Chuyên nghiệp điện ảnh Việt: Từ trường quay, hay từ rạp chiếu?

18/07/2008 10:14 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Hôm qua (17/7), tại HN, Cục Điện ảnh đã tổ chức cuộc hội thảo “Nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong sản xuất, phổ biến phim”. Nhiều đạo diễn, nhà sản xuất đã đưa ra những kiến nghị táo bạo: đánh thuế phim ngoại, bỏ chế độ duyệt phim (thay vào đó là phân loại phim), hay thành lập Tập đoàn Phát hành phim VN…

* Bùi Thạc Chuyên từng dùng lái xe làm... trợ lý sản xuất!

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên “đau buồn” kể lại kinh nghiệm “xương máu”: “Năm 2005, khi tôi làm phim Sống trong sợ hãi, tôi đã phải dùng một người làm ánh sáng để cầm sào thu thanh, dùng một đạo diễn mới ra trường làm thư ký, dùng một sinh viên quay phim làm kỹ thuật hình và một sinh viên quay phim khác làm nhiếp ảnh, dùng lái xe để làm trợ lý sản xuất... Tôi biết tình trạng đó diễn ra ở các đoàn làm phim khác nữa.
Cảnh trong phim Sống trong sợ hãi
 
Nếu anh là đạo diễn, anh nên am hiểu tất cả mọi công đoạn của làm phim để có thể hướng dẫn cho những người anh cộng tác, và nếu không tìm được người thì anh phải tự làm lấy công việc đó. Tôi đã phải tự làm kế hoạch quay và tổng kết bối cảnh diễn viên vì không tìm được trợ lý đạo diễn, tôi đã phải tự dựng lấy bộ phim vì không có người dựng phim... còn nhiều việc nữa tôi cũng phải tự làm. Và tôi phải thừa nhận rằng, trong nhiều trường hợp, tôi đã tự làm hỏng bộ phim của mình vì tôi không phải là chuyên nghiệp, tôi cũng là một thằng nghiệp dư trong công việc đó…”.

Đạo diễn họ Bùi cũng nhấn mạnh: “Nếu tiếp tục kéo dài như thế này, trong tương lai sẽ không còn ai là người chuyên nghiệp trong ngành điện ảnh Việt Nam!”. Theo anh, trong cơ chế thị trường hiện nay, để điện ảnh Việt chuyên nghiệp thì trước hết là phát triển thị trường điện ảnh trong nước, khuyến khích đầu tư vào phát hành phim, xây rạp chiếu phim để rồi đánh thuế trên tiền bán vé phim ngoại để đầu tư cho phim nội, áp dụng chế độ hạn ngạch khuyến khích phát hành phim nội. Ngoài ra, thay vì duyệt phim như hiện nay, cơ quan quản lý có thể phân loại phim.

* Tập đoàn phát hành phim VN – tại sao không?

Nghệ sĩ Phước Sang
Trong khi đó, GĐ Phước Sang cho rằng, điện ảnh không thể chuyên nghiệp nếu không có một hệ thống rạp chiếu đủ điều kiện phục vụ nhu cầu thưởng thức của khán giả. Phước Sang đề nghị Bộ VH-TT&DL xây dựng đề án đầu tư chiến lược để hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa hệ thống phát hành và phổ biến phim trên phạm vi toàn quốc, có điều kiện để ưu tiên chiếu phim VN. Thậm chí, anh còn cho rằng, đã đến lúc cần thiết phải phát triển thương hiệu Fafilm VN thành Tập đoàn phát hành phim Việt Nam.

“Tại sao chúng ta có Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn Dầu khí, Cao su… mà lại không thể hình thành một Tập đoàn Phát hành phim với một chuỗi hệ thống rạp liên hoàn các tỉnh, thành phố. Với sức vóc của tập đoàn kinh tế, các nhà phát hành phim VN mới có đủ sức mạnh tổng hợp và uy tín để tập hợp nhiều nguồn lực xã hội, mời gọi mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện ảnh VN” – anh nói thêm.

Trên thực tế, không ít lần, báo chí phản ánh về thực trạng hệ thống rạp chiếu phim. Đó là hệ thống cơ sở vật chất nghèo nàn, không đủ sức cạnh tranh với các rạp mới xây dựng với 100% vốn nước ngoài. Đấy là chưa kể đến thực tế, hiện nay, có đến ¾ số rạp chiếu phim (hầu hết nằm ở những vị trí đẹp tại các thành phố lớn) đã chuyển công năng, “được” các đơn vị chủ quản biến thành bãi đỗ xe, quán bia, nhà hàng… Một điều dễ nhận thấy, sản xuất phim hay mà không có hệ thống rạp chiếu là điều khập khiễng! Đấy là cái lý của Phước Sang.

Thu Hằng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm