Ngày 16/3, sau khi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên thông báo kế hoạch phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy tầm xa trong tháng Tư tới, Mỹ cùng Hàn Quốc và Nhật Bản đã nhanh chóng có phản ứng lo ngại.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Victoria Nuland cho rằng một vụ phóng như vậy sẽ tạo ra "mối đe dọa cho an ninh khu vực," đồng thời thể hiện sự "không nhất quán" với cam kết gần đây của Bình Nhưỡng về hạn chế, ngừng các vụ thử tên lửa tầm xa.
Theo người phát ngôn này, các Nghị quyết 1718 và 1874 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nghiêm cấm Triều Tiên thực hiện các vụ phóng có sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Mỹ kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các cam kết quốc tế; trong đó có tất cả nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan và cho biết đang tham vấn với các đối tác quốc tế về phản ứng tiếp theo.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ra tuyên bố bày tỏ "lo ngại sâu sắc," cho rằng một vụ phóng vệ tinh như vậy sẽ vi phạm Nghị quyết 1874 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và "tạo ra một hành động nghiêm trọng đe dọa hòa bình, an ninh trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Đông Bắc Á."
Thông điệp từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc yêu cầu Bình Nhưỡng "ngừng ngay lập tức" kế hoạch trên và tuân thủ các cam kết quốc tế. Seoul nói rằng sẽ tham vấn chặt chẽ với các thành viên khác trong tiến trình đàm phán sáu bên để cố gắng ngăn ngừa vụ phóng vệ tinh.
Trong khi đó, Nhật Bản cũng yêu cầu Triều Tiên hủy bỏ kế hoạch phóng vệ tinh, nhấn mạnh bất cứ hoạt động nào như vậy cũng vi phạm luật quốc tế. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura tuyên bố: "Cho dù là vệ tinh hay tên lửa đạn đạo, đây cũng là sự vi phạm các nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc."
Theo quan chức này, vụ phóng có thể kéo lùi những nỗ lực hướng tới giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại."
Cùng ngày, Bình Nhưỡng cho biết trong khoảng thời gian từ 12-16/4 tới sẽ phóng vệ tinh ứng dụng Kwangmyongsong-3 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của một phát ngôn viên Ủy ban Công nghệ Vũ trụ Triều Tiên cho hay vệ tinh do Triều Tiên tự nghiên cứu chế tạo này "sẽ được phóng về phía Nam từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Sohae đặt tại huyện Cholsan thuộc tỉnh Bắc Phyongan bằng tên lửa đẩy Unha-3."
Bình Nhưỡng nêu rõ đã lựa chọn một quĩ đạo bay an toàn để các mảnh vỡ do tên lửa đẩy Unha-3 tạo ra trong quá trình phóng không ảnh hưởng tới các nước láng giềng. Bình Nhưỡng cũng sẽ "nghiêm chỉnh tuân thủ các các qui định quốc tế liên quan và sử dụng các vệ tinh khoa học-công nghệ vì mục đích hòa bình, đảm bảo minh bạch tối đa, qua đó góp phần thúc đẩy niềm tin của cộng đồng quốc tế và hợp tác trong lĩnh vực nghiêm cứu khoa học vũ trụ cũng như phóng vệ tinh."
Kế hoạch phóng vệ tinh trên được công bố chỉ 16 ngày sau khi Triều Tiên thông báo đồng ý ngừng các vụ thử tên lửa tầm xa, một phần trong thỏa thuận với Mỹ để dổi lấy việc Washington sẽ cung cấp 240.000 tấn viện trợ lương thực cho Bình Nhưỡng.
Theo Vietnam+