29/09/2022 07:00 GMT+7 | Văn hoá
Chúng ta đang bước qua những ngày cuối cùng của tháng 9. Có nghĩa, 3 tháng nữa là năm 2022 trôi qua. Và 3 tuần tiếp sau đó nữa là Tết âm lịch, bởi Tết năm nay đến sớm.
Như thông lệ, trong vài tuần gần đây, các cơ quan chức năng liên tục thảo luận và lấy ý kiến về các phương án dành cho kỳ nghỉ Tết nguyên đán sắp tới. Vắn tắt, theo từng phương án, người lao động trong cơ quan Nhà nước sẽ lần lượt có 7, hoặc 8, hoặc 9 ngày nghỉ.
Và tất nhiên, trong khi các phương án ấy đang được bàn tới bàn lui (hiện đang trình phương án 7 ngày lên Bộ LĐ,TB&XH), những người lao động như chúng ta cũng không hề thờ ơ.
Bên cạnh sự khác nhau về số ngày, điều quyết định 3 phương án nghỉ Tết này nằm ở thời điểm bắt đầu và kết thúc của kỳ nghỉ. Theo đó, phương án 1 cho người lao động nghỉ từ 29 Tết tới mùng 5 âm lịch (7 ngày) , sau đó đi làm một ngày rồi lại… nghỉ tiếp 2 ngày cuối tuần. Phương án 2 “đẩy” kỳ nghỉ lui lại một ngày để kết hợp cùng 2 ngày cuối tuần tạo ra một mạch nghỉ 9 ngày (từ 30 Tết tới mùng 8 âm lịch). Phương án 3 cho phép người lao động nghỉ 8 ngày (từ 29 Tết tới mùng 7 âm lịch), sau đó đi làm bù một ngày vào thứ Bảy kế tiếp.
Nhìn qua, có thể thấy mỗi phương án đều có những ưu nhược điểm riêng. Cụ thể, phương án 1 và 3 giúp người lao động có thêm một ngày nghỉ trước Tết - trong khi ở phương án 2, họ được "hưởng trọn" 9 ngày ăn Tết không gián đoạn.
Tất nhiên, với tâm lý “Tết cho ra Tết” vốn rất phổ biến, không có gì lạ khi phương án 1 được nhiều người nhắc tới một cách hào hứng nhất. Điển hình, trên cuộc khảo sát trực tuyến do một tờ báo điện tử tổ chức với hơn 12 ngàn người bầu chọn, có tới 55 % ý kiến chọn phương án này, trong khi phương án nghỉ 7 ngày chỉ có… 5 %.
Nhưng ngược lại, trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự lo lắng: Việc nghỉ Tết muộn theo phương án 2 (nghỉ từ 30 Tết) chắc chắn sẽ gây khó khăn lớn cho người dân trong việc chuẩn bị đón Tết - đặc biệt là với những người phải vượt một quãng đường xa để về quê nhà.
***
Nhìn lại, suốt nhiều năm trong quá khứ, kỳ nghỉ Tết của người lao động tại các cơ quan Nhà nước chỉ gói gọn trong 4 ngày từ 30 tới mùng 3 Tết. Theo thời gian, khi cuộc sống được nâng cao, những tiến bộ về chế độ phúc lợi - cũng như cơ chế cho phép "nghỉ bù" và hoán đổi linh hoạt ngày nghỉ - đã khiến số ngày nghỉ Tết của chúng ta có cơ hội tăng lên gấp đôi như hiện giờ.
Để rồi, chính bản thân quỹ ngày nghỉ được kéo dài ấy lại đang khiến chúng ta có phần lúng túng, khi tìm cách cân bằng nhu cầu và hoàn cảnh riêng của từng đối tượng lao động - cũng như giải quyết những hệ quả về giao thông, cung cấp dịch vụ, giao dịch công việc... mà một kỳ nghỉ Tết mang lại như bây giờ.
Có lẽ, đó là sự lúng túng tất yếu của một xã hội đang phát triển, với nhu cầu dần trở nên đa dạng về thời lượng và thời điểm nghỉ Tết của các nhóm đối tượng lao động. Để rồi, như nhiều chuyên gia đã chỉ ra, cũng sẽ tới lúc việc nghỉ Tết trở nên ổn định và không cần.... mất công bàn thảo như bây giờ - khi chúng ta dần phải chuẩn hóa và có những công thức cụ thể về cách thực hiện chế độ nghỉ Tết để áp dụng chung cho mọi năm.
Một kỳ nghỉ Tết kéo dài là niềm vui với người lao động trong một xã hội tiến bộ. Và niềm vui ấy càng trở nên trọn vẹn, nếu như cầm một cuốn lịch năm mới, chúng ta đã lập tức nhẩm tính được về thời điểm của những kỳ nghỉ trong năm theo những công thức và quy định đã được luật hóa.
Trí Uẩn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất