Trùng tu thành Điện Hải (Đà Nẵng): Tìm lại 'không gian thiêng' từ quá khứ

27/02/2019 07:21 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Nhiều lúc, chúng tôi cứ ngỡ mình đang mơ. Bởi, cách đây hơn một năm,không aidám nghĩ thành Điện Hải sẽ có được cảnh tượng như bây giờ” – ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng, chia sẻ với người viết.

Đà Nẵng di dời Bảo tàng lịch sử thành phố để mở rộng Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải

Đà Nẵng di dời Bảo tàng lịch sử thành phố để mở rộng Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải

Để tạo không gian rộng rãi, tương xứng với Di tích quốc gia cấp đặc biệt Thành Điện Hải, UBND thành phố Đà Nẵng đã báo cáo Thường trực Thành ủy Đà Nẵng liên quan đến dự án Quảng trường khu vực xung quanh Thành Điện Hải và Bảo tàng lịch sử thành phố (hiện đang nằm trong khuôn viên của Thành Điện Hải) theo hướng xúc tiến di dời Bảo tàng lịch sử thành phố và kết nối với một số công trình, cảnh quan trong khu vực.

Ở thời điểm hiện tại, giai đoạn 1 của dự án "Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải" đã cơ bản hoàn thành. Đằng sau nó là một câu chuyện rất dài, về nỗ lực của những người trong cuộc để “giải cứu” di tích hơn 200 năm tuổi này.

Phải giữ “bàn thờ”

Cần nhắc lại, từ năm 1988, thành Điện Hải được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Dù vậy, những vấn đề theo kiểu “lịch sử để lại” đã khiến di tích này bị xâm lấn khá nặng nề. Điển hình tòa nhà của Bảo tàng Đà Nẵng lại được xây dựng và đặt ngay... giữa lòng thành. Ở phía Bắc di tích là 80 hộ dân tồn tại ngay trên vùng lõi.

Chú thích ảnh
Thành Điện Hải sau khi trùng tu giai đoạn 1 đã trở nên thông thoáng, được trả lại tường thành kiên cố

Nhưng, điều đáng nói hơn: công trình này nằm ở quận Hải Châu, ngay cạnh sông Hàn – vị trí được coi là “đất vàng” của thành phố. Bởi thế, nhiều lần, những dự án hiện đại đã được đề xuất xây dựng ở khu vực này và gây ra nguy cơ xâm phạm đến di tích.

Điển hình, vài năm trước, Trung tâm Lưu trữ của thành phố từng được đề xuất xây dựng ở phía Bắc, sát với tường thành. May mắn, như lời ông Hùng, vào thời điểm công trình này sắp được khởi công, một cuộc họp bàn về quy hoạch kiến trúc của thành phố được tổ chức. Ngành văn hóa khi ấy đã đề nghị thành phố dừng xây Trung tâm Lưu trữ.

“Với tất cả trăn trở và tâm niệm của người làm công tác quản lý văn hóa, tôi đã tha thiết đề xuất dừng công trình này” - ông kể - “ Tôi nói đại ý, dù là giây phút cuối cùng, dù ta có phải đền bù, bồi thường bao nhiêu đi nữa thì dự án cũng phải dừng lại. Nếu không, di tích sẽ bị xâm phạm thêm một lần nữa”.

Chú thích ảnh
Phần cổng thành sau khi tôn tạo

Thậm chí, ở thời điểm dự án trùng tu này đã được phê duyệt (2017), lần lượt những dự án xây các bãi đỗ xe nổi, rồi bãi đỗ xe ngầm, được đề xuất xây dựng ngay phía Bắc tường thành. Nhiều cuộc họp các cấp đã được tổ chức để lấy ý kiến.

“Từ tốn nhưng dứt khoát, chúng tôi cho rằng không nên làm gì xung quanh thành Điện Hải nữa, phải giữ không gian càng rộng càng tốt. Như cách nói của nhiều người, đó là không gian thiêng, là bàn thờ của thành phố” – ông Hùng nói - “Nói vậy, bởi nhìn vào lịch sử, mảnh đất này đã thấm đẫm bao nhiêu xương máu của các nghĩa sĩ trong thời chống Pháp”.

Tái hiện cuộc chiến lịch sử của Nguyễn Tri Phương

Tháng 3/2018, thành Điện Hải đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, đồng thời khởi công giai đoạn 1 dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích này với kinh phí 102,7 tỷ đồng. Mới đây, thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt kinh phí 25 tỷ đồng để mở thêm cổng thành phía Nam vào di tích.

Hiện tại, sau khi di dời xong Trung tâm Thể thao Người lớn tuổi và các hộ dân phía Bắc, các đoạn thành ngoài và thành trong của Điện Hải đều đã được khôi phục. Vùng đệm phía Bắc và phía Tây thành được giãn ra 30-40m để làm công viên vườn dạo, đồng thời bổ sung thêm cây xanh và hồ nước.Nhưng đó mới chỉ là bước đầu tiên của giấc mơ tôn tạo “không gian thiêng” này.

Chú thích ảnh

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2 ( 2019 – 2020), dự án sẽ trưng dụng tòa nhà Hội đồng nhân dân thành phố (42 Bạch Đằng) để di dời Bảo tàng Đà Nẵng. Đồng thời Viện di tích Quốc gia, Cục di sản và Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia sẽ được xin ý kiến về những hạng mục trùng tu tiếp theo.

Hiện UBND Đà Nẵng đã mời Viện Kiến trúc quốc gia lên phương án thiết kế xây dựng Quảng trường Trung tâm thành phố vớithành Điện Hải làm vị trí trung tâm. Theo tư vấn, đề xuất của Viện Kiến trúc quốc gia trước mắt sẽ lấy đường Nguyễn Chí Thanh, Lý Tự Trọng, Quang Trung kéo dài ra đến bờ sông.

Đáng nói hơn, để phục vụ du khách và tôn vinh lịch sử của di tích, ngành văn hóa Đà Nẵng muốn sử dụng công nghệ hiện đại 5D để xây dựng phim tư liệu về cuộc chiến đấu chống liên quân xâm lược Pháp – Tây Ban Nha (từ 1858 tới 1860) của danh tướng Nguyễn Tri Phương và các nghĩa sĩ thành Điện Hải.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng,cho biết: đoàn công tác của Đà Nẵng đã qua Pháp tiếp cận Trung tâm lưu trữ, Thư viện quốc gia và Vận khố quân đội của Pháp nhằm tìm kiếm, khai thác tư liệu, hiện vật về cuộc kháng chiến. Họ đã tìm thấy nguồn tư liệu là toàn bộ sơ đồ hiện trạng của thành Điện Hải, khi thực dân Pháp bắt đầu nổ súng tấn công.

“Sau khi thực dân Pháp bắt đầu nổ súng năm 1858 thì vào tháng 3/1859 thành Điện Hải bị chiếm đóng. Bộ phận lính công binh của Pháp đã vẽ toàn bộ các vị trí mặt bằng sơ đồ, kho đạn dược, kho thuốc súng, kho lương thực, Sở chỉ huy” – ông Thiên kể - “May mắn, chúng tôi đã tìm thấy các tư liệu này. Đây chính là cơ sở khoa học để ngành văn hóa mạnh dạn, tự tin trong công tác phục hồi, trùng tu giai đoạn 2 của thành Điện Hải”.

Vài nét về thành Điện Hải

Theo các tư liệu, Thành Điện Hải hiện tại được xây dựng vào năm 1823 và mở rộng vào năm 1847. Thành có chu vi 556m, cao hơn 5m, chung quanh là hào sâu 3m. Thành có 2 cửa, một cửa mở về phía Nam, một cửa mở về phía Đông. Dưới sự chỉ huy của danh tướng Nguyễn Tri Phương, đây là đồn lũy quan trọng trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp của quân và dân Đà Nẵng những năm 1858 – 1860.

Hoàng Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm