Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Nguyễn Khắc Nghiên từ trần

16/11/2010 08:17 GMT+7 | Thế giới

Ngày 13/11, Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã từ trần tại  Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.


Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên. (Ảnh: TTXVN)

Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, sinh ngày 23/1/1951, xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ; thường trú tại số nhà 149 Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đại biểu Quốc hội khóa XII.

Sau một thời gian lâm bệnh hiểm nghèo, Thượng tướng đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội, gia đình và các tập thể giáo sư, bác sỹ trong nước và quốc tế hết lòng tận tình chăm sóc, cứu chữa, song do bệnh nặng, Thượng tướng đã từ trần vào hồi 16 giờ 50 ngày 13/11/010 (tức ngày 8/10 năm Canh Dần), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Hơn 40 năm hoạt động cách mạng, Thượng tướng đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và Quân đội. Thượng tướng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý, Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng.

Để tỏ lòng thương tiếc và ghi nhận những công lao, cống hiến của Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu Quận đội nhân dân Việt Nam quyết định tổ chức lễ tang ông Nguyễn Khắc Nghiên với nghi thức lễ tang cấp Nhà nước.

Lễ viếng bắt đầu từ 7 giờ 30 phút ngày 17/11, tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu vào hồi 13 giờ 30 phút cùng ngày. Lễ an táng Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

 Tóm tắt tiểu sử Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên

Thương tướng Nguyễn Khắc Nghiên, sinh ngày 23/1/1951; tại xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ; thường trú tại số nhà 149 Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

-Tháng 7/1969: Đồng chí nhập ngũ vào Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 305 Đặc công.

-Từ tháng 1/1971 đến tháng 3/1976: Đồng chí giữ chức vụ Trung đội trưởng, Đại đội phó, Đại đội trưởng, Trợ lý tác huấn Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị. Tháng 4/1972, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

-Từ tháng 4/1976 đến tháng 3/1982: Được cử đi học tại Trường Quân chính Quân đoàn 1, sau đó đồng chí được giao các nhiệm vụ: Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48; Tham mưu phó, Trung đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 48, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1.

-Từ tháng 4/1982 đến tháng 12/1982: Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1.

-Từ tháng 1/1983 đến tháng 6/1985: Đồng chí được cử đi học tại Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quóc phòng).

-Từ tháng 7/1985 đến tháng 7/1988: Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 390, Quân đoàn 1.

-Từ tháng 8/1988 đến tháng 7/1991: Phó Sư đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn 390, Quân đoàn 1.

-Từ tháng 8/1991 đến tháng 1/1996: Sư đoàn trưởng Sư đoàn 390 và Sư đoàn 312, Quân đoàn 1.

-Từ tháng 2/1996 đến tháng 11/1997: Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân đoàn 1.

-Từ tháng 12/1997 đến tháng 7/1998: Tư lệnh Quân đoàn 1.

-Từ tháng 8/1998 đến tháng 4/2001: Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 2.

-Từ tháng 5/2001 đến tháng 9/2002: Tư lệnh Quân khu 1.

-Từ tháng 10/2002 đến tháng 11/2004: Tư lệnh Quân khu 5.

-Tháng 12/2004: Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam .

-Từ tháng 8/2006: Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam , Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1998, Trung tướng năm 2002, Thượng tướng năm 2007.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (tháng 4/2001) và lần thứ X (tháng 4/2006), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa XII.

Do có nhiều công lao và thành tích đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Quân đội, đồng chí đã được tặng thưởng: Huân chương Chiến công hạng nhất; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Campuchia; Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy chương Quân kỳ quyết thắng; Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

                                                                                                                   (Theo Chinhphu.vn)





























































Theo TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm