Chính phủ Anh công kích "trùm" Rupert Murdoch

13/07/2011 15:27 GMT+7 | Trong nước

Không chỉ phải đối mặt với vụ kiện từ các nhà đầu tư trong tập đoàn News Corp của mình, ông trùm truyền thông Rupert Murdoch còn đang phải hứng chịu đợt công kích dữ dội từ các nhà lập pháp Anh.


Ông Rupert Murdoch và bà Rebekah Brooks ở London hôm 10/7 - Nguồn: AP.
Theo AFP, một ủy ban do Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh thành lập sẽ tiến hành thẩm vấn ông trùm 80 tuổi về vụ bê bối nghe lén của tờ News of the World vào các năm 2005-2006. Bên cạnh đó, sở cảnh sát Scotland Yard cũng đã lên tiếng cáo buộc các tờ báo của ông Murdoch đã tìm cách ngăn cản tiến trình điều tra vụ bê bối của tờ báo đã bị nhà Murdoch đình bản sau ngày 10/7.

Chưa hết, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cũng gia tăng sức ép lên đế chế truyền thông lớn thứ hai thế giới này khi buộc tội News Corp đã “che giấu tội ác” để thu thập thông tin cá nhân của ông, cũng như sử dụng những nghiệp vụ trái pháp luật nhằm moi tin con trai ông Brown bị bệnh nặng.

Ngoài ra, chính phủ Anh cũng đã kêu gọi ông Murdoch từ bỏ thương vụ thâu tóm kênh truyền hình trả tiền BskyB mà hiện News Corp đang nắm giữ 39% cổ phần. Người phát ngôn của đương kim Thủ tướng David Cameron nói rằng chính phủ sẽ ủng hộ bản kiến nghị trình lên quốc hội do Công đảng đối lập đưa ra. AFP bình luận rằng hiếm khi hai đảng phái chính trị ở Anh lại có sự đồng thuận như vậy về một vấn đề quan trọng nào đó.

Ông Cameron đã có cuộc gặp với phó thủ tướng Nick Clegg và lãnh tụ đối lập Ed Miliband vào ngày 12/7, trước khi ra một thông cáo vào ngày hôm nay liên quan đến việc trả lời công luận về vụ bê bối nghe lén tuần trước (cựu giám đốc truyền thông của ông Cameron là Andy Coulson bị bắt vì liên quan tới bê bối này).

Hôm Chủ nhật 10/7 thì ông Murdoch đã bay tới Anh để giải quyết cuộc khủng hoảng. Hôm qua thì ông Murdoch đã có cuộc gặp với giám đốc điều hành Rebekah Brooks của News International (thuộc News Corp, là công ty mẹ của các tờ NoW, The Sun, The Times, Sunday Times). Bà Brooks nguyên là biên tập viên của NoW trong thời gian diễn ra vụ bê bối nghe lén và đang bị cơ quan điều tra “sờ gáy.”


Bức ảnh tư liệu do hãng AP thực hiện tháng 3/2008, ghi lại buổi tiếp của Thủ tướng Anh khi đó là ông Gordon Brown với các đại diện của News Corp gồm Elisabeth Murdoch (giữa, con gái Rupert Murdoch) và Rebekah Brooks (Nguồn: AP).

Không chỉ là Brooks, cả con trai ông trùm truyền thông là James Murdoch, giám đốc điều hành của News Corp ở châu Âu và châu Á, cũng sẽ phải trả lời những câu hỏi liên quan đến vụ bê bối trên, cũng như đối mặt với cáo buộc đã hối lộ cảnh sát để lấy thông tin.

News International cho biết họ “sẵn sàng hợp tác” với Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh, nhưng chưa khẳng định sẽ có mặt ở buổi điều trần được tổ chức tuần tới hay không.

Trong khi đó, một số quan chức cao cấp của cảnh sát cũng sẽ phải trả lời những câu hỏi về cuộc điều tra đối với NoW năm 2006, rằng dù đã bắt giữ hai người (gồm một biên tập viên và thám tử tư của NoW) nhưng tại sao lại không tiếp tục mở rộng điều tra.

Trợ lý trưởng sở cảnh sát Scotland Yard, ông John Yates, người quyết định không mở lại vụ điều tra vào năm 2009, đã xin lỗi các nạn nhân của vụ nghe lén, song đã chỉ trích News International không cung cấp đầy đủ chứng cứ để phục vụ công tác điều tra.


Ông này cũng cho biết chính điện thoại của mình cũng đã bị nghe lén trong giai đoạn 2005-2006, song kịch liệt bác bỏ những suy đoán cho rằng sở dĩ ông không mở lại cuộc điều tra là vì sợ thông tin cá nhân của mình cũng sẽ được tung lên mặt báo.

Trưởng cơ quan cảnh sát Scotland Yard, Keith Vaz đã nói rằng những lời nói của Yates là “thiếu thuyết phục.”

Cho đến tháng 1/2011 thì cảnh sát mới mở lại cuộc điều tra trong một chuyên án mang tên “Operation Weeting” và tiến hành nghiên cứu 11.000 trang tài liệu thu giữ được từ thám tử tư Glen Mulcaire, người đã bị bắt năm 2007 trong cuộc điều tra trước đây.

Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm