Ngày hội biếm họa: Ngày hội của tiếng cười

07/04/2014 07:11 GMT+7 | Biếm Họa

(Thethaovanhoa.vn) - Từ 15h đến 20h tại Không gian nghệ thuật đương đại (3A Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP.HCM) đã diễn ra Ngày hội Biếm họa do Báo TT&VH (TTXVN) tổ chức.

Mặc dù có nhiều hoạt động tổ chức ngoài trời, nhưng thời tiết Sài Gòn nắng nóng dường như không cản được những người yêu biếm họa. Và sự sắp xếp chương trình của Ban tổ chức thật khoa học giúp Ngày hội biếm họa thành công, giữ chân đông đảo khách tham dự đến giờ phút cuối.

Tọa đàm sôi nổi

15h15 Lễ cắt băng khai mạc ngày hội được tiến hành tại “hè phố” hình chữ “L” bao bọc 2 mặt của phòng triển lãm, thủ tục ngắn gọn nhưng không kém phần trang trọng diễn ra nhanh chóng và “thông đường” để toàn bộ quan khách vào thưởng lãm phòng tranh gồm 140 bức biếm họa vào Chung kết.

Khá nhiều bạn trẻ là sinh viên thích thú trước những bức tranh biếm phản ánh muôn mặt của đời sống xã hội trong 2 năm qua.

Lễ cắt băng khai mạc ngày hội

Sau khoảng 30 phút thưởng lãm tranh, buổi Tọa đàm biếm họa được tổ chức ngay tại phòng triển lãm do họa sĩ Lý Trực Dũng, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi và họa sĩ Nhốp chủ trì.

Họa sĩ Lý Trực Dũng đã giới thiệu những bức tranh biếm họa báo chí từ quốc tế đến Việt Nam, trong đó có nhiều bức làm “chấn động” dư luận. Phần giới thiệu của họa sĩ Lý Trực Dũng tựa như lịch sử biếm họa của Việt Nam và thế giới, rất nhiều khách tham dự gật gù lắng nghe, như một buổi diễn thuyết về biếm họa đầy hấp dẫn với những những hình ảnh minh họa.

Điều bất ngờ là sau phần giới thiệu đã có rất nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi của người trong giới cũng như khách yêu biếm họa.

Từ những câu hỏi như: Tranh biếm, tranh đả kích, tranh vui cười… đâu là ranh giới để phân biệt chúng?

Họa sĩ Lý Trực Dũng cho rằng tính chất đả kích, phê phán mạnh mẽ cái xấu để tôn vinh cái tốt đó là cơ bản của biếm họa? Hoặc: Tại sao tranh biếm họa Việt Nam có nhiều chú thích hơn tranh biếm của thế giới? cho đến những câu hỏi khó hơn như: Tranh biếm họa Việt Nam hiện nay “bình bình”, lý do tại sao? Biếm họa là trí tuệ, còn báo chí mang tính phổ cập làm thế nào dung hòa hai yếu tố này để có những tác phẩm biếm họa báo chí đặc sắc? Họa sĩ biếm chuyên nghiệp hoặc tay ngang, điều gì là cốt yếu giúp họ thành công? v.v… Tất cả những câu hỏi nêu trên đều được họa sĩ Lý Trực Dũng giải đáp thỏa đáng.

Đặc biệt có câu hỏi không dành cho chủ tọa mà dành cho bà Mã Thanh Cao (Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM) có mặt trong tọa đàm. Khi được hỏi: Tranh biếm họa của giải có xứng đáng vào bảo tàng hay không ? Thật bất ngờ khi bà Mã Thanh Cao cho biết, trong Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM hiện cũng đã có tranh biếm họa, nếu tranh của giải có chất lượng thì nó cũng xứng đáng được đưa vào bảo tàng…

Đến hơn 17h, các ý kiến trao đổi vẫn còn sôi nổi nhưng tọa đàm rất tiếc phải tạm dừng để ngày hội tiếp tục những hoạt động theo kế hoạch.

Lễ trao giải mang tính graffiti

Phía ngoài phòng triển lãm được xem là những không gian sôi nổi của ngày hội. Bức tường lớn làm phông chính của ngày hội là chiếc xe bus “hung thần đường phố” vẽ cách điệu theo phong cách graffiti do nhóm Saigonprojects thực hiện. Bức tường ở lối vào không gian ngày hội là một bức ảnh lớn vẽ bà già bán cơm ở khu “Tây ba-lô” Đề Thám (Sài Gòn), với khuôn mặt phúc hậu thân thiện nổi bật trên nền vành nón lá Việt Nam do một graffiti đến từ nước ngoài thực hiện. Đây cũng là 2 bức tranh tạo không gian đường phố gây ấn tượng đối với khách đến tham dự ngày hội.

Suốt thời gian từ sau lễ khai mạc, ở không gian “đường phố” này tiến hành nhiều hoạt động: khách tự vẽ tranh biếm; các họa sĩ hý họa tranh tặng khách; thi vẽ tranh biếm họa dành cho khách tham dự…

Không khí càng trở nên sôi động với phần biểu diễn của Trường Sa và nhóm nhạc của anh trước và sau lễ trao giải thưởng cuộc thi Biếm họa Báo chí Việt Nam lần 4. Đặc biệt trong thời gian Ban giám khảo chấm giải thi vẽ biếm họa tại chỗ cho khách tham gia, nhóm nhảy hip-hop trên nền nhạc beat-box Destiny Family đã tự nguyện đến và xin BTC biểu diễn đã góp thêm chất “đường phố” trong không gian rất graffiti nói trên.

Lễ trao giải là nội dung quan trọng của Ngày hội Biếm họa, lễ được tiến hành trong không gian với tranh graffiti, nhảy hip-hop, “sân khấu” hè phố cách điệu khá lạ lẫm, nhưng thân thiện, vui vẻ đúng chất của biếm họa.

Sài Gòn đã lên đèn, trời đêm mát dịu, đó cũng là lúc ngày hội kết thúc, mọi người ra về với tâm hồn thư thái, một Ngày hội Biếm họa để lại nhiều ấn tượng…

Kết quả giải thưởng

* Giải Nhất (trị giá 15 triệu đồng kèm theo Cúp Rồng tre)

 - Chùm 03 Tác phẩm: Nụ cười phong bì; Nụ cười Việt Nam 1; Nụ cười Việt Nam 2. Tác giả: HS Vũ Thanh Hiền (bút danh Zĩn)

* Giải Nhì (2 giải Nhì, trị giá 8 triệu đồng/giải):

1. Tác phẩm: Thủ tục. Tác giả: HS Hà Xuân Nồng (bút danh NOP)

2. Tác phẩm: Chỉnh vì không còn… chuẩn. Tác giả: HS Nguyễn Hữu Tâm (bút danh TÊ)

* Giải Ba (2 giải Ba, trị giá 5 triệu đồng/giải):

1. Tác phẩm: Chỉnh trang. Tác giả: HS Trần Hải Nam (bút danh: N9)

2. Tác phẩm: Thiếu sáng. Tác giả: HS Đỗ Anh Dũng (bút danh: DAD)

* Giải Khuyến khích (5 giải, trị giá 2 triệu đồng/giải):

1. Tác phẩm: Phục hồi nụ cười cho công chức. Tác giả: HS Nguyễn Hữu Lộc (bút danh: H.Lộc)

2. Tác phẩm: Đi làm về. Tác giả: HS Văn Thanh

3. Tác phẩm: Niềm đam mê. Tác giả: HS Trần Thanh Tuấn (bút danh: Rồng Đen)

4. Tác phẩm: Cây… cưa. Tác giả: HS Lê Đức Hùng (bút danh: Hùng Dingo)

5. Tác phẩm: Buôn chuyện. Tác giả: HS Nguyễn Đức Trí

* Giải lựa chọn của công chúng (trị giá 3 triệu đồng)

- Tác phẩm: Niềm đam mê. Tác giả: HS Trần Thanh Tuấn (bút danh: Rồng Đen)

* Giải đặc biệt của Hội Nhà báo VN trao cho họa sĩ Văn Thanh.

>>> Chuyên trang: Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam

Bình Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm