Truyền thông và Flappy Bird: Không ném chuột, chỉ đập bình

12/02/2014 09:08 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Ngay từ khi trò chơi Flappy Bird gây sốt trên toàn thế giới, hàng loạt trang mạng trong nước không tiếc lời chê bai từ hình thức cho đến cách chơi… dù thực tế đã chứng minh sự cuốn hút của Flappy Bird.

Có một điều lạ mà ít giáo trình truyền thông nào có thể cắt nghĩa, trên các trang mạng, con số bài viết về Flappy Bird và tác giả Hà Đông lên đến hàng triệu, kể cả khi Nguyễn Hà Đông chưa hề xuất hiện trả lời câu hỏi nào của báo chí trong nước.

Người ta cứ nói, cứ tranh cãi, cứ giả thiết, đặt vấn đề, giải quyết vấn đề do mình nghĩ ra… và hoàn toàn không cần biết “đương sự” nghĩ gì, làm gì.

Và rồi, người ta phán rằng Flappy Bird “đạo ý tưởng”, “ăn cắp hình ảnh”, “thuổng đồ họa” từ trò chơi khác. Mặc cho tác giả đã nói trên trang cá nhân rằng Flappy Bird là trò chơi mình tự viết, không sao chép ở bất cứ đâu.

Tiếp đó, họ lại ngồi tính toán với các chuyên gia về khoản thu nhập “khủng” tính bằng tỷ đồng mỗi ngày và khẳng định anh sẽ bị truy thu thuế.

Không ngừng ở phán xét, họ đẩy sự việc đến các diễn biến ở mức cao trào hơn. Một số trang “nhảy vào mồm” cơ quan thuế khẳng định về số thuế khổng lồ, mức thu, cách thức thu thuế thu nhập. Họ cũng không quên phát ngôn cho hãng game khổng lồ Nintendo rằng họ sẽ “kiện” Hà Đông vì… vi phạm bản quyền.

Trong khi các bên im lặng.

2. Đến khi Nguyễn Hà Đông quyết định gỡ bỏ trò chơi Fapply Bird, đến khi chính Nintendo khẳng định hãng này không kiện Nguyễn Hà Đông vì anh không vi phạm bản quyền. Các trang mạng vô can?

Liệu những trang mạng kia có góp phần tạo áp lực cho tác giả trẻ, khiến không ít người có đam mê sáng tạo cảm thấy sợ hãi. Hãy nghe câu trả lời của Hà Đông: “Có thể nói Flappy Bird là một thành công của tôi, nhưng nó cũng hủy hoại cuộc sống của tôi, nên giờ tôi thấy căm ghét nó”. Với cách hành xử của truyền thông và một bộ phận dư luận như thế, ở xã hội này, ai có đủ sức “vượt qua sợ hãi” để sáng tạo?

Và cho đến ngày hôm qua đã có lời xin lỗi, tác giả Stephen Totilo đã viết trên Kotaku.com, trang web uy tín bậc nhất đối với giới game để xin lỗi Hà Đông, bởi chính bài viết trên Kotaku đã góp phần châm ngòi cho những mũi dùi nhắm vào Hà Đông.

“Có thể sự công kích nặng nề nhắm vào anh một phần do chính bài viết trên trang web của tôi, khi nói Flappy Bird “thuổng” từ trò Super Mario… Và tôi nghĩ chúng tôi nợ Nguyễn Hà Đông một lời xin lỗi. Và tôi xin lỗi nếu những gì chúng tôi viết ra đã góp phần tạo nên sự nhục mạ mà anh phải nhận”.

Một lời xin lỗi thẳng thắn và văn minh.

Liệu chúng ta có thể hy vọng, trang mạng nào đó trong nước cất tiếng xin lỗi Hà Đông, như cách hành xử văn minh trên. Sẽ rất khó bởi họ chỉ là một trong hàng vạn cái loa quy kết anh ăn cắp và trốn thuế.

Tục ngữ có câu “ném chuột vỡ bình” nhưng ở đây, không có con chuột nào để ném mà truyền thông đã tìm được một cái bình quý để đập vỡ tan.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm