Thiếu nhi TP.HCM trải nghiệm 'Trung Thu Bắc bộ'

12/09/2016 06:33 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 10/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, gần 300 em nhỏ đã cùng trải nghiệm phong vị Trung Thu kiểu Bắc bộ. Lễ hội mặt nạ với chủ đề Thằng Bờm có cái quạt mo do nhóm Cùng bé sáng tạo và Dragon Capital phối hợp tổ chức.

Dù công tác tổ chức chưa được truyền thông rộng rãi và thiếu những thu hút nhất định, nhưng chương trình cũng đã có những dấu ấn tốt. Tuy trời mưa, nhưng các bé rất vui vẻ vì được tự tay làm mặt nạ giấy bồi theo kiểu truyền thống và vẽ sáng tạo trên đó. Các bé cũng tự tay làm quạt giấy, một biến tấu của chiếc quạt mo cau thời xưa.

Bất ngờ tại Lễ hội mặt nạ là sự xuất hiện của rocker Trần Toàn K300, anh đưa con gái Trần Minh An (8 tuổi) đến vẽ và ngẫu hứng với một số ca khúc tự sáng tác như Bé tập tô màu, Câu hỏi… và vài ca khúc khác như Đám cưới chuột (Gạt Tàn Đầy), Cho con ( Phạm Trọng Cầu).

Bên cạnh đó, nhiều họa sĩ tên tuổi như Lương Lưu Biên, Bùi Tiến Tuấn, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Siu Quý, Phan Đình Phúc, Lê Võ Tuân, Trần Thế Vĩnh, Trần Phước Vinh… đã ủng hộ sự kiện bằng cách vẽ các mặt nạ để gởi bán và góp vào các quỹ cộng đồng.


 Trẻ em TP.HCM tham gia Lễ hội mặt nạ

Họa sĩ Lương Lưu Biên đưa con nhỏ đến dự sự kiện này cho biết: “Trong môi trường bảo tàng ít có những sự kiện văn hóa hay giáo dục mỹ thuật, tổ chức được những sân chơi như vậy là khá tốt. Vừa đừng để Trung Thu thành cơ hội biếu xén quà cáp của người lớn, vừa là hình thức tốt để văn hóa hay mỹ thuật gần với đời sống hơn, được quan tâm nhiều hơn. Nếu có gì góp ý, tôi nghĩ cần tổ chức sao cho phụ huynh có thể tham gia hỗ trợ, thưởng thức hoặc tìm hiểu thêm về văn hóa truyền thống cho đỡ chán, thay vì chỉ ngồi đợi”.

Họa sĩ Trang Thanh Hiền (Chủ nhiệm nhóm Cùng bé sáng tạo) cho biết: “Nếu đặt nghệ thuật mặt nạ Việt Nam so với các dòng nghệ thuật thế giới thì thấy rằng, những tác phẩm mặt nạ giấy bồi của người Việt rất mộc mạc. Chúng giản dị như chính tâm hồn của người Việt.

Hình ảnh các con vật rất đỗi quen thuộc như hổ, lợn, khỉ, sói… hoặc các nhân vật đậm chất nông thôn như Bờm, Tễu, hoặc nhân vật người Việt cổ mũi to, môi dày, hoặc các mặt nạ Chí Phèo, Thị Nở có thể nói mang đậm tinh thần Việt”.

“Thông qua những hình ảnh đó, người ta có thể thấy sự chồng xếp của các tầng văn hóa, văn học, cùng quan niệm của người Việt về cuộc sống. Ở đó cũng gửi gắm những ước vọng của người Việt về một đời sống no đủ, sung túc, an nhàn… Các nét vẽ trên những chiếc mặt nạ này thường rất ngây ngô, khái quát, không cầu kỳ hay thần bí hóa, mà đơn giản đủ để chuyển tải tinh thần với những nét hồn nhiên, giản dị”.

Kết thúc, các bé được mang những tác phẩm của mình về nhà để vui Trung Thu sắp đến. Ban tổ chức tặng những phần quà ý nghĩa cho các em có tác phẩm ấn tượng.

Như Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm