(TT&VH) - Ngay sau khi giành quyền đăng cai Olympic vào tháng 7/2001, Bắc Kinh lập tức bắt tay xây dựng hàng loạt công trình thiết yếu. Các nỗ lực của thành phố này đã được “trả giá” xứng đáng với một thế vận hội thành công rực rỡ. Tuy nhiên, sau đây Bắc Kinh sẽ “xử lý” thế nào với các công trình phục vụ Olympic mà họ đã đầu tư không ít công sức và tiền của?
Bất cứ thành phố nào có tham vọng đăng cai Olympic đều phải cố gắng chứng tỏ khả năng mình có thể tạo nên những công trình kiến trúc và hạ tầng cơ sở đạt chuẩn mực cao nhất. Song điều còn khó hơn là phải xây dựng chúng như thế nào để chúng có một hiệu quả sử dụng lâu dài, tiếp tục phát huy được giá trị sau khi Olympic kết thúc.
Athens rõ ràng không làm được vế sau: Thành phố Hy Lạp hiện đang lúng túng với một loạt các công trình kiến trúc được xây dựng phục vụ Olympic mà thành phố này đăng cai năm 2004. Và thủ đô của đất nước nổi tiếng với những câu chuyện thần thoại đang phải hứng chịu một bi kịch: Người ta khó có thể tin nổi khi hiện nay có tới 21 trong số 22 công trình Olympic đang bị bỏ mặc và dần đổ nát. Lều trại đã mọc lên san sát ở những sân đấu từng là nơi để các vận động viên xuất sắc nhất thế giới thi tài. Trong khi các bức tường bên ngoài ở nhiều công trình chằng chịt hình graffiti và được biết Chính phủ Hy Lạp đã chi hơn 1 tỷ USD chỉ để bảo tồn các công trình hoang tàn xấu xí này. Đó là di sản của Hy Lạp. Sau 16 ngày vinh quang diễn ra vào năm 2004, giờ thì Olympic đã trở thành từ “cửa miệng” đối với hầu hết chính trị gia ở nước này mỗi khi họ muốn ám chỉ tới tình trạng sa sút của quốc gia. Bốn năm đã trôi qua nhưng công chúng nước này vẫn còn bất bình khi những khoản tiền khổng lồ rót vào những công trình ngoại khổ nhưng không hề có tương lai.
Có lẽ Bắc Kinh không để cho điều tương tự xảy ra. Ngay từ đầu thành phố này đã có nhiều thuận lợi lớn hơn so với Athens. “Lý do tại sao một số nước lại phải đối diện với sự suy sụp kinh tế sau một kỳ Olympic bởi các thành phố đăng cai thường quá nhỏ. Các mức đầu tư vào các công trình cơ sở hạ tầng lại quá lớn. Sự thay đổi bất thường tất yếu nổi lên khi không có một điểm đầu tư hấp dẫn mới mẻ nào tiếp tục xuất hiện sau khi Olympic diễn ra”, ông Chen Jian, Tổng giám đốc điều hành của Hiệp hội Nghiên cứu Kinh tế Bắc Kinh, nhận định.
Trung tâm thể thao dưới nước |
Là thủ đô của nước đông dân nhất thế giới, Bắc Kinh sẽ là nơi hàng năm diễn ra rất nhiều sự kiện thể thao, văn hóa, xã hội và thương mại. Vì thế sau khi Thế vận hội kết thúc, dự kiến sân vận động “Tổ chim” ở Bắc Kinh vẫn được tận dụng triệt để khi đây sẽ là nơi tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, các chương trình hòa nhạc và cuộc thi đấu bóng đá. Trong khi đó, Trung tâm thể thao dưới nước hay còn nổi tiếng với tên gọi “Khối nước”, sẽ chủ yếu là nơi để tổ chức các cuộc thi lặn quốc tế và triển lãm.
Sau Olympic, hệ thống đèn phát quang ở bên ngoài sân vận động được tắt đi, song nó sẽ được sử dụng bất cứ khi nào Bắc Kinh tổ chức sự kiện lớn. Nhiều công trình khác như sân vận động Công nhân và Trung tâm thể dục thể thao Công nhân cũng đã có kế hoạch sử dụng cụ thể. Trung tâm thi đấu Tennis Olympic thì đã được “nhắm” là nơi tổ chức giải đấu ATP hàng năm.
Việc Olympic 2008 thành công rực rỡ góp phần tạo nên cú hích phát triển kinh tế ở Bắc Kinh và các chuyên gia tiên đoán ngành du lịch sẽ tiếp tục bùng nổ khi nhiều khả năng số đông người tới tham dự Olympic sẽ quay trở lại, chưa kể nhiều du khách có dịp xem Olympic Bắc Kinh qua truyền hình cũng muốn tới đây để được chiêm ngưỡng những công trình hoành tráng được xây dựng để phục vụ cho ngày hội thể thao thế giới.
Lương Tuấn Vĩ