30/03/2015 07:06 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Bản di chúc của Alfred Nobel, văn kiện đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra các giải Nobel, hiện đang được trưng bày lần đầu tiên tại Bảo tàng Nobel ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển.
Cho đến nay, mới chỉ có một số ít được đọc bản di chúc gốc do Nobel viết hồi năm 1895 và văn kiện này luôn được cất kỹ trong két tại Quỹ Nobel ở Stockholm.
"Chứng tỏ Nobel là ai"
Nay Quỹ Nobel quyết định công bố bản di chúc này và nhờ vậy mà lần đầu tiên công chúng được chiêm ngưỡng nó qua cuộc triển lãm mới, mang tên Legacy.
“Bản di chúc là tâm điểm của cuộc triển lãm. Đây là một văn kiện đơn giản, nhưng đến giờ vẫn đóng vai trò nền tảng cho công việc của chúng tôi, tại mỗi mùa trao giải Nobel. Mục đích của triển lãm là giới thiệu di sản của Alfred Nobel tới công chúng và qua đó khách tham quan có thể hiểu ông hơn” - Karin Jonsson, giám tuyển cuộc triển lãm, được tổ chức ở Bảo tàng Nobel, cho biết.
Bản di chúc này được Nobel viết trên 4 trang giấy, hiện đã ngả màu vàng. Ông dùng lối viết cũ, sử dụng mực đen. Nhiều chỗ trong văn kiện đã bị nhòe, 2 bên lề chi chít những dòng ghi chú và bổ sung, chạy dài từ trên xuống dưới.
Nhà phát minh Thụy Điển Alfred Nobel, người sáng lâp ra giải Nobel
Nobel, người gây dựng gia sản nhờ phát minh ra thuốc nổ, đã ghi chi tiết về việc sáng lập các giải Nobel trong 26 dòng của di chúc, chiếm 3/4 nội dung trang viết. Ông nêu rõ rằng tài sản của mình, trị giá 31,5 triệu kronor, tương đương với 220 triệu USD ngày nay, phải được lập thành quỹ.
Quỹ này dùng để tôn vinh những cá nhân mà trong năm trước đó đã mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại, trong các lĩnh vực y học, vật lý, hóa học, văn học và hòa bình.
Nobel chỉ định việc thành lập 4 ủy ban trao giải, với 3 ở Stockholm, và 1 ở Oslo (Na Uy), dành riêng cho việc trao giải Hòa bình. Sở dĩ ông lập 1 ủy ban ở Oslo, bởi lúc đó Na Uy đang ở trong liên bang với Thụy Điển (liên bang này tồn tại đến năm 1905).
3 ủy ban ở Stockholm gồm Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao giải Nobel Vật lý, Nobel Hóa học; Hội Nobel ở Viện Karolinska trao giải Nobel Sinh học và Y học; Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn học.
Giải Nobel Kinh tế không có trong di chúc của Nobel. Giải này chỉ được Ngân hàng Trung ương Thụy Điển Riksbank sáng lập hồi năm 1968 và số tiền thưởng của giải cũng do ngân hàng tài trợ.
Có thể nói 26 dòng di chúc trên đã thay đổi vĩnh viễn danh tiếng của Nobel. Ông từng bị coi là kẻ khuyến khích chiến tranh do nghiên cứu và sản xuất thuốc nổ. Nhưng với bản di chúc ấy, ông đã trở thành người cổ súy mạnh mẽ cho hòa bình.
“Với những giải thưởng này, ông muốn chứng tỏ mình thực sự là ai” - Jean-Francois Battail, giáo sư danh dự về ngôn ngữ và văn học Bắc Âu, thuộc trường Đại học Sorbonne ở Paris (Pháp), nhận xét - “Albert Einstein, người đoạt giải Nobel Vật lý năm 1921, cho rằng Nobel sáng lập nên giải Hòa bình bởi ông cảm thấy lương tâm không trong sạch”.
Bản di chúc của Nobel lần đầu tiên được trưng bày trước công chúng
Đưa Thụy Điển lên bản đồ quốc tế
Bản di chúc này được Nobel viết ở Paris và đề ngày 27/11/1895. Sau khi hoàn thành, nó được cất trong két sắt tại Ngân hàng Enskilda ở Stockholm. Nobel qua đời tháng 12/1896 ở Italy. Khi bản di chúc của Nobel được mở ra, gia đình đã bị sốc, bởi ông không hề nói với ai về các kế hoạch của mình.
“Những người thân của Nobel đã cố tìm cách hủy bỏ di chúc và cùng với nó là các giải thưởng mà chúng ta đã biết. Các giải thưởng ấy còn tồn tại tới nay là nhờ công lao lớn của những người thi hành ý nguyện của di chúc, đặc biệt là Ragnar Sohlman” - Battail giải thích.
Là một cựu trợ lý của Nobel, Sohlman đã quy tụ khối tài sản đang phân bổ ra khắp thế giới của Nobel. Ông thực hiện mọi ý nguyện cuối cùng của nhà phát minh, từng thuyết phục Vua Thụy Điển đổi ý, khi nhà vua không đồng tình với việc trao giải cho những người không sống ở Bắc Âu.
Năm 1900, Sohlman đã góp sức tạo nên Quỹ Nobel. Quỹ này được thành lập như một tổ chức tư nhân, vào ngày 29/6/1900, với chức năng là quản lý tài sản của Nobel và tổ chức các giải thưởng. Giải Nobel đầu tiên được trao vào năm 1901. “Ở Thụy Điển, rất nhiều người hiểu rằng bản di chúc của Nobel đã mang đến cho đất nước cơ hội trở nên nổi tiếng trên trường quốc tế” - Kaellstrand nói.
Sau khi ra đời, giải Nobel không phải không gây tranh cãi. Ví dụ như năm 1964, nhà văn Pháp Jean-Paul Sartre đã từ chối nhận giải Nobel Văn học. Hay năm 2009, “bão” tranh cãi đã nổi lên khi Tổng thống Mỹ Barack Obama được trao giải Nobel Hòa bình, chưa đầy 9 tháng sau khi ông nhậm chức, vào thời điểm Mỹ liên tiếp gây chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Song tựu chung, giải Nobel vẫn được xem là một hình ảnh tích cực của Thụy Điển.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất