Sau nhiều lượt đấu giá, cuốn sách bằng vàng được nhà sưu tầm cổ vật Cao Xuân Trường mang về Việt Nam với giá 72.750 euro, tương đương hơn 2 tỷ đồng.
Đây là cuốn sách do vua Thiệu Trị (vị vua thứ ba thời nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1841 đến 1847) tặng cho bà phi Vũ Thị Viên khi bà được phong từ thứ hạng Lương Tần lên Lương Phi (1846). Cuốn sách bằng bạc được dát vàng kích thước 14 x 23 cm, có 5 tờ, 10 trang, nặng gần 2 kg, với 186 chữ Hán nói về thân thế cũng như sự nghiệp của bà phi này. Bìa sách được chạm trổ hình rồng, bên trong là chữ Hán nói về tiết hạnh cũng như các đức tính của bà phi Vũ Thị Viên.
Nhà sưu tầm cổ vật Cao Xuân Trường cho biết, lần đầu tiên được cầm trên tay cuốn sách vàng, anh hồi hộp, tay run bần bật vì xúc động. Ảnh: Hà Đan.
|
Trong căn nhà số 31 Bà Triệu (Hà Nội) chứa đầy cổ vật với những bộ bình cổ thời Khang Hy, tủ gỗ từ thế kỷ 19, đôi bình phong cẩn vàng bạc của vua Bảo Đại..., nhà sưu tầm cổ vật Cao Xuân Trường cho biết, cuốn sách vàng là món đồ anh quý nhất. Anh nhớ lại, năm 2002, lần đầu tiên anh được nghe nói về cuốn sách quý qua lời một người bạn Việt kiều Pháp. "Nghe tin có cuốn sách như vậy, tôi rất xúc động, chỉ mong được tận mắt nhìn thấy, sờ vào từng trang sách", anh Trường bày tỏ.
Nhưng phải đến những năm 2004 - 2006, niềm ao ước này của người đàn ông mê cổ vật mới thực hiện được. Anh chia sẻ, đôi tay cầm sách run bần bật vì quá xúc động khi được cầm món cổ vật có một không hai. Từ lúc đó cho đến tận khi đấu giá được món đồ quý này vào năm 2011, anh mới chỉ được một lần chạm tay vào cuốn sách.
Nhà sưu tầm cổ vật Cao Xuân Trường kể, để mang được cuốn sách về Việt Nam, anh phải đi đi về về từ Canada sang Pháp không dưới 10 lần. Ban đầu, dò la và biết, cuốn sách vàng đang được một tướng viễn chinh Pháp trong cuộc chiến tranh Việt Nam lưu giữ, anh đã lặn lội đến tận nhà riêng và thuyết phục người này bán. Dù vậy, mỗi lần đề cập chuyện mua bán, anh đều bị người Pháp kia từ chối.
Cơ duyên đến với Cao Xuân Trường vào khoảng tháng 10/2010, trong một lần đến Pháp, anh biết được thông tin khối vàng nói trên được đưa ra bán đấu giá. "Vượt mặt" cả người Tây, Trung Quốc và một vị khách bí mật trả giá qua điện thoại và ít ai biết, phải bán cả một căn nhà tại Canada, Cao Xuân Trường mới đem được quyển sách vàng về Việt Nam. Ngày cuốn sách về Việt nam là cuối tháng 3 năm 2011.
Bìa sách được chạm trổ hình rồng tinh xảo. Các trang kết nối với nhau bằng 4 chiếc khuyên cũng được đúc từ vàng pha bạc. Ảnh: Hà Đan.
|
Anh kể lại, mức khởi điểm trong buổi đấu giá là 30.000 euro, tương đương hơn 830 triệu đồng (tỷ giá hiện tại). Ngay sau đó, một vị khách Tây trả 45.000 euro (khoảng 1,2 tỷ đồng). Người Trung Quốc chốt giá 55.000 euro (hơn 1,5 tỷ đồng). Một khách bí mật định giá 70.000 euro (trên 1,9 tỷ đồng) qua điện thoại. Cuối cùng, Cao Xuân Trường là người thắng cuộc, với mức giá cho cuốn sách là 72.750 euro (hơn 2 tỷ đồng).
Theo Cao Xuân Trường, có giá trị vật chất lớn, nhưng không thể sánh với giá trị tinh thần. Anh bày tỏ, bán một căn nhà, có thể mua lại căn khác, nhưng nếu không mua được cuốn sách trong buổi đấu giá tại Pháp, thì cơ hội để đem được về Việt Nam gần như rất khó. Nhà sưu tầm cổ vật này cũng cho hay, anh không có ý định bán cuốn sách vàng cho người khác. Cũng có khả năng, anh sẽ hiến tặng cuốn sách trên cho một bảo tàng tại Việt Nam để báu vật mãi mãi trong nước.
Trên An ninh thế giới tháng 6/2011, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn- nguyên Giám đốc Bảo tàng mỹ thuật Cung đình Huế cho biết, cuốn sách nói trên là sách phong duy nhất bằng bạc mạ vàng vẫn tồn tại. Ở Việt Nam và hải ngoại, chỉ còn trông thấy một số sách bằng đồng (đồng sách), và thể sách (sách bằng lụa).
Theo VnExpress