Họ đã nói gì trước thềm Đại hội cổ đông Công ty VPF: Hãy ủng hộ VPF

13/12/2011 10:31 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Ngày mai (14/12), Đại hội cổ đông lần đầu tiên Công ty VPF sẽ diễn ra. TT&VH tiến hành phỏng vấn một số nhân vật có tiếng nói khá xung yếu.

Ám ảnh bình mới rượu cũ

Ông Lê Tiến Anh, một trong 7 nhân vật sáng lập ra VPF, tỏ ra khá lạc quan về mô hình hoạt động mới là VPF. Giải thích vì sao các ông bầu, trong đó có mình khá lặng tiếng trong thời gian vừa qua, ông Tiến Anh nói: “Chúng tôi im lặng tất cả chỉ để dành thời gian làm sao để VPF sẽ hoạt động tốt hơn. Bởi, bây giờ là thời điểm hành động, thay vì chỉ trích bởi VFF hay và dở thế nào ai cũng biết rồi. VPF ra đời là sự tất yếu, cả xã hội hãy vun vén nó vì sự phát triển của bóng đá nước nhà.

Đại hội cổ đông, theo tôi nên mở toang cửa cho báo chí vào, bởi hoạt động của công ty VPF liên quan chủ yếu đến bóng đá, lĩnh vực đang được sự quan tâm của xã hội. Không có gì phải bí mật, giữ tính chiến lược và chỉ có cổ đông mới  được vào dự như các công ty kinh doanh ngoài bóng đá. Đại hội diễn ra công khai có khi lại hay vì được xã hội giám sát”.


Ông Lê Tiến Anh, một trong 7 nhân vật sáng lập ra VPF, tỏ ra khá lạc quan về mô hình hoạt động mới là VPF. Ảnh: Quang Nhựt

Hôm nay, 7 ông bầu sẽ “tụ” lại tại Hà Nội để tiếp tục thảo luận thêm những quyết sách của VPF, đặc biệt là chuyện nhân sự. “Ai sẽ tiến cử ai tại Đại hội cổ đông? Người tiến cử sẽ giải thích được câu hỏi vì sao lại tiến cử anh A, anh B, vì sao VPF cần anh ta.

Tất cả chuyện nhân sự có thể quyết nhanh ở Đại hội. Tất nhiên, chúng tôi không thể quyết định vấn đề nhân sự bởi cổ đông lớn nhất vẫn là VFF với 35,4%  số vốn điều lệ, 7 đội bóng chúng tôi chỉ chiếm 21%”.

Dưới góc nhìn của ông Lê Tiến Anh, thì VPF cần được sự vun vén của toàn xã hội, và mùa giải 2012 coi như thời điểm quá độ của Công ty. “Lãnh đạo VFF  nhiều người tốt và có tâm. Về chuyên môn trong lĩnh vực bóng đá khó thay thế.

Chẳng qua, họ phải sống trong một môi trường lâu nay thiếu trong lành, thiếu tính cạnh tranh và có sự giám sát cao. Nguy hiểm hơn là tình trạng mất đoàn kết, bè phái và chẳng ai chịu trách nhiệm. Bây giờ, HĐQT sẽ tạo cho họ một môi trường mới, một vạch xuất phá mới cùng cơ chế tốt nhất để vươn lên, phát triển.

Tôi nghĩ cái tâm sẽ quyết định đến thành công sau này. Bất cứ ai, nếu không được việc thì tự khắc sẽ bị đào thải. Không từ chức thì HĐQT cũng sẽ cách chức. Tóm lại, tôi nghĩ môi trường mới sẽ làm thay đổi những vị lãnh đạo VFF khi sang làm việc ở VPF ”.

Ẩn số Phạm Phú Hòa

GĐĐH ĐL.TA Phạm Phú Hòa được tiến cử ngồi ghế Phó TGĐ VPF. Ông Hòa tuy còn trẻ tuổi nhưng đã được liệt vào hàng ngũ quái kiệt trong làng bóng đá VN.

Tuy thế, ông Hòa vẫn có vẻ cẩn trọng: “Hiện tại tôi vẫn là GĐĐH của CLB ĐT.LA nên trách nhiệm của tôi là quản lý về mặt tổ chức đối với đội bóng. Riêng việc được lựa chọn vào chức danh này nọ ở VPF cũng chỉ mới là tin hành lang. Nếu nhận được sự tín nhiệm từ các phía, tôi cũng phải xem xét lại trước khi đưa ra quyết định nhận lời hay không.

Nhưng bây giờ, HĐQT VPF chưa hình thành, nói việc tôi đứng trong đội ngũ ấy là chưa thực sự chính xác. Phải xem cơ cấu hoạt động và quyết tâm của những người có mặt trong VPF ra sao. Nên tôi không vội vàng hứa hẹn hay khẳng định bất cứ điều gì, trước khi chính thức có nhận nhiệm vụ trong VPF hay không.

Bóng đá VN biến động như thế nào trong mấy tháng vừa qua chúng ta cũng đã biết. Có thể nói đây là thời điểm vô cùng nhạy cảm, giữa việc chuyển giao giữa một cơ chế cũ và một cơ chế mới ra đời. Sẽ có nhiều nghi ngờ, khi VPF ra đời vội vã khi mùa giải cận kề, tôi vẫn nghĩ đây là bước đi đúng đắn của nền bóng đá VN.

Ai cũng thấy lãnh đạo các CLB đang vô cùng thiết tha làm bóng đá bài bản và chuyên nghiệp hơn. Tất nhiên sẽ có sự nghi ngờ, nhưng VPF thực sự bình đẳng giữa các bên. Các CLB cũng có thể phát biểu chính kiến của mình một cách dân chủ. Theo tôi khi đi vào hoạt động, VPF phải dựa vào quy chế để làm việc rõ ràng, minh bạch, hệ thống văn bản pháp quy chuẩn mực, đặc biệt dám tuyên chiến đến cùng với bóng đá tiêu cực. Có thế, VPF mới lấy được niềm tin và đáp ứng sự chờ đợi dư luận lẫn người hâm mộ bóng đá VN.

Tôi có 2 nỗi lo lớn. Thứ nhất là công tác trọng tài.  Đã có sự thay đổi khi ban Trọng tài ra đời, nhưng như thế không có nghĩa là thay đổi được toàn diện về chất  và tư tưởng với lực lượng này.

Thứ hai là bóng đá tiêu cực. Chúng ta vẫn tắc ở bằng chứng đâu, mỗi khi có sự vụ nổi cộm. Việc các đội bóng phải thay đổi là một phần, BTC giải cũng cần phối hợp đắc lực hơn với lực lượng điều tra vào để tìm hiểu, xử lý mạnh tay. Có làm cả 2 việc một lúc, mới hy vọng những câu chuyện ở hậu trường không còn làm ảnh hưởng tính khách quan của trận đấu.

Tôi nghĩ mọi thứ vẫn chưa thực sự ổn, nếu bóng đá VN vẫn đổ tiền chạy theo thành tích mà quên đi đào tạo trẻ. Ở V-League, sẽ khó đòi hỏi các CLB đưa cầu thủ trẻ vào sân thử nghiệm ngay được.

Có lẽ chúng ta nên tổ chức các giải hạng thấp thường xuyên, liên tục hơn để các cầu thủ trẻ có cơ hội cọ xát. Chứ tôi thấy thời gian và các giải đấu cho cầu thủ trẻ vừa ít lại chưa liên tục.

Tất nhiên, cần thêm hoạch địch để phát triển bóng đá trẻ có quy hoạch, căn cơ hơn. Và điều này cần nhiều ban ngành, CLB họp bàn, trao đổi kỹ lưỡng, chứ không thể qua vài cuộc họp.

Đây là thời điểm quyết định cho sự phát triển của bóng đá VN, nên theo tôi tất cả phải dũng cảm và ủng hộ cho VPF. Chắc chắn hoạt động ban đầu của Công ty sẽ có sai sót, nhưng tôi vẫn tin chỉ sau một năm VPF sẽ thay da đổi thịt.

HỮU QUÝ-MỘC MIÊN (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm