Số phận kẻ đánh cắp nàng Mona Lisa

21/08/2011 11:58 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cách đây đúng 100 năm, Bảo tàng Louvre đã xảy ra vụ việc tồi tệ nhất trong lịch sử mỹ thuật - bức tranh Mona Lisa của danh họa thời Phục hưng Leonardo da Vinci bị đánh cắp. Mặc dù tên trộm tranh đã bị bắt và phải ngồi tù, bức tranh đã được tìm thấy, thế nhưng động cơ thực thụ của vụ trộm này vẫn là một bí ẩn, mặc dù 1 thế kỷ đã trôi qua.


Được đánh giá là bức chân dung vĩ đại nhất mọi thời đại, kiệt tác Mona Lisa được Leonardo da Vinci vẽ từ năm 1503 đến năm 1507. Nhưng ngày 21/8/1911, bức tranh này đã bị Vincenzo Peruggia (1881-1925), một người Italia nhập cư đánh cắp từ bảo tàng Louvre - nơi bức tranh được trưng bày. Peruggia đã giữ bức tranh này ở Paris trong hơn 2 năm và đương nhiên hắn đã không bị tóm nếu như không trao trả “nàng” Mola Lisa về Florence (Italia), thông qua một nhà buôn nghệ thuật Italia, và tuyên bố hắn đánh cắp bức tranh để trao trả nó về cho người Italia và coi đó là một hành động yêu nước.

Sau khi bị bắt, Peruggia khai hắn tiến hành vụ trộm tranh một mình, song nhiều người không tin và nhiều giả thuyết đã được nêu ra.

Lật lại vụ án

Joe Medeiros, tác giả bộ phim tài liệu dài 88 phút mang tiêu đề The Missing Piece: The Truth About The Man Who Stole The Mona Lisa (Tác phẩm bị đánh cắp: Sự thực về người đàn ông đánh cắp bức tranh Mona Lisa), đưa ra một giả thuyết được cho là thuyết phục nhất: “Peruggia chỉ là một gã đàn ông nhỏ thó trong một mưu đồ lớn nhằm bán các bức tranh Mona Lisa giả cho các triệu phú Mỹ. Vụ trộm bức tranh Mona Lisa thật là cách duy nhất để thuyết phục các khách hàng rằng họ đang mua được “nàng” Mona Lisa thực thụ”.

Nghiên cứu bản sao của 1.500 tài liệu trong các trung tâm tư liệu ở Pháp và Italia, trong đó có cả các hồ sơ cảnh sát và tư liệu tòa án, ông Medeiros đã phát hiện ra rằng động cơ khiến Peruggia tiến hành vụ trộm tranh là vì tiền chứ hoàn toàn không vì cái gọi là “lòng yêu nước”.

Nhằm tìm hiểu nguyên do khiến Peruggia đánh cắp bức tranh, ông Medeiros đã gặp Celestina - con gái Peruggia - ở Italia. Nhưng bà Celestina chỉ biết rất ít về người cha của mình bởi khi Peruggia chết, bà mới chập chững biết đi. Bà Celestina đã qua đời từ tháng 3 năm nay, ở tuổi 87. Do vậy, nhà làm phim Medeiros đã tới Bảo tàng Louvre để tìm hiểu lộ trình mà Perruggia tiến hành vụ trộm.


Ảnh tên trộm nổi tiếng Vincenzo Peruggia và dấu vân tay của hắn

Vào thời điểm đánh cắp bức tranh, Peruggia là một họa sĩ 29 tuổi, tham gia làm những tấm kính bảo vệ 1.600 kiệt tác tại Bảo tàng Louvre. Nhờ vậy mà hắn biết rõ các tác phẩm nghệ thuật Italia trong bảo tàng và tự hỏi tại sao bức chân dung Mona Lisa lại nằm trong bộ sưu tập của bảo tàng Louvre. Hắn từng đọc một tài liệu trong đó viết, khi xâm chiếm Italia, Hoàng đế Pháp Napoleon đã đánh cắp nhiều báu vật nghệ thuật của nước này và đã mang chúng về Paris. Do vậy mà Peruggia tin rằng tất cả các tác phẩm nghệ thuật trong bảo tàng Louvre đều bất hợp pháp trong đó có Mona Lisa.

Khi đánh cắp bức chân dung Mona Lisa, Peruggia không hề biết rằng bức tranh là do chính Leonardo da Vinci đã bán cho vua Pháp Francois. Hắn chỉ nghĩ rằng nó nhỏ và dễ mang.

“Vào một ngày thứ Hai, ngày bảo tàng đóng cửa để làm vệ sinh, Peruggia đã vào bảo tàng, hắn mặc một chiếc áo bờ lu trắng rồi trà trộn vào đám nhân công khác, hắn dỡ bức tranh ra khỏi tường, tháo tranh ra khỏi khung và ra khỏi bảo tàng với kiệt tác trong tay, được bọc trong chiếc áo bờ lu” - Medeiros cho biết.

Hôm sau, khi phát hiện ra bức tranh không còn ở đó, các nhân viên bảo vệ trong bảo tàng vẫn tưởng nhiếp ảnh gia của bảo tàng dỡ tranh xuống làm việc. Nhưng khi thấy khung tranh rỗng bị vứt ở cầu thang thì các nhà điều hành của bảo tàng Louvre mới nghĩ rằng bức tranh đã bị đánh cắp.

Picasso, Apollinaire cũng từng bị thẩm vấn

Vụ trộm này đã gây chấn động và thậm chí một số nhân vật nổi tiếng cũng từng bị nghi ngờ có liên quan đến vụ trộm, như danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso và bạn ông - nhà thơ kiêm nhà phê bình nghệ thuật Guillaume Apollinaire - cũng bị thẩm vấn bởi cả 2 đều từng mua phải nhiều bức tượng đánh cắp từ bộ sưu tập khảo cổ của bảo tàng Louvre.

Khoảng 60 thám tử đã lùng sục khắp bảo tàng và Peruggia đã để lại những dấu vân tay trên tấm kính bảo vệ bức tranh, nhưng họ vẫn không thể tìm ra nổi tung tích của bức tranh. Các nhà điều tra chẳng hề biết thực ra “nàng” Mona Lisa chỉ ở cách bảo tàng Louvre 2 dặm, trong căn phòng nhỏ của Peruggia.

“Nàng” Mona Lisa tá túc ở đó trong khoảng gần 2 năm rưỡi và đến tháng 12/ 1913, Peruggia mang bức tranh tới một nhà buôn nghệ thuật Florence và tuyên bố hắn là một người Italia yêu nước. Hắn hy vọng sẽ được Chính phủ Italia trọng thưởng cho nỗ lực của mình, nhưng hắn đã bị tống giam. Tuy nhiên, Peruggia đã được hưởng mức án khoan dung và chỉ bị ngồi tù hơn 7 tháng.

Nghiên cứu các bức thư Peruggia viết cho cha mẹ và bản báo cáo dày 61 trang của một bác sĩ tâm lý (do tòa án chỉ định), ông Medeiros đã có những manh mối về động cơ đánh cắp bức tranh Mona Lisa của Peruggia.

Các tài liệu nêu trên còn nêu rõ Peruggia đã quá mệt mỏi với nghề vẽ của mình, vì công việc đó khiến hắn ốm yếu (Peruggia đã bị nhiễm độc). Hắn không muốn lang thang ở Paris tìm kiếm việc làm bởi là một dân nhập cư, hắn luôn bị các đồng nghiệp đối xử tệ. Hắn là một người đàn ông đơn độc, mệt mỏi khi phải sống xa gia đình.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm