07/04/2013 06:07 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - “Em thích đọc sách về tin học, chính trị, xã hội và khoa học”; “em không đọc truyện tranh vì mẹ bảo truyện tranh là con sâu đục phá tâm hồn”… là những phát ngôn khiến Đỗ Nhật Nam phải nhận những lời chỉ trích gay gắt từ phía cộng đồng mạng những ngày qua.
1. Nhiều người bảo Nam bị "chín ép", bị "cướp mất tuổi thơ" hay vĩ mô hơn "là sản phẩm của giáo dục nhồi nhét"… Dễ thông cảm, những năm dài “bịt mắt bắt dê đâu cũng đụng thần đồng; mở mắt… bóng nhân tài thất thểu” đã rèn cho con người phản xạ nghi ngờ trước bất cứ thứ gì nổi trội.
Song cậu bé Đỗ Nhật Nam thực sự là điều đặc biệt: 7 tuổi, em đạt điểm tuyệt đối Starters, Movers của ĐH Cambridge, 6.5/9.0 IELTS, 940/990 TOEIC; diễn thuyết tiếng Anh tới độ hiệu trưởng trường Washington International School (Hoa Kỳ) nhận định: “Một bộ óc tuyệt vời trong một cậu bé đáng yêu”. Nam cũng là dịch giả, tác giả của nhiều cuốn sách thiếu nhi.
Ngoài ra, Nam còn là MC, “ca sĩ nhí”, “giáo viên” dạy tiếng Anh cho các bạn nhỏ đang điều trị tại khoa ung bướu Bệnh viện Nhi Trung ương. Năm 2007, em còn kêu gọi được hơn 3 triệu đồng từ các bạn học sinh trong trường để ủng hộ những bạn có người thân gặp nạn trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Điều đó chứng tỏ, Nam không phải là “thằng mọt sách” với những lý thuyết suông.
Tất nhiên, tôi không muốn gọi em là thần đồng. Song phải khẳng định, Nam là một sự khác biệt. Một sự khác biệt đáng trân trọng và tự hào.
2. Nhưng sẽ chẳng nhiều người quan tâm nếu Nam chỉ giỏi ngoại ngữ, hùng biện, thích đọc sách và làm từ thiện. Người ta thích scandal. Và một em bé trả lời tự tin khác thường, cùng phát ngôn đi ngược lại đám đông bỗng chốc nổi tiếng bất đắc dĩ.
Ngoài tác phong tự tin, có hai câu nói khiến Nam bị “ném đá”: “Mẹ em bảo truyện tranh là con sâu đục phá tâm hồn” và “Em thích đọc sách về tin học, chính trị, xã hội và khoa học”.
Về câu nói thứ nhất, nhiều người say mê truyện tranh đã quên mất rằng dù có thông minh tới đâu, Nam mới chỉ là đứa trẻ 11 tuổi. Em hồn nhiên thể hiện quan điểm của mình. Và trích cả nguồn: “mẹ em bảo”.
Về câu nói thứ hai, những người chỉ trích em đang chịu những thiên kiến nặng nề với cụm từ: “trẻ em phải…” và “tuổi thơ phải được…”. Nhưng có một đứa trẻ thích đọc sách, muốn gắn tuổi thơ mình với “sách về tin học, chính trị, xã hội và khoa học” thì có gì sai?
Và có đáng không khi đám đông lao vào mổ xẻ, “xâu xé” câu nói của một cậu bé 11 tuổi? Rồi vẽ hình chế, làm clip chế để bêu riếu em?
Đấy là những hành động bất nhẫn bởi những đứa trẻ (dù có thông minh tới đâu) cũng khó có đủ sự từng trải để vượt qua thị phi dư luận. Trong khi đó, cuộc đời em tất cả mới chỉ bắt đầu.
3. Để kết thúc bài viết này, tôi xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện mà Daniel Defoe “quên” khi viết Robinson Crusoe: Năm ấy, hạn hán kéo dài, Robinson ốm nặng. Quanh hòn đảo hoang, cây cối khô khốc, nguồn nước cạn kiệt. Dốc hết sức bình sinh, Robinson đi tới hang động xa nhất của đảo, nơi ông chưa từng tới để tìm nước.
Vào cửa hang được độ chục bước, Robinson chợt đứng sững. Hàng trăm mũi giáo nhọn hoắt chĩa vào ông.
“Đồ quái vật! Đồ dị hình!”- đám thổ dân nhao nhao đòi xả thịt Robinson.
Thảng thốt, ông quay ra nhìn khắp lượt đám đông để tìm sự ủng hộ. Hai con mắt sáng quắc của Robinson trân trân nhìn vào những gương mặt của bầy người trong hang. Ông tuyệt vọng hiểu ra tại sao mình bị coi là “quái vật”.
Những người trong hang đều chỉ có một mắt.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất