28/07/2014 07:15 GMT+7 | Di sản
Sập nhà bao che, mái đình đã dỡ, không có phương án khắc phục nhanh, đồng nghĩa với việc, các cấu kiện của ngôi đình từ thế kỷ 17 này, suốt 3 ngày qua, đã bị nước mưa dội xối xả từ nóc xuống.
Nước mưa tràn di tích
Ông Nguyễn Đức Hợi, Phó Chủ tịch Thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) xác nhận với TT&VH về sự cố và khẳng định "đơn vị thi công đang khắc phục hai ngày nay, nhưng chưa xong do mưa lớn".
Cũng theo ông Hợi, hạng mục nhà bao che bị sập 25% mái. "Và nói chung, sự cố không ảnh hưởng gì tới di tích. Nó "chỉ" làm ướt cấu kiện bên trong" - ông Hợi nói thêm - "Nhà bao che bị sập không phải do gãy các thanh thép mà mưa lớn ảnh hưởng tới các vít nối, dẫn tới tình trạng trên”.
Còn đại diện đơn vị thi công đình Tiên Canh (thuộc cụm di tích quốc gia đình Tam Canh), Công ty TNHH một thành viên Tôn tạo và phục chế công trình văn hóa Việt, cho biết, hạng mục nhà bao che bị sập từ tối thứ Sáu (25/7). Nguyên nhân là do "ngoại cảnh" tác động. Trong 2 ngày qua (từ đêm 25 đến 27/7), đơn vị thi công chưa thể căng bạt bao che công trình vì căng bạt sẽ ảnh hưởng tới quá trình khắc phục (?!)
Theo ghi nhận của TT&VH, trong 2 ngày đêm (từ 25/7- 27/7), thời tiết thị trấn Hương Canh thường xuyên mưa lớn. Điều này tác động khá lớn tới di sản cũng như quá trình khắc phục sự cố của đơn vị thi công.
Nhà bao che không phải “cái ô”!
Ngay khi hay tin về sự việc, ông Nguyễn Đức Bình, cán bộ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL) trao đổi nhanh với TT&VH: Đình Tiên Canh có từ thời Lê, thế kỷ 17, sở hữu nhiều nét chạm đẹp, quý của mỹ thuật Việt. Điều đặc biệt là ngôi đình có sự hiện diện của nhiều niên đại trong cùng mảng chạm. Các cấu kiện trong đình đa phần được tạc trên gỗ xoan. Vật liệu này khó có thể "trụ được" nếu mảng chạm tuổi đời cao lại gặp mưa xối xả như những ngày qua ở Hương Canh.
Ông Bình nói tiếp: "Với điều kiện như thế, mảng chạm bị bở ra là điều khó tránh. Hơn thế, trong quần thể di tích quốc gia đình Tam Canh, trước khi trùng tu, đình Tiên Canh là xập xệ hơn cả. Nay các cấu kiện trong đình lại dãi nắng, dầm mưa 2 ngày đêm, tôi sợ cấu kiện gỗ trong đình sẽ bị mủn.
Trước đó, ngày 1/7, đoàn kiểm tra do Phó Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL Phạm Xuân Phúc làm trưởng đoàn đã trực tiếp xuống đình Tiên Canh sau sự vụ hạ giải bằng cuốc xẻng. Biên bản thanh tra nêu một loạt sai phạm trong quá trình trùng tu: "Chưa có nhà kho, lán trại để bảo vệ đồ thờ và các cấu kiện kiến trúc gỗ khi hạ giải"; "việc hạ giải ngói không đảm bảo yêu cầu, ngói vỡ khoảng 90%"; "một số bức chạm bị sứt"; "hoành, rui và một số bức chạm khắc đã hạ giải ngoài sân được che bằng bạt, còn một số bức chạm để trên nền đình". Biên bản xác nhận vào thời điểm đó "đã có nhà bao che đình bằng toàn bộ khung sắt, mái tôn". Đó là điều đáng ghi nhận hơn cả cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, sau sự vụ sập nhà bao che, những quan ngại về năng lực của các bên liên quan lại dấy lên.
Còn GS Trần Lâm Biền bức xúc: Việc nhà bao che sập vì mưa lớn là không thể chấp nhận được. Nhà bao che bắt buộc phải đảm bảo trước mưa to, gió lớn. Bởi chức năng của nhà bao che là che chắn cho công trình trước mọi biến cố thời tiết. Những sự giải thích của các bên liên quan lúc này chỉ là ngụy biện cho việc bảo vệ di sản cẩu thả, qua loa… Nhà bao che là hạng mục bắt buộc để bảo vệ di sản trong quá trình trùng tu. Nó tuyệt nhiên không phải "cái ô" để che mắt nhà chức trách và thách thức công luận.
Thể thao & Văn hóa sẽ tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất