Vấn đề Super League: Chuyên nghiệp khó thế sao...

16/01/2012 10:27 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Giải chuyên nghiệp chúng ta đã bước sang năm 12, mọi thứ vẫn ngổn ngang như một công trình tốc độ rùa bò dù không biết bao nhiêu tiền của đổ vào đó. Đấy là nghịch lý quá đau lòng.

Nhìn từ Vinh

Cuối cùng, những người yêu bóng đá chân chính đã phải hài lòng về cuộc đại chiến giữa HN.T&T và SLNA trên sân Vinh chiều qua. Trước và trong trận đấu đã khiến cho người xem, cầu thủ lẫn BHL 2 bên đều được trải nghiệm những giây phút đúng nghĩa của thể thao vua. Chỉ 90 phút thôi, chúng ta thấy đó là bóng dáng của bóng đá chuyên nghiệp. Trên khán đài đầy ắp khán giả. Cầu thủ 2 bên tập trung đá bóng, tôn trọng tuyệt đối BHL và khao khát chiến thắng mãnh liệt. Diễn biến trên sân như một bộ phim hành động. Tỷ số 2-2 với bàn thắng gỡ hòa phút bù giờ cuối cùng của đội khách, dù làm buồn lòng xứ Nghệ, nhưng đấy là một cái kết hợp lý.

Một câu hỏi đặt ra: chúng ta có bao nhiêu trận đấu chất lượng cao như thế ở mỗi mùa giải? Không có thống kê chính thức nhưng chắc chắn là ít, rất ít. Đấy là nghịch lý, bởi không ít đội bóng lực lượng chẳng thua kém gì SLNA hay HN.T&T.

Đến đây, có thể thấy rõ hơn một vấn đề: muốn phát triển bóng đá chuyên nghiệp, trước hết ý thức chuyên nghiệp của cầu thủ, CLB mới là yếu tố cốt tử. Cũng không ít đội bóng ít ngôi sao nhưng vẫn rất khó đả bại. Đơn giản, vì vào sân họ đồng lòng, tập trung đá bóng. Một tập thể mạnh nhưng không có được điều đó, thì dù có thay tướng liên tục, bơm tiền như nước cũng khó vượt được giới hạn. Trớ trêu, đây là tình trạng phổ biến với các CLB ở ta.

Bóng đá sẽ không bao giờ phát triển, một khi các CLB quên đi nhiệm vụ chính trị-phục vụ khán giả. Có khán giả, khó khăn mấy rồi cũng vượt qua. Muốn khán giả thương, chung thủy, thì phải đá sao cho dân thương. Đội nào cũng tập trung đá bóng, làm được công tác giáo dục tư tưởng cho cầu thủ nâng cao ý thức chuyên nghiệp  thì  chắc chắn chất lượng chuyên môn sẽ cao, khán giả sẽ tự đến sân và lo gì bản quyền truyền hình không bán được, tiền tài trợ không tăng lên. Nên nhớ, đấy là những nguồn thu chính của một CLB bóng đá chuyên nghiệp đích thực.


TT Vũ Bảo Linh (giữa) chưa dám ra về vì cơn cuồng nộ của CĐV SLNA
sau trận SLNA-HN.T&T. Ảnh: VSI

Ai cho tôi lương thiện?

Dĩ nhiên, môi trường (CLB và giải đấu)  sẽ quyết định đến sự phát triển ý thức của những người đang hoạt động bóng đá. Không ít cầu thủ nước ngoài mới đến rất tốt, nhiều  tài năng chưa đến tuổi chuyển nhượng tư cách ổn, nhưng sau khi có chút thành tựu đổ đốn đến khó tin như thế.

Câu trả lời có lẽ được ủng hộ nhất vẫn là do môi trường bóng đá ta còn nghiệp dư quá. Dường như BTC chưa bao giờ tạo được một sân chơi trong sạch, công bằng, trước hết từ người của họ.

Cho đến giờ phút này, tất cả các thành viên tham dự giải đều đang trong tình trạng bất an, đầy những nỗi lo mơ hồ. VPF trên con đường thiên lý lấy lại niềm tin người hâm mộ, xây dựng hình ảnh bóng đá chuyên nghiệp, thì họ cần phải giải quyết một cách quyết liệt  nhiều rào cản cố hữu. Hay nói cách khác là dám cắt bỏ những “ung nhọt” mà bóng đá bao cấp để lại, trả lại môi trường trong lành để các đội bóng làm “người lương thiện”.

Nhức nhối  nhất vẫn là vấn nạn trọng tài. Chỉ vòng 3 thôi, quá nhiều sân kêu trời vì trọng tài. Hôm qua, nghĩa là sau một ngày bị trọng tài Bùi Quang Thông xử ép, giọng HLV Hoàng Anh Tuấn của K.KH nghẹn mãi trong điện thoại vì phẫn uất. HLV Nguyễn Thành Vinh từng “tức muốn hộc máu mà chết vì trọng tài  tâm địa đen tối”. Bầu Long bỏ bóng đá, bầu Trường cũng từng tính chuyện nghỉ chơi vì sợ có ngày trọng tài làm cho đột tử.

Điều đáng nói là theo tường thuật của các cầu thủ SQC.BĐ, sau khi trọng tài Phi Long rút thẻ vàng thứ 2 đuổi A Huỳnh ra khỏi sân (thua ĐT.LA) thì TT này còn châm chọc thêm: “Số mày xui rồi, ngày mai đi đánh số đề đi”. Trọng tài Bùi Quang Thông bị tố cáo là đã dùng lời lẽ không hay, chửi đội trưởng K.KH Lê Tấn Tài: “Mày thích bị đuổi ra khỏi sân không tao cho mày ra”?

Tất nhiên vẫn phải kiểm chứng thực hư, cầu thủ cũng đâu vừa, nhưng cảnh trọng tài dùng ngôn ngữ chợ búa với cầu thủ đã xảy ra nhiều, đến mức phải đưa vào nội dung chấn chỉnh trong một đợt tập huấn giữa mùa.

Cơ sở đâu để trọng tài sử dụng ngôn ngữ như vậy, nếu không phải là họ tự phong mình quyền sinh quyền sát theo kiểu yêu-ghét.

Rất có thể, mùa này nếu xảy ra biến cố lớn, theo dự cảm của chúng tôi vẫn bắt đầu từ công tác trọng tài. Chưa nâng cấp được vấn đề trọng tài, giải khó thoát được cái áo cũ.

Chuyên nghiệp, hay Super League gọi tên thì dễ, công thức trở làm bóng đá chuyên nghiệp cũng không phức tạp, nhưng làm cho ngon lành sao khó thế. Thôi thì cứ chờ và tự động viên theo kiểu Hoàng Ngọc Hiến:  “Cái nước mình nó thế”, bóng đá cũng là tấm gương phản ánh đời sống.

NGỌC HÒA



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm