Nam. Vì vậy, trở lại Việt Nam vừa là tìm về gốc rễ của mình, vừa là đến một thế giới mới tôi muốn khám phá. Hơn thế, Việt Nam lúc đó đang có những chuyển mình sôi động, chứ không đứng yên như châu Âu.


Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang

* Vốn là kỹ sư tin học, anh đã chuyển sang công việc xã hội như thế nào?

- Sau khi về Việt Nam được một số năm, tôi bỏ công việc trong lĩnh vực công nghệ phần mềm. Tôi quanh quẩn ở nhà một năm để đọc và suy nghĩ. Tôi không còn hứng thú với công việc trước đó dù nó rất ổn: có chức vụ và uy tín, lương cao, môi trường công ty nước ngoài văn minh, đồng nghiệp giỏi, ban ngày họp hành xuyên quốc gia trên mạng, buổi tối tiếp khách ở khách sạn 5 sao...

Ở Việt Nam có lẽ chưa xảy ra nhiều, nhưng ở nước ngoài, khá nhiều người “tách ra ngoài” từ 6 tháng tới vài năm để tái định nghĩa bản thân, để tự hỏi mình muốn gì. Tất nhiên, không gì bảo đảm cho sự an toàn của bước ngoặt. Thay đổi luôn đem lại rủi ro. Sau một năm, tôi mới dần dần tìm ra hướng mình muốn đi tiếp và theo đuổi công việc xã hội trong lĩnh vực phi chính phủ hiện nay.

* Là người hoạt động xã hội nhưng anh không hướng đến việc trở thành một hot facebooker (nhân vật nổi tiếng trên facebook). Khi có một chủ đề nóng, anh thường không lập ngôn cho kịp dòng thời sự, mà chỉ đặt câu hỏi để thu thập ý kiến của người dùng. Vì sao?

- Trước các sự kiện nóng, tôi muốn giữ một khoảng cách nhất định để lắng nghe, tìm hiểu thêm các thông tin xung quanh. Tôi muốn dành thời gian cho những bài viết sâu hơn, thay vì đưa ra một bình luận ngắn ngủi tức thì.

Internet đang khiến người ta có thói quen đọc rất ngắn và viết rất ngắn, mất kiên nhẫn đọc những bài phức tạp hơn. Báo điện tử sợ mất view khi đăng các bài dài. Đây là một điều đáng tiếc, và tôi viết các phân tích dài hơn như để đi ngược với trào lưu này.


Bìa cuốn “Bức xúc không làm ta vô can”

* Nhiều người viết những cái đám đông muốn đọc chứ không hẳn là suy nghĩ thực của bản thân. Còn anh?

- Mỗi người có một lựa chọn khác nhau, riêng tôi muốn viết ra cái mình tin chứ không phải cái đám đông muốn nghe. Khi viết, tôi chưa bao giờ để những câu hỏi như “Mình nên viết thế nào để có nhiều người đọc, để được tán thưởng?” làm vướng bận. Nguy cơ đó có thể xảy ra trong vô thức nhưng tôi cố gắng chống lại nó một cách có ý thức.

* Xuyên suốt các tiểu luận của anh, đặc biệt là bài “Vẻ đẹp của người chạy marathon về chót”, anh nhấn mạnh sự đóng góp từng cá nhân bình thường trong việc thay đổi xã hội chứ không phải các “siêu nhân”.

- Tôi nghĩ không có cách nào khác. Đợi tới bao giờ cho tới khi người kiệt xuất xuất hiện? Không có những người âm thầm dọn đường, người kiệt xuất có trở nên kiệt xuất được hay không? Không, chúng ta không thể ngồi đợi, đừng dựa dẫm vào một ai, hãy làm điều mình nghĩ là đúng. Đó là bổn phận cá nhân của ta. Hơn nữa, mong chờ một siêu nhân sống hộ cuộc đời của mình thì còn ý nghĩa gì nữa?

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức, và bảo vệ học vị tiến sĩ kinh tế phát triển tại Đại học Công nghệ Vienna, Áo.
 
Hiện, anh là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Các nghiên cứu và vận động chính sách của anh nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia. Anh mở rộng không gian xã hội dân sự, truyền bá tri thức, khuyến khích tư duy phản biện và xây dựng văn hóa tranh luận.

Các bình luận xã hội của anh xuất phát từ các hiện tượng văn hóa, xã hội đương đại để chỉ ra những vấn đề liên quan đến bình đẳng, công lý và tương quan quyền lực trong xã hội.

Mi Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm