Chưa từng "dàn dựng" Lễ phát ấn đền Trần

21/05/2011 10:55 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - PGS Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (VHNT VN) khẳng định như vậy trong cuộc tọa đàm chiều qua (20/ 5) khi báo chí cho rằng cách đây vài năm, chính đơn vị này từng phối hợp với tỉnh Nam Định để “phục dựng” nghi thức phát ấn gây nhiều tranh cãi hiện nay.

1. Sau hội nghị trực tuyến sơ kết công tác quản lý lễ hội do Bộ VH,TT&DL tổ chức chỉ chưa đầy 10 ngày, Viện VHNT VN tiếp tục tổ chức cuộc tọa đàm nhằm chủ động trao đổi thông tin và lấy ý kiến từ báo giới về lễ hội khai ấn đền Trần. Theo thống kê của Viện, trong 3 tháng đầu năm 2011, hội khai ấn thật sự trở thành “điểm nóng” trước sự quan tâm đặc biệt của báo giới về mọi phương diện: tình trạng an ninh trật tự, xuất xứ thật/giả của lá ấn cổ, việc ưu tiên “thẻ xanh” cho quan chức vào lấy dải ấn trong đền...

Hy vọng những cảnh tượng từng xảy ra tại lễ khai ấn đền Trần năm 2011 sẽ không lặp lại. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Trước việc báo chí thắc mắc về thông tin cho rằng, Viện VHNT VN từng phối hợp với tỉnh Nam Định “phục dựng” nghi thức phát ấn gây tranh cãi này, PGS Nguyễn Chí Bền khẳng định: “Chúng tôi có phục dựng một số lễ hội truyền thống, nhưng chưa từng tham gia vào dàn dựng lễ hội khai ấn đền Trần. Hoạt động lớn nhất Viện VHNTVN từng làm trước đây là phối hợp cùng tỉnh Nam Định tổ chức hội thảo về nguồn gốc và giá trị của lễ hội khai ấn đền Trần nói chung”.

Theo thông tin đưa ra tại cuộc tọa đàm, chỉ một số ít tham luận trong cuộc hội thảo năm 2009 nhắc tới nghi thức phát ấn tại đền Trần. Thái độ chung của các tham luận này cũng là dè dặt và... nước đôi trước câu hỏi: Nghi thức phát ấn có thật sự tồn tại trong lịch sử của hội khai ấn? Đến nay, dù vẫn còn một vài ý kiến trái chiều, có thể thấy thái độ chung của báo giới thời gian qua là không đồng tình với những bất cập đang diễn ra tại hội khai ấn đền Trần. Đặc biệt, việc gần hai chục du khách ngất xỉu vì chen lấn – cho dù tỉnh Nam Định huy động 2.000 công an, bộ đội, dân quân... để bảo vệ an ninh – đã khiến một số tờ báo nhắc tới ý kiến đề nghị huỷ bỏ tục phát ấn tại đền Trần.

2. Cần nói thêm, việc lấy ý kiến báo giới, nhà chuyên môn và cơ quan quản lý... chỉ là một trong số những hoạt động của Viện VHNT VN khi được giao nhiệm vụ nghiên cứu về lễ hội phát ấn. Tiếp theo đó, 1.000 lá phiếu thăm dò sẽ được đơn vị này triển khai phát cho nhân dân phường Lộc Vượng (Nam Định, nơi tổ chức hội khai ấn) để tìm hiểu quan điểm của người dân địa phương về lễ hội này.

Trước một số ý kiến rằng việc chọn đối tượng thăm dò bản địa là thiếu khách quan (người dân Lộc Vượng có lợi ích gắn với việc tham gia buôn bán, kinh doanh tại đền Trần), ông Bền cho biết: Viện sẽ tiếp tục nghiên cứu để mở rộng đối tượng khảo sát tới các địa phương khác. Đồng thời, những cuộc tiếp xúc lấy ý kiến giữa cán bộ Viện với người dân quanh đền Trần cũng sẽ được triển khai, trước khi Viện xây dựng mô hình chuẩn để vận hành lễ hội từ năm 2012 tới.

“Thật lòng, chúng tôi muốn nhân dân địa phương cùng hiểu rõ về những bất cập tại lễ khai ấn những năm vừa qua. Có hiểu rõ và được thuyết phục, chúng ta mới có thể tìm thấy sự hợp tác và đồng thuận ở phía họ nếu năm 2012 tổ chức hội khai ấn theo mô hình mới”- ông Bền nói. “Tại đền Ghềnh, Nam Định, những năm 1970 hoạt động thờ Mẫu từng bị cấm vì lý do mê tín dị đoan. Nhưng vào đêm 3/3 âm lịch hằng năm, người ta vẫn chứng kiến cảnh nhân dân quanh vùng trèo rào, dỡ mái ngói để “đột nhập” vào đền dâng lễ trước bàn thờ Mẫu. Tôi kể vậy để nói rằng sự ủng hộ của người dân địa phương với những thay đổi tại lễ hội khai ấn là cần thiết đến thế nào” – ông Bền đưa ra ví dụ.

10 năm qua, lễ hội đền Ghềnh đã từng bước được công nhận và phục hồi trở lại. Theo kế hoạch, giữa tháng 6 tới đây, Viện VHNT VN sẽ hoàn chỉnh mô hình vận hành lễ hội khai ấn đền Trần và đệ trình lên các cơ quan chức năng để xin ý kiến. 

Cúc Đường


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm