Triều Tiên sở hữu loại vũ khí còn đáng sợ hơn tên lửa đạn đạo liên lục địa

07/08/2017 00:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Theo chuyên gia tên lửa James Kiessling thuộc Lầu Năm góc, những lần phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên trên xe chuyên dụng có thể là trò đánh lừa sự chú ý để dư luận không để mắt đến một dự án tên lửa khác đáng sợ hơn nhiều, đe dọa toàn bộ nước Mỹ mà Bình Nhưỡng đang theo đuổi.

Theo Business Insider, với hai lần liên tiếp trong tháng 7 thử thành công tên lửa được cho là ICBM, Triều Tiên đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng vì sự đột phá trong việc phát triển công nghệ tên lửa.

Triều Tiên cũng phát tán các hình ảnh những lần phóng thử tên lửa nhằm khẳng định sức mạnh mình đang nắm giữ. Tuy nhiên, chuyên gia tên lửa James Kiessling – đang làm việc tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - nhận định các hình ảnh về ICBM đó có thể chỉ là chiến thuật lừa gạt.

Chú thích ảnh
Tên lửa Triều Tiên vận chuyển trên xe tải. Ảnh: KCNA/Reuters

Ông Kiessling giải thích: “Nếu như bạn thực sự là người quan tâm tới ICBM, hãy quay lại và nhìn vào lịch sử phát triển của nó. Tất cả các loại ICBM sử dụng nhiên liệu lỏng đều đặt trong hầm phóng”.

Trong khi đó, với những bức hình và số liệu thu nhận được từ hai lần phóng của Triều Tiên, chuyên gia Kiessling kết luận loại tên lửa đặt trên xe tải di động mà Triều Tiên phô bày thực tế không thể hoạt động đúng như kế hoạch, và thay vào đó nó chỉ đóng vai trò đánh lừa sự chú ý của dư luận không để mắt đến một dự án tên lửa khác có sức mạnh hơn.

Viết phân tích cho trang tin Breaking Defense, chuyên gia Kiessling và người đồng nghiệp Ralph Savelsberg chứng mình kích thước nhỏ của mẫu ICBM mà Triều Tiên sở hữu cơ bản là vô dụng trong việc vươn xa tới Mỹ.

Lịch sử đã cho thấy việc vận chuyển ICBM sử dụng nhiên liệu lỏng trên một chiếc xe tải là một sai lầm lớn và không thể nào làm được. Nếu như những gì Triều Tiên thể hiện, đặt ICBM lên một chiếc xe tải rồi vận chuyển vòng quanh trên con đường mấp mô, điều đó cực kỳ nguy hiểm và làm hư hại phương tiện.

Mỹ, Liên bang Xô viết và Trung Quốc đều chế tạo tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng đặt trong hầm, vì loại tên lửa tĩnh ổn định hơn và ít gây hư hại tới giá đỡ.

Cho đến nay không có bằng chứng cho thấy Triều Tiên xây dựng bất kỳ chiếc hầm nào cho các vụ phóng tên lửa.

Chuyên gia Kiessling cho biết có thể Triều Tiên đang triển khai một chiến dịch đánh lừa quy mô lớn nhằm qua mặt một số chuyên gia tên lửa hàng đầu trên thế giới. Ông Kiessling nghĩ rằng Triều Tiên thực tế đang chuẩn bị một tên lửa đặt trong hầm kết hợp các bộ phận của tên lửa Hwasong-14 và tên lửa đẩy vệ tinh Unha.

Chú thích ảnh
Tên lửa ICBM Titan II trong hầm chứa ở Mỹ

Bản phân tích này được coi là đồng nhất ý kiến với những lời bình luận của Mike Elleman – một nghiên cứu viên cấp cao chuyên về tên lửa thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế - đưa ra trước đó khi đánh giá về tên lửa Hwasong-14. Elleman tin rằng Triều Tiên sẽ phát triển một ICBM hạng nặng hơn, đủ khả năng đe dọa toàn bộ nước Mỹ.

Một số nhà phân tích khác phản biện cho rằng lời đánh giá của Kiessling là không chính xác khi chỉ dựa vào kích thước của Hwasong-14. 

Phản ứng trước sự không đồng tình, chuyên gia Kiessling bày tỏ: “Nếu như tôi là ông Kim Jong-un, và tôi muốn có một chương trình ICBM hoàn chỉnh, tôi sẽ làm theo cách những người khác làm (chế tạo tên lửa phóng từ hầm). Song cùng lúc, bạn sẽ khởi động một chương trình đánh lừa để thu hút sự chú ý của người khác khỏi những gì bạn đang ngầm chuẩn bị cho đến khi bạn hoàn tất”.

Không chỉ có vậy, hầm chứa tên lửa sẽ trở thành mục tiêu dễ dàng trước các đợt tấn công từ Mỹ khi nhằm vào Triều Tiên, vì loại mục tiêu đó không thể bị che giấu một khi đã phát hiện. Nếu như Mỹ biết được Triều Tiên vẫn chưa thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đủ để vừa khít loại tên lửa lưu động, thì tấn công vào các mục tiêu cố định như hầm chứa dường như là một phương án thích hợp.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 5/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã nhất trí thông qua nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên liên quan đến 2 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bình Nhưỡng trong tháng 7. 

Nghị quyết trừng phạt do Mỹ soạn thảo đã cấm Triều Tiên xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản. Nghị quyết này cũng cấm các nước tăng số lượng lao động Triều Tiên ở nước ngoài hiện nay, cũng như cấm các hình thức liên doanh mới với Triều Tiên và bất cứ hoạt động đầu tư mới nào trong các công ty liên doanh hiện tại với nước này. 

Nghị quyết cũng bổ sung 9 cá nhân và 4 thực thể của Triều Tiên vào danh sách trừng phạt, trong đó có một ngân hàng chủ chốt, buộc họ phải chịu sự đóng băng tài sản toàn cầu và bị cấm đi lại. 

Dự kiến, các biện pháp trừng phạt này có thể làm sụt giảm 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên, vốn đang ở mức 3 tỷ USD hàng năm.

Những biện pháp trên được đưa ra sau nhiều tuần đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc và là lệnh trừng phạt đầu tiên ở quy mô như vậy đối với Triều Tiên kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, nêu bật sự sẵn sàng của Bắc Kinh trong việc trừng phạt Bình Nhưỡng.

Ông Kim Jong-un hút thuốc lá ngay cạnh tên lửa liên lục địa

Ông Kim Jong-un hút thuốc lá ngay cạnh tên lửa liên lục địa

Lực lượng tên lửa Triều Tiên để nhà lãnh đạo Kim Jong-un đứng hút thuốc lá và đi lại tự do cách quả tên lửa nhiêu liệu lỏng Hwasong-14 chưa được thử nghiệm chỉ cách vài bước chân.

Hồng Hạnh/Báo Tin Tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm