Công bố 5 kỷ lục của Truyện Kiều

16/09/2012 08:06 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820) qua hàng trăm năm được đón nhận như một kiệt tác của dân tộc. Nhân 192 năm ngày cụ Tiên Điền qua đời (16/9/1820 - 2012), sau thời gian nghiên cứu, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam vừa công bố 5 kỷ lục của Truyện Kiều.

Bức tranh Trơ như đá vững như đồng của họa sĩ Ngọc Mai vẽ cảnh Từ Hải chết đứng.

Xưa nay, Truyện Kiều đã lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu khi đã neo vào trí nhớ dân gian qua bao biến thiên cuộc đời, học giả Phạm Quỳnh từng nhận định: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn”.

Truyện Kiều chính là nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ sĩ thế hệ sau vẽ tranh, sáng tác nhạc, làm thơ, viết truyện. Thế nhưng, đây là lần đầu tiên, Truyện Kiều “chính thức” được công nhận cùng lúc 5 Kỷ lục Việt Nam - tuy chưa thể nói hết giá trị của danh tác này, nhưng cũng là dịp để chúng ta thêm một lần nữa nhìn lại Truyện Kiều.

Những kỷ lục từng “ăn theo” Truyện Kiều

Trước đây, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã xác lập nhiều kỷ lục do những người đang sống hiện nay thực hiện lấy cảm hứng từ Truyện Kiều. Đó là các kỷ lục: Tác giả có nhiều sách viết về Truyện Kiều nhất xác lập vào ngày 2/2/2005 cho nhà nghiên cứu Truyện Kiều Phạm Đan Quế; Người sở hữu cuốn sách dài nhất - “Kim Vân Kiều” cho kỷ lục gia Ngô Trần Hải An xác lập ngày 2/2/2005; Quyển Truyện Kiều thư pháp nặng nhất cho nhà thư pháp Nguyệt Đình vào ngày 14/8/2005; Người viết Truyện Kiều trên đá cuội đầu tiên ở VN cho kỷ lục gia Nguyễn Văn Tân xác lập ngày 11/6/2008; Bản hợp xướng viết dựa theo Truyện Kiều dài nhất cho nhạc sĩ Vũ Đình Ân vào ngày 8/9/2008); Người vẽ tranh lụa về Truyện Kiều đầy đủ và nhiều tranh nhất cho họa sĩ Ngọc Mai vào ngày 30/10/2011…

Riêng vở cải lương Kim Vân Kiều đình đám một thời đã xác lập rất nhiều kỷ lục Việt Nam, như: “Kim Vân Kiều” - Vở cải lương đầu tiên có giá trị đầu tư cao nhất và “Kim Vân Kiều” - Vở cải lương tập trung nghệ sĩ diễn xuất nhiều nhất cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang; Đạo diễn lần đầu tiên sáng tạo kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật vào trong một vở cải lương có đội ngũ diễn viên tham gia đông nhất cho đạo diễn Hoa Hạ ; “Kim Vân Kiều” - Vở cải lương có số lượng phục trang nhiều nhất thiết kế cho từng nhân vật cho nhà thiết kế Sĩ Hoàng; “Kim Vân Kiều” - Vở cải lương có kết cấu sân khấu lớn nhất cho kiến trúc sư Nguyễn Minh Tuấn; Dàn nhạc trong vở cải lương có nhiều nhạc công nổi tiếng nhất cho nhạc sĩ Trần Vương Thạch và NSƯT Thanh Hải vào ngày 22/2/2007.

Và kỷ lục của chính Truyện Kiều

Vào ngày 16/9 tới đây, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức xác lập 5 kỷ lục Việt Nam về Truyện Kiều và sẽ được trao cho đơn vị sở hữu là Bảo tàng Nguyễn Du - tỉnh Hà Tĩnh. Những kỷ lục đó gồm:

Truyện Kiều - Thi phẩm duy nhất được chắp nhặt những câu thơ thành nhiều bài thơ mới. Theo Trung tâm sách Kỷ lục VN lý giải, thì: “Truyện Kiều là thi phẩm duy nhất có được hiện tượng chắp nhặt những câu thơ ở các chỗ khác nhau để thành nhiều bài thơ mới, gọi là hiện tượng Tập Kiều, đã thu hút thi sĩ văn nhân nhiều thế hệ tham gia từ thời Vua Tự Đức (1847) đến Phan Mạnh Danh, Tản Đà, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính, Hoàng Trung Thông… với hàng trăm thi phẩm đủ loại từ lục bát, ngũ ngôn, tứ tự, thất ngôn, đến văn tế, hoặc Tập Kiều để dịch Hán thi…

Như vậy, Truyện Kiều đã chuyển vào đời sống văn hóa một hình thái hoạt động văn chương mới (chưa có trước đó) và tồn tại (sau đó) qua hàng thế kỷ. Đó là hiện tượng cần ghi nhận đậm nét không chỉ trong lịch sử văn học nước ta, và cả trên văn đàn thế giới.

Cơ sở để minh chứng điều này là quyển Tập Kiều - một thú chơi tao nhã (1994) đã được tái bản tới 5 lần và về sau với nhan đề Thú chơi tập Kiều.



Truyện Kiều làm nảy sinh ra thú chơi "Tập Kiều"

Truyện Kiều - Thi phẩm dài có nhiều bản dịch nhất ra cùng một ngoại ngữ: Có tới 10 bản dịch khác nhau ra tiếng Pháp thành thơ tự do, thể Alexandrins (thơ 12 chân) hoặc văn xuôi, từ Abel des Michels (2 tập) in tại Paris 1884 - 1885 đến bản Thu Giang (Paris 1915), René Crayssac và Léon Masse (Hà Nội 1926), hoặc bản của học giả Nguyễn Văn Vĩnh thực hiện trong 28 năm (Hà Nội 1942) và của Nguyễn Khắc Viện, Xuân Phúc - Xuân Việt, Lê Cao Phan, Lưu Hoài…

Truyện Kiều - Thi phẩm có nhiều người viết phần tiếp theo nhất: Đặc điểm là tất cả đều viết bằng thơ, trong đó xưa nhất có Đào Hoa Mộng ký của Mộng Liên Đình với khoảng 3.000 câu lục bát, Đào Hoa Mộng ký diễn ca của Hà Đạm Hiên với 1.190 câu lục bát (Hà Nội, 1917), Đoạn trường vô thanh của Phạm Thiên Thư với 3.296 câu (Sài Gòn, 1972)… Những tác phẩm “phái sinh” của Truyện Kiều đều đã được in trong Lục bát hậu Truyện Kiều, giới thiệu khá kỹ cả 7 quyển Hậu Kiều này.

Truyện Kiều - Thi phẩm duy nhất đọc ngược từ cuối lên đầu về cuộc đời nàng Kiều theo chiều thời gian ngược: Điều thú vị của Truyện Kiều là người ta có thể đọc ngược từ cuối lên đến đầu câu chuyện về nàng Kiều (đúng như nội dung trong tác phẩm của Nguyễn Du) diễn ra theo chiều của thời gian ngược lại như ta được xem một cuốn phim “tua” ngược chiều. Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế đã làm một việc khá kỳ công là gỡ ra và sắp xếp lại toàn bộ các câu thơ trong truyện theo cách “tập Kiều” với cả 3.254 câu Kiều để có cuốn Truyện Kiều đọc ngược mà nội dung vẫn logic.

Truyện Kiều - Thi phẩm duy nhất tạo ra loại hình văn hóa Kiều: Truyện Kiều là thi phẩm duy nhất tạo ra quanh nó cả một loạt những loại hình văn hóa - gọi là văn hóa Kiều - với các hình thức thật phong phú như: bình Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, tập Kiều, đố Kiều, câu đối Kiều, hát nói tập Kiều, phú - văn tế Kiều, án Kim Vân Kiều, giai thoại quanh Truyện Kiều

Thanh Kiều

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm