Nhà báo Trương Anh Ngọc tham gia trào lưu Face art với tranh Michelangelo

07/02/2017 11:29 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Mấy hôm nay, nhiều nghệ sĩ đưa lên Facebook các tác phẩm nghệ thuật, với mục đích là Facebook sẽ tràn ngập các tác phẩm nghệ thuật, thoát khỏi những trào lưu tiêu cực gần đây.

Đây là một xu hướng hay, cần ủng hộ, nhưng theo một hướng cao hơn nữa, là hướng chúng ta đến việc cảm nhận cái đẹp. Đấy chính là một lỗ hổng lớn trong giáo dục hiện nay. Cảm nhận cái đẹp có ích trong việc phát triển tâm lí của trẻ và giúp chúng hướng thiện. Sự trống rỗng trong tâm hồn người trong thời buổi vật chất ngự trị đang dẫn đến sự thoái hóa đạo đức như chúng ta đang thấy.

Mình đưa lên đây bức "Thượng đế tạo ra Adam", là một phần của bức tranh trần trứ danh mà Michelangelo đã dành ra bốn năm của đời mình (1508-1512) để hoàn thiện. Lần nào vào nhà nguyện Sistine của Vatican, mình cũng đứng lặng rất lâu dưới bức tranh lớn này, cũng như bức "Phán xét cuối cùng", được vẽ sau khi bức tranh trần này hoàn thành 22 năm.


Bức "Thượng đế tạo ra Adam"

"Thượng đế tạo ra Adam" dựa vào một câu trong chương đầu của sách Sáng thế kí: "Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta...". Bức tranh mô tả một câu vô cùng quan trọng trong Kinh Cựu ước, "Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật" (Gen 2:7). Nhưng Michelangelo đã không dựa vào câu này trong cách thể hiện việc Thượng đế tạo ra Adam như những nghệ sĩ khác đương thời (Adam, trong tiếng Do thái cổ, có nghĩa là "bụi đất").

Michelangelo đã thể hiện Thượng đế đang bay và giơ ngón tay về phía Adam, lúc ấy vừa được tạo ra và rất yếu ớt, không có tâm hồn. Thượng đế muốn truyền năng lượng sống cho Adam qua ngón tay, khi ngài đang cố gắng vươn người ra cho Adam và hai ngón tay họ chưa chạm nhau.

Cùng với bức "Bữa tiệc cuối cùng" của Leonardo da Vinci, thì "Thượng đế tạo ra Adam" là những bức tranh được sao chép nhiều nhất và cũng đã đi vào văn hóa đại chúng. Bức của Michelangelo cho chúng ta một ví dụ tiêu biểu về hội họa Phục hưng, đồng thời cho thấy sức mạnh của sự tưởng tượng của một nghệ sĩ dựa trên Kinh Thánh.

Nghệ thuật đã kết hợp với tôn giáo theo cách ấy và cùng tồn tại một cách trường tồn. Chỉ có điều, ít ai biết được một chi tiết: các ngón tay này đã được vẽ lại một chút vào năm 1565, một năm sau khi Michelangelo qua đời. Một họa sĩ có tên Domenico Carnevale đã vẽ lại những ngón tay này, sau khi nhà nguyện Sistine bị rung lắc trong một trận động đất trước đó, làm hư hại "ngón tay gốc" của Michelangelo.

Mình đã xem rất nhiều bức tranh liên quan đến Kinh Thánh của nhiều nghệ sĩ khác, nhưng chưa ai để lại ấn tượng sâu sắc với mình như Michelangelo (mình đã thăm mộ ông ở nhà thờ Santa Croce, Firenze). Chính ông cũng là một hiện thân của Thượng đế, người tạo ra những kiệt tác để đời cho nhân loại...

Trương Anh Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm