Trung Quốc rơi vào tình thế 'tiến thoái lưỡng nan' về Triều Tiên

28/08/2017 16:03 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trung Quốc đang phải "đấu tranh" với mối quan hệ phức tạp với chính quyền của ông Kim Jong-un, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên. Là những đồng minh lâu năm, quan hệ mật thiết giữa hai nước từng được cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông ví như "môi với răng".

Tuy nhiên, những hành động của Bình Nhưỡng, bao gồm 2 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) gần đây và vụ phóng những tên lửa tầm xa hôm 27/8, đã đặt Bắc Kinh vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" nghiêm trọng.

Chú thích ảnh
Các tên lửa đạn đạo của đơn vị pháo binh Hwasong thuộc Quân đội Nhân dân Triều Tiên được phóng tại một địa điểm bí mật ở Triều Tiên ngày 7/3. Ảnh: EPA/TTXVN

Tuần này, Trung Quốc đã đáp trả những biện pháp trừng phạt liên quan tới Triều Tiên mà Mỹ áp đặt đối với 6 công ty và 1 cá nhân Trung Quốc với cáo buộc hỗ trợ chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Bắc Kinh đã hối thúc Washington "phải ngay lập tức sửa sai" khi áp đặt các biện pháp trừng phạt, khiến Trung Quốc hứng chịu những chỉ trích mới về việc miễn cưỡng gây sức ép lớn hơn với nước láng giềng.

Trung Quốc có rất nhiều quan ngại về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, trong đó mối lo hàng đầu là sự mất ổn định của chế độ Kim Jong-un. Nếu chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với sự hỗn loạn từ làn sóng hàng triệu người tị nạn Triều Tiên tràn sang lãnh thổ Trung Quốc qua biên giới phía Bắc, cũng như khả năng một Triều Tiên thống nhất thân thiết với Mỹ kéo theo sự hiện diện quân sự của cường quốc này. Do vậy, Trung Quốc thận trọng trước việc cắt giảm viện trợ hoặc trao đổi thương mại với Triều Tiên để tránh gia tăng nguy cơ chế độ này sụp đổ.

Triều Tiên phóng 3 tên lửa, Hàn Quốc đánh giá chỉ là 'làm màu'

Triều Tiên phóng 3 tên lửa, Hàn Quốc đánh giá chỉ là 'làm màu'

Đây là sự khiêu khích lần đầu tiên trong một tháng qua, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành hai vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) gây lo ngại và dọa tấn công tên lửa vào Guam (Goam), vùng lãnh thổ Mỹ ở Thái Bình Dương.

Mặc dù Bắc Kinh không muốn chiến tranh hay hỗn loạn trước ngưỡng cửa của mình, song cũng không muốn Bình Nhưỡng tiếp cận các vũ khí hạt nhân. Việc Triều Tiên sở hữu hạt nhân cũng sẽ làm gia tăng sự can dự của các cường quốc khu vực, sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực cũng như tạo lý do cho cả Hàn Quốc và Nhật Bản theo đuổi các chương trình hạt nhân.

Trung Quốc đã đưa ra giải pháp "đình chỉ kép" trên Bán đảo Triều Tiên, kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự chung, đổi lại Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân. Bắc Kinh cũng thường xuyên kêu gọi tiến hành các cuộc đàm phán ngoại giao đa phương, hy vọng nối lại các cuộc đàm phán 6 bên với Triều Tiên, Nga, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

TTXVN/Báo Tin Tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm