Trước thềm LHP quốc tế Việt Nam 2010 (Bài 1): Nhìn từ láng giềng

16/10/2010 08:33 GMT+7 | Phim


Trước thềm LHP quốc tế Việt Nam 2010

Sau nhiều năm “nung nấu” và gần hai năm chuẩn bị, LHP quốc tế Việt Nam (VNIFF) lần đầu tiên sẽ khai mạc vào Chủ nhật tuần này, ngày 17/10, tại Hà Nội, có thể xem là một “vĩ thanh” đáng quan tâm của sự kiện Đại lễ ngàn năm.


Kể từ bộ phim đầu tiên do người Việt sản xuất, Kim Vân Kiều vào năm 1924, đến nay điện ảnh Việt đã trải qua nhiều thăng trầm, có thời điểm (cách đây chưa xa) điện ảnh gần như “chết hẳn” trước sự bành trướng của băng hình video. Tuy nhiên, vài năm gần đây, điện ảnh nội, đi cùng với nó là thị trường chiếu bóng, đã trỗi dậy mãnh liệt. Đặc biệt, năm 2010 đời sống văn nghệ trong nước gần như đã “thuộc về" điện ảnh (ca nhạc đã đánh mất vị trí số một này vào tay nghệ thuật thứ bảy). Từ chỗ gần như không thể sản xuất, nay mỗi năm điện ảnh Việt đã có thể cho ra lò gần chục bộ phim nhựa. Từ chỗ bị lép vế, nay, không hiếm phim Việt cạnh tranh trực tiếp ngoài rạp với “bom tấn” Hollywood. Từ một mùa phim Tết duy nhất trong năm, nay rục rịch manh nha những mùa phim khác. Những dự án phim nghệ thuật và cả thương mại dự tranh ở các LHP quốc tế uy tín cũng không còn hiếm. Không còn sớm trước khi bị xem là quá muộn, LHP quốc tế Việt Nam đầu tiên được tổ chức trong sự chờ đợi và kỳ vọng của giới điện ảnh cũng như khán giả cả nước. Trước thềm sự kiện lịch sử này của điện ảnh Việt Nam, hãy cùng TT&VH Cuối tuần nhìn qua một số LHP quốc tế ở các nước lân cận, nhìn lại lịch sử tham gia đấu trường quốc tế của phim Việt và cận cảnh công tác chuẩn bị LHP quốc tế Việt Nam.

* Nhìn từ láng giềng

* Điện ảnh Việt và sân chơi quốc tế

* LHP quốc tế Việt Nam vì nó rất... Việt Nam

Tổ chức chuyên đề: DƯƠNG VÂN ANH


(TT&VH Cuối tuần) - Người Thái dù khá bận rộn với những chuyện nhà cửa bếp núc nhưng mỗi năm vẫn 4 lần mở cửa mời khách dự LHP quốc tế, mà là mời trang trọng và làm đâu ra đó. Ngược đường chim bay một chút, người Singapore dù có nền điện ảnh nhỏ và khá thưa thớt nhưng mỗi năm cũng có đến 6 LHP quốc tế. Những người bạn láng giềng đều làm và bây giờ Việt Nam vừa chính thức có LHP quốc tế đầu tiên của riêng mình.

>> Chuyên đề: Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam

Hoa mắt LHP


Poster LHP quốc tế Bangkok

Nếu tính theo số lượng thì Việt Nam đang bằng với Indonesia (1 LHP Quốc tế). Trong khi đó Thái Lan có đến 4 LHP, 3 trong số đó cố định ở Bangkok. Người Singapore có 6 LHP, chủ đề nặng nhẹ đủ cả, từ môi trường, phim ngắn cho đến phim độc lập và được đánh giá không thấp. Nước láng giềng ngay kề cận biên giới là Campuchia một năm cũng có đến 3 LHP. Philippines cũng tổ chức tới 4 LHP hàng năm. Còn một số nước trong vùng Đông Nam Á chưa thấy tổ chức một LHP quốc tế nào bao gồm: Malaysia, Lào, Myanmar và Brunei (nguồn: britfilms.com).

Trong khi ấy, các nền điện ảnh lớn ở châu Á đều có những LHP quốc tế được tổ chức rầm rộ và thường xuyên. Trung Quốc có khoảng 7 LHP hàng năm. Hàn Quốc có 8 LHP, tổ chức thành vệt từ tháng Tư đến tháng Mười, trong đó nổi nhất là LHP Pusan (một trong những LHP quan trọng nhất châu Á. Bắt đầu từ 1996 và cũng là lần tổ chức LHP quốc tế đầu tiên tại Hàn Quốc). Nhật Bản có 17 LHP bắt đầu từ tháng Tư đến tháng Mười hai, điểm nhấn là LHP Tokyo (tháng Mười). Ấn Độ là “khủng” nhất, 39 LHP quốc tế tổng cộng, có những tháng tổ chức 4 đến 5 LHP là chuyện bình thường.

Có những LHP vừa được sinh ra và cũng có những LHP có tuổi đời khá dài. Có những LHP được chú ý và cũng có những LHP chỉ mang tính chất “gặp nhau rồi chia tay”. Nhưng tựu trung những LHP quốc tế đang ngày càng được nhiều quốc gia chú ý bởi những tác phẩm điện ảnh hàng năm, ở tầm mức tạo ra sân chơi đẳng cấp, có thể gây thanh thế cho một vùng đất, cho một nền điện ảnh quốc gia, kéo theo du lịch và rất nhiều điều sau đó. Mỗi quốc gia dù tổ chức ít hay nhiều LHP quốc tế đều cũng cố gắng tạo nên ít nhất một LHP đẳng cấp, để có cái mà giới thiệu và tự hào. Pusan của người Hàn Quốc, Bangkok của Thái Lan, Thượng Hải của Trung Quốc, Tokyo của Nhật… là những ví dụ điển hình cho những LHP quốc tế ở châu Á. Việt Nam vừa mới bắt đầu tổ chức LHP quốc tế cũng có thể lấy đây làm những mẫu mực cho hướng đi của mình.

Nhìn gần trông xa

Trông ra phía xa, thử điểm lại thang A chất lượng các LHP quốc tế theo tiêu chuẩn của Hiệp hội các nhà sản xuất phim thế giới (FIAPF, thành lập từ năm 1933). Có 12 LHP “dữ dằn” nhất được chia theo từng khu vực: Tây Âu (Berlin, Cannes, Venice, Locarno, San Sebastian), Đông Âu (Moscow, Karlovy Vary), Bắc Mỹ (Montreal), Nam Mỹ (Mar Del Plata), Bắc Phi (Cairo), Đông Á (Thượng Hải, Tokyo). Nhìn gần hơn, khoảng một thập niên trở lại đây, châu Á có thêm 2 đại diện được xem là xứng đáng lọt vào Top A (theo đánh giá của giới truyền thông): LHP Pusan (Hàn Quốc) và Bangkok (Thái Lan). Như thế, khoảng cách gần-xa đang được kéo lại và châu Á ngày càng có tiếng nói trọng lượng hơn.


LHP Pusan (Hàn Quốc) luôn có sự xuất hiện của những ngôi sao danh tiếng
Chất lượng của các LHP quốc tế được các nhà tổ chức đặt lên hàng đầu, bởi đó chính là sức hấp dẫn của LHP. Nó bao gồm chất lượng của các bộ phim tham dự, tên tuổi của các khách mời, uy tín của ban giám khảo và dĩ nhiên cả sự chuyên nghiệp trong công tác tổ chức. Người Thái đi theo mô hình này để gây dựng thương hiệu sân chơi điện ảnh của mình. Tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003, LHP Bangkok ngày càng được nể trọng không chỉ trong khu vực. Những nhân vật điện ảnh xuất hiện trên thảm đỏ của họ có trọng lượng (Catherine Deneuve, Michael Douglas, Oliver Stone…), những bộ phim tham dự luôn kéo khán giả ngồi kín ở hai cụm rạp phức hợp lớn và hiện đại nhất Bangkok: Paragon Cineplex và SF World Cinema. Những buổi diễn thuyết, tranh luận tạo được sự chú ý, sự xuất hiện của các tay cò mồi phim thuộc hàng dữ dằn nhất trong giới điện ảnh… dường như đã thể hiện một LHP Bangkok có đủ uy tín để tự hào. Ở tuổi lên 8, LHP này dính không ít scandal. Đáng kể nhất là vụ năm 2007 khi một doanh nhân tại Los Angeles bị cảnh sát Mỹ bắt giữ vì tội hối lộ quan chức Thái Lan tới 1,7 triệu USD để mua lại quyền điều hành LHP Bangkok. Vụ này gây ra vô số ầm ĩ nhưng suy đi xét lại, chẳng ai dại để đầu tư vào một LHP mà tên tuổi của nó chẳng ai đoái hoài.

Để tăng tính hấp dẫn của các LHP quốc tế, hiện nay hầu hết các LHP đều yêu cầu tác phẩm điện ảnh tham dự phải là những bộ phim chưa được trình chiếu hoặc chỉ mới chiếu ở nội địa. Có LHP còn bắt buộc phim tham dự tại LHP này phải là lần đầu tiên.

Mỗi năm tổ chức, trung bình trong hơn một tuần diễn ra LHP, người Thái bán được gần 100.000 vé (50 baht/1 vé). Nếu so với LHP Berlin (400.000 vé/ 10 ngày) thì Thái Lan cũng rất đáng tự tin để đầu tư thêm nâng cao thương hiệu. Cần biết là từ năm 2006, số tiền được cấp để tổ chức LHP hàng năm của Bangkok Film Festival bị giảm 2/3 (từ 6 triệu USD xuống 2 triệu USD) nhưng chất lượng của LHP này vẫn không suy giảm, nếu có thì ở mức độ bao phủ phim tham dự bị thu nhỏ đi chút ít. Bên cạnh đó, doanh thu từ du lịch tăng nhanh, điện ảnh Thái Lan cũng được hưởng lợi khi được trau dồi những kỹ thuật làm phim mới, ý tưởng mới. Ở Thái Lan, nhiều đạo diễn tài năng xuất hiện, nhiều dòng phim lạ cũng trỗi dậy và sở thích xem phim của dân Thái cũng được tăng lên đáng kể. Vài năm gần đây phim Thái bắt đầu có tiếng nói trên bản đồ điện ảnh thế giới và cái tên Apichatpong Weerasethakul (2 lần đoạt giải Cannes) được xem là một đại diện tiêu biểu.


LHP Bangkok là một cánh cửa để điện ảnh Thái Lan đi ra bên ngoài và đón nhận có sàng lọc những tác phẩm điện ảnh có chất lượng vào thị trường nội địa. Không đao to búa lớn, không tham vọng chinh phục nhưng LHP này thể hiện được tính thực tế của người Thái: tăng doanh thu du lịch và tăng chất lượng điện ảnh nội địa. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, LHP Bangkok gặp khá nhiều trở ngại do sự bất đồng ý kiến giữa Cục Du lịch Thái Lan - đơn vị tài trợ - và liên minh điện ảnh Thái. Sự bất hòa này đã dẫn đến việc khai sinh thêm một liên hoan phim thứ hai, với tên gọi là Liên hoan phim thế giới tại Bangkok (World Film Festival of Bangkok). Giới phê bình đã chỉ trích rằng việc này chỉ làm chia rẽ nguồn lực và sự quan tâm của quốc tế đối với nền điện ảnh Thái. Nhưng đó là chuyện nội bộ, mà đã là nội bộ thì quốc gia tổ chức LHP nào chẳng có vấn đề của mình.

Đón đọc Bài 2: Điện ảnh Việt và sân chơi quốc tế

Nguyên Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm