Có thể tin những người cầm bút “tuổi 20”

05/09/2010 16:04 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Hôm nay 5/9, Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 4 (do Hội Nhà văn TP.HCM, báo Tuổi trẻ, NXB Trẻ tổ chức) chính thức trao giải và xếp hạng sau hơn một năm vận động. Ông Nguyễn Thế Truật, Phó Giám đốc NXB Trẻ, Trưởng BTC cuộc Vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ 4 đã chia sẻ với bạn đọc TT&VH về những khó khăn khi cuộc thi này diễn ra.

Từng lo cuộc thi… phá sản


Ông Nguyễn Thế Truật

* Được biết, Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 4 gần đến “giờ G” chỉ nhận được vài chục bản thảo dự thi. Trên tư cách Trưởng ban vận động, ông có thấy sốt ruột vì nguy hiểm cuộc thi sẽ “phá sản” đang cận kề?

- Thành công của giải Văn học tuổi 20 lần 4 chính ở sự tin cậy của người viết trẻ vào giải. Đến cuối ngày Chủ nhật 25/4/2010, trước ngày hết hạn nhận tác phẩm dự thi theo thể lệ giải có 5 ngày, chúng tôi mới nhận được 31 tác phẩm. Trong khi cũng giải này lần 1 có 171 tác phẩm tham dự, lần 2 tăng lên 193 tác phẩm, lần 3 tăng lên 205 tác phẩm.

Đáng lo hơn nữa, trong 31 tác phẩm nhận được, ban sơ khảo báo động chất lượng kém xa 3 lần trước. Biên tập viên báo Tuổi trẻ “thở dài” khi tìm kiếm tác phẩm đủ chuẩn, trong số các tác phẩm gửi về sớm, để in giới thiệu trên Tuổi trẻ Cuối tuần, nhằm kích thích người viết dự giải. Chưa kể, nhà văn Trang Hạ, một tác giả thành danh, từng đoạt giải Văn học tuổi 20, vào thời điểm ấy, tiết lộ vừa hoàn tất một tác phẩm ưng ý định dự thi, nhưng giờ chót không thể tham gia dự giải Văn học tuổi 20. Do thể lệ cuộc thi yêu cầu sách dự giải phải chưa in, trong khi có nhà xuất bản sẵn sàng nhận in ngay tác phẩm mới của Trang Hạ. Nếu dự thi, tác giả phải chờ hơn 4 tháng mới biết kết quả. Qua đó, Trang Hạ góp ý chúng tôi, không cần ẩn danh tác phẩm khi dự thi, vì đời sống văn chương đã khác, có thể hiển hiện rõ ràng, nhanh nhất đến với bạn đọc, qua mạng truyền thông. Tất nhiên, chúng tôi lắng nghe điều này, nhưng chỉ có thể điều chỉnh ở giải lần sau.  

* Như vậy là giải Văn học tuổi 20 lần 4 có nguy cơ phá sản thực sự?

- Áp lực lần này, với chúng tôi, là nỗi lo sự phá sản của giải. Do tác phẩm dự thi quá ít, chất lượng lại chưa cao. Đã xuất hiện trong nội bộ những người tổ chức giải, là nghĩ đến phương án kéo dài thời gian nhận tác phẩm thêm 4 tháng, tức là đến cuối tháng 8/2010, cuối năm 2010 sẽ trao giải, nhằm cứu lấy giải này.

* Thế nhưng kế hoạch trao giải vẫn đúng như dự kiến?

- Với niềm tin ở uy tín của giải thưởng từ 3 lần trước, và tin ở người viết trẻ. Chúng tôi đặt cược với thời gian 5 ngày ngắn ngủi cuối cùng của cuộc thi, so với 360 ngày từ khi phát động. Một quyết định quan trọng sau khi hội ý BTC, là vẫn giữ nguyên theo thể lệ giải. Hạn cuối nhận tác phẩm vẫn là 30/4/2010, trao giải vẫn đúng vào dịp Quốc khánh 2/9/2010.

Kết quả, chúng tôi vỡ òa niềm vui, ngay sau khi giữ vững niềm tin. Khi càng gần ngày hết hạn, tác phẩm dự thi ào ạt gởi về. Chung cuộc có 197 tác phẩm dự giải lần này. Ban sơ khảo phải tăng cường người đọc. Đọc khẩn trương, thảo luận kỹ, rồi chọn được 23 tác phẩm vào chung khảo.  

“Có thể hy vọng vào nền văn học hôm nay”

* Về giải lần này, ông có thấy điểm khác biệt nào so với các lần trước?

- Niềm vui lớn nhất của chúng tôi ở giải lần này là tuổi trung bình của các tác giả đoạt giải thấp nhất so với các lần trước. Cụ thể 27,2 tuổi trong khi lần 1 là 28,6, lần 2 là 30,7 và lần 3 là 32,8. Quan trọng hơn, điều chúng tôi trông đợi ở tác giả trẻ là viết về thế hệ của mình, viết về thời hiện tại, viết với hình thức mới, cố thoát ra cách thể hiện cũ, dám thể nghiệm, dám phiêu lưu để tạo ra vóc dáng văn chương riêng ngay trong tác phẩm đầu.

Kết quả, như một thành viên Ban giám khảo, nhà văn Nguyên Ngọc nói khái quát sau khi đọc 23 tác phẩm chung khảo lần này: “Vậy là vẫn có thể hy vọng vào nền văn học hôm nay của chúng ta. Có thể tin những người cầm bút “tuổi 20” đang và sẽ làm nên thời văn học xứng đáng của họ, ở bên ngoài cái ồn vô bổ của các hội hè”.


Hôm nay 5/9, trong những tác phẩm đoạt giải này sẽ giúp tác giả
của nó đội “vương miện” Văn học tuổi 20 lần
* Các giải lần trước đều tìm ra các “nữ hoàng” như Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thị Hồng Hạnh chứ không có “nam vương”. Giải lần này ắt phải khác, ông có thể tiết lộ trước?

- Định mệnh văn chương giải văn học tuổi 20 thường giới nữ chiếm ưu thế. Ba giải nhất, của ba lần giải trước là ba nữ nhà văn. Số tác giả nữ nhận giải thường cao gấp ba lần tác giả nam, cụ thể lần 1 có 6 nữ 2 nam; lần 2 có 8 nữ, 3 nam; lần 3 có 6 nữ 2 nam. Lần này, tương quan là 6 nữ, 3 nam (nam chỉ còn kém có một nửa). Ở giải cao nhất, kỳ này cũng có sự đổi thay.

* Bạn đọc yêu văn chương có thể được đọc những “Nguyễn Ngọc Tư” sau cuộc thi Văn học tuổi 20 lần này không, thưa ông?

- Giá trị của một giải thưởng văn chương là tác phẩm. Giá trị của giải Văn học tuổi 20 bên cạnh tác phẩm, còn là phát hiện những cây bút mới. Ba giải lần trước, kết quả đã góp vào đời sống văn học nhiều tác giả thành danh. Lần này, chúng tôi vẫn trọn niềm tin ấy, vào 9 tác giả đoạt giải thuộc thế hệ 7x, 8x sẽ tự tin, góp tiếp những tác phẩm hay sau giải thưởng này.

Vấn đề giờ đây thuộc về cộng đồng đông đảo người đọc tìm sự đồng cảm, nhận ra những đồng điệu, để đồng hành với các trang văn trên những tác phẩm đoạt giải. Bạn đọc, chính là nguồn cảm hứng của người viết, là bà mẹ nuôi nấng, dõi theo sự trưởng thành từng ngày của nhà văn. Còn chúng tôi chỉ góp một phần khiêm tốn là tạo cơ hội để nhà văn đến với người đọc, tạo cho người đọc có được nhiều tác phẩm đáng đọc.

* Xin cảm ơn ông!

Trạc Tuyền (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm