Trọng tài ngoại và thói xấu của người Việt

13/08/2015 18:10 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Khách của ông chủ quán cà phê tuần này là một trọng tài của Việt Nam. Họ bàn luận về việc V-League sẽ có trọng tài ngoại tới điều khiển vào cuối mùa.

- Ông chủ quán: Trọng tài các anh nghĩ gì khi ngay cả những trận đấu có chất lượng  tầm thường như V-League cũng phải cần tới trọng tài ngoại?

+ Trọng tài: Tôi chỉ ngại nếu FIFA sẽ hỏi chúng ta là tại sao các anh phải cần tới trọng tài ngoại khi mà các anh có tới 5 trọng tài được gắn mác FIFA. Trong khi giải đấu của chúng ta mỗi vòng chỉ có 7 trận, và đến giai đoạn cuối thì hơn một nửa trong số đó là các trận đấu thủ tục.

- Trọng tài FIFA tức là những trọng tài giỏi nhất thế giới, có thể hiểu như thế được chăng?

+ Ở một mức độ nào đó thì không phải, vì các trọng tài trên khắp thế giới không đọ sức đọ tài với nhau để được phong cấp. Nhưng trọng tài quốc tế được FIFA công nhận thì đương nhiên phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của FIFA đưa ra cả về trình độ chuyên môn, thể lực và đạo đức. Các trọng tài FIFA của Việt Nam về mặt lý thuyết là được phép bắt các trận đấu ở World Cup trong khi những trọng tài không phải cấp FIFA thì không được mời làm các trận đấu quốc tế ở cấp câu lạc bộ lẫn đội tuyển quốc gia.


Trọng tài Takuto Okabe được mời bắt chính trận Hà Nội T&T - Becamex Bình Dương

- FIFA có kiểm tra các phẩm chất của các trọng tài Việt Nam các anh không?

+ Không. Họ công nhận, và gắn phù hiệu FIFA lên áo cho những trọng tài mà VFF (cũng như các Liên đoàn khác) đề nghị và có một giới hạn về số lượng căn cứ theo trình độ phát triển của các nền bóng đá.

+ Chúng ta ngang ngửa với ai?

Cũng có 5 trọng tài FIFA như chúng ta có Singapore, Thái Lan, Triều Tiên và một số Liên đoàn khác ở châu Á. Nhưng cần biết rằng 5 đã là rất nhiều, FIFA đã quá hào phóng vì Nhật Bản, Australia cũng chỉ có 7 trọng tài FIFA.

- Vậy FIFA có biết ai giỏi ai dở trong số trọng tài FIFA các Liên đoàn gửi lên?

+ Tôi nghĩ là họ biết. Vì 5 trọng tài FIFA của Việt Nam, mỗi Võ Minh Trí hay được mời đi bắt các giải quốc tế như vòng loại World Cup, AFC champions League, thậm chí là Olympic và từng được Giải VĐQG Trung Quốc mời sang cầm còi. Mọi người nên hỏi tại sao các trọng tài FIFA khác của Việt Nam không được mời.

- Vậy là có thể nói chúng ta cố nhét cho đủ 5 trọng tài FIFA?

+ Tôi không khẳng định. Thực tế là họ cũng đã khá dũng cảm khi nhìn trong danh sách của FIFA thì chúng tôi chỉ còn 3 trợ lý đó gắn mác FIFA, trong khi cách đây 2 năm là 7, và Singapore với Thái Lan hiện có 8. Nhưng chắc chắn là không thể nhìn anh nay anh kia có mác FIFA trên ngực áo mà nghĩ là họ đã là những trọng tài xuất sắc.

- Thế thì những việc mời trọng tài ngoại về bắt giải VĐQG là một việc làm củng cố nhận định việc chúng ta có 5 trọng tài FIFA nhưng lại rất thiếu trọng tài xuất sắc?

+ Có những Liên đoàn có chương trình trao đổi trọng tài như các lĩnh vực khác có trao đổi cán bộ để cùng phát triển. Có những Liên đoàn mời trọng tài nữ bắt giải nam cũng không có nghĩa là các trọng tài nam ở đó kém. Ông Trưởng giải V-League có khẳng định là mời trọng tài ngoại thì không bàn đến chất lượng trọng tài nội, không nói tới nghi vấn tiêu cực. Nhưng việc mời trọng tài ngoại điều khiển 3 vòng cuối rõ ràng cũng "tố cáo" vài ba vấn đề nào đó.

- Nếu được các trọng tài "ủy quyền", anh sẽ tự bào chữa trước những "cáo buộc" là các anh kém tới mức không thể bắt nổi các trận đấu ở V-League?

+ Chúng tôi có thể bắt những trận đinh ở giải Ngoại hạng Anh. Ở đó, chúng tôi có thể vừa cười vừa rút thẻ vàng, vừa rút thẻ đỏ mà không sợ bị cầu thủ đuổi đánh, vừa truất quyền chỉ đạo của HLV mà không sợ bị ông ta rút thẻ ném vào mặt, điềm nhiên điều khiển trận đấu mà không bị các cổ động viên "đưa" cả mẹ của mình đến sân khi họ tức giận, có thể nhẹ nhàng giải thích lỗi và tinh tế chìa 3 ngón tay thay cho lời nói anh đã phạm lỗi 3 lần.

- Tại sao các anh không làm những điều đó ở V-League?

+ Tên gốc của tác phẩm kinh điển có hai nhân vật huyền thoại Chí Phèo, Thị Nở là Đôi lứa xứng đôi. Các cầu thủ sẵn sàng lao vào chúng tôi như ăn tươi nuốt sống. Chúng tôi đôi khi phải xưng "mày - tao", phải dọa nạt. Các CĐV đến sân có người thay vì cầm bánh mì thì cầm viên gạch, có người thay vì rời sân bóng về thẳng nhà thì tìm cách bám theo chúng tôi.

- Nhưng các anh "là cha, là mẹ" cơ mà. Các anh phải thay đổi trước tiên!

+ Tôi nghĩ là cả hai. Chúng tôi sẵn sàng ngồi lại với các cầu thủ, các CLB để thỏa thuận về ứng xử nhưng chưa ai bảo chúng tôi ngồi. Mà nó cũng như ứng xử giữa người tham gia giao thông và cảnh sát giao thông đó, ai cũng thấy là phải thay đổi nhưng bao năm vẫn thế. Hoặc khi xảy ra một vụ va quệt, phản ứng khá phổ biến là hai bên lao vào nhau thay vì để câc cơ quan chức năng phân xử. Bóng đá nhìn chung có nhiều sự minh bạch đáng ngưỡng mộ, không có những vùng cấm đối với truyền thông, nhưng chưa thể cao hơn mặt bằng xã hội được.

- Anh tiên liệu thế nào về các trận đấu có trọng tài ngoại?

+ Các cầu thủ sẽ phải đi học tiếng Anh nếu muốn cãi nhau với trọng tài ngoại. Nhưng ngay cả có vốn tiếng Anh tốt thì họ cũng sẽ không cãi. Không chỉ là đúc kết từ mùa trước, mà cái này được các nhà xã hội học, các giáo sư tiến sĩ cũng nói cả rồi: Người Việt nói chung luôn tỏ ra hiếu khách, lại có chút "kính ngoại", thường rất tử tế với người nước ngoài bên cạnh việc trở nên lịch sự kinh ngạc khi ra nước ngoài. Tôi nghĩ là sẽ ổn.

- Cảm ơn anh và chúc anh sớm được gắn mác FIFA.

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm